Thứ sáu, 29/11/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Họ Đỗ Việt Nam.
Trang chủ
Thông tin việc họ
Lịch sử Họ Đỗ Việt Nam
Truyền thống
Sức khoẻ – Trí tuệ – Hữu ích
Thông tin hai chiều
Tài trợ và đóng góp
Thông tin họ bạn
Câu lạc bộ họ Đỗ
Trang thông tin họ đỗ mới
Điểm tin các báo
Thời tiết
Bài ca dòng họ Đỗ Việt Nam
RSS
Quang Cao
Quang Cao
Tin tiêu điểm
Số lượt người truy cập
mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm Nay84
mod_vvisit_counterHôm trước128
Hà Nội
Du bao thoi tiet - Thu do Ha Noi
Huế
Du bao thoi tiet - Co do Hue
Đà Nẵng
Du bao thoi tiet - Thanh pho Ho Chi Minh
TP - Hồ Chí Minh
Du bao thoi tiet - Thanh pho Da Nang
 
 
Thi Vân Yên Tử của nhà thơ Hoàng Quang Thuận E-mail
13/08/2012

Tập thơ thiền Thi Vân Yên Tử bài thuốc giúp thanh lọc tâm hồn


NGUYỄN VŨ
 
Tập thơ thiền Thi Vân Yên Tử
bài thuốc giúp thanh lọc tâm hồn
 
 
Tác phẩm Thi Vân Yên TửThi Vân Yên Tử của nhà thơ Hoàng Quang Thuận là tập thơ thiền gồm 143 bài về Yên Tử được viết một cách hệ thống và phong phú mang nhiều hàm ý sâu sa nhưng lại được thể hiện qua những vần thơ thanh cao, huyền diệu, xa vắng, tĩnh lặng đồng thời lại gần gũi với đời thường.
Tập thơ vẽ ra cho độc giả những phong cảnh tuyệt mỹ của núi mây Yên Tử đồng thời soi rọi lại những chặng đường vua Trần Nhân Tông đã đi qua để xây dựng nên Trung tâm Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam. Ngoài ra, độc giả còn được tiếp cận thiền học một cách tự nhiên, dễ dàng và sâu sắc.
Tình yêu dành cho quê hương đất nước, đặc biệt là tâm thành hướng Phật của nhà thơ Hoàng Quang Thuận xuyên suốt tập thơ. Thơ anh đã nhào nhuyễn vẻ đẹp tuyệt vời của Yên Tử mà không bị trùng lặp hay mờ nhạt trước những bài thơ của các tác giả khác về địa danh này.
Trong bài Cô chú thăm Yên Tử là những câu thơ thâm trầm với những sự chuyển động nhẹ nhàng tạo nên vẻ đẹp thanh tịnh của thiên nhiên:
Tùng già, đại cổ chốn Hoa Yên
Cô chú du vân chốn cõi thiền
Yên Tử non cao vời vợi gió
Xuân về mây lượn cảnh thần tiên.
Cảnh vật Yên Tử còn đẹp bởi sự cổ kính:
Viên gạch Hoa Cúc đời nhà Trần
Phù điêu sư tử sứ hoa vân
Vẫn ba gốc đại ngày xưa ấy
Bao năm xa cách vẫn thấy gần
(Danh Sơn Yên Tử)
Không đi vào mô tả tỉ mỉ hình thể, màu sắc những viên gạch ra sao mà nhà thơ Hoàng Quang Thuận chỉ gọi tên viên gạch Hoa Cúc đã đủ để độc giả tưởng nhớ lại một sản phẩm tinh hoa của người Việt ta từ thời nhà Trần xa xưa. Bên cạnh đó là cây đại 700 năm tuổi. Chỉ cần đưa ra những "vật liệu" ấy đã đủ để nhà thơ Hoàng Quang Thuận "xây dựng" nên bài thơ cổ kính và mang một âm hưởng thiêng liêng lạ kỳ. Thế đấy, đôi khi văn chương không chỉ là sự chải chuốt về câu từ, mà còn cần sự tinh tế của nhà thơ trong việc chọn lựa được chi tiết, đối tượng đắt để phản ánh.
Nói vậy, không có nghĩa là Hoàng Quang Thuận chỉ mải miết đi tìm chi tiết khác lạ mà quên đi câu từ. Ngược lại, anh vẫn ý thức xây dựng những câu thật thơ, đầy hình ảnh nghệ thuật. Ví như, trong bài Đường rừng, đẹp biết bao hình ảnh:
Cổ thụ vươn cao xòe tán rộng
Rừng già nắng lọt đốm hoa rơi
Dây leo chằng chịt vắt cành lá
Chim rừng líu lót với hương trời.
Đường lên Yên Tử bạt ngàn cây, những vòm lá đan nhau còn tạo ra các khe hở để nắng rọi qua. Hình ảnh bình thường ấy ta có thể bắt gặp bất kể đâu, chỉ cần ta đứng ở dưới gốc cây dưới trời nắng, thế mà khi vào thơ Quang Thuận, cái bình thường cũng trở lên lung linh, tươi đẹp "nắng lọt đốm hoa rơi".
Hay, trong bài Vẹt rừng Yên Tử nhà thơ Quang Thuận đã tả lại cảnh sắc đất trời và sinh vật đẹp đến lạ: "Sau trận mưa rừng, ánh nắng rơi/ Tùng xanh chao lá đàn vẹt trời/ Mẹ bế bồng con phơi nắng sớm/ Tháp đá điểm xanh áo vẹt phơi...". Được biết, núi Yên Tử có nhiều vẹt mỏ đỏ, lông màu xanh. Sau cơn mưa rừng, vẹt thường ra hai tháp đá phơi nắng. Bởi vậy, nhà thơ Quang Thuận chớp được cảnh ấy. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng ông đã vẽ lại bức tranh thơ này, có lẽ đến nay chưa ai viết hay hơn nhà thơ: "Tháp đá điểm xanh áo vẹt phơi". Hơn thế, thơ anh còn đặt ra câu hỏi đầy hàm ý, đến loài vật như con vẹt cũng biết yêu thương, chăm sóc nhau, vậy con người thì sao? Cũng vì vậy hình ảnh thơ vốn đã lãng mạn lại càng đẹp đẽ, sâu sắc và hữu tình hơn.
Còn trong bài Vân du Yên Tử, anh có viết: "Mênh mông mây núi bóng sư thầy/ Trăm năm duyên kiếp còn lưu lại/ Lối cũ đường xưa ngập cỏ cây". Hình ảnh thơ thật đẹp, đó là sư thầy giữa mênh mông mây núi, một cảnh huyền mộng, tĩnh lặng, trong đó pha một chút chạnh lòng về sự nhỏ nhoi của con người trước cái vô cùng của vũ trụ. Bởi vậy, với mỗi ai khi được đọc những vần thơ này cũng sẽ thoáng có một cảm giác bâng khuâng man mác.
Tuy nhiên, một chút ngậm ngùi đó cũng sẽ qua đi khi chúng ta đến với Yên Tử qua bài thơ cùng tên của nhà thơ Quang Thuận. Đó là cảnh thiên nhiên đất nước đầy khỏe khoắn, oai hùng, đáng tự hào biết bao:
Vòng cung uốn lượn tựa mình rồng
Vươn mình thế núi hướng biển Đông
Ẩn sâu khúc lượn trong lòng đất
Đầu rồng ngoảnh lại hướng Thăng Long.
Dãy núi Yên Tử mang hình một con rồng lượn ra biển Đông còn đầu quay lại phía Cố đô Thăng Long cho thấy đây là một địa thế rất đẹp và linh thiêng. Mặc dù nhà thơ không phải là người duy nhất biết được địa thế linh thiêng của vùng đất này nhưng quan trọng là anh biết đưa nó vào thơ một cách tự nhiên để bất tử hóa một địa danh vốn là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt.
Song, đến với thi phẩm Yên Tử trường xuân, độc giả lại nhận ra chất thiền thấm đẫm trong thơ của Quang Thuận:
Từ bỏ ngôi vua để tu hành
Từ cái nhất thời, cái hữu danh
Vĩnh hằng vô hạn, vua tìm đến
Yên Tử trường xuân hóa đất lành".
Bài thơ không chỉ đơn giản kể lại tích vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu hành mà còn đi vào chiêm nghiệm thiền học về những vấn đề nhất thời hay hữu danh với cái vô hạn. Bằng những câu thơ đó, Quang Thuận đã tạo cho độc giả được dịp tiếp xúc với những thuật ngữ của thiền để họ có thể hiểu hơn về đạo thiền.
Chất thiền cũng thể hiện rõ trong bài thơ Yên Tử đài xuân:
Cõi thiền xa lánh vòng tục lụy
Phúc địa dài lâu đài Yên Xuân".
Yên Tử là đất Phật chốn Tổ cõi thiêng, kinh đô Phật giáo của Đại Việt đời nhà Trần, bởi vậy, làm sao khi viết về Yên Tử lại có thể bỏ qua đạo Phật, chữ thiền được.
Rồi nữa, bài thơ Am tranh cũng mang đậm chất thiền:
Non cao kết cỏ dựng am tranh
Áo lá rau xanh uống nước lành
Túi vải trên vai cùng gậy trúc
Vô vi cõi Phật giữa rừng xanh.
Thanh nhàn biết bao và thanh tịnh biết bao. Cuộc sống giản đơn đến ngọt ngào. Ở am tranh không vướng bận những tham, sân, si, nghi, mạn của người đời mà vô vi về cõi Phật. Những câu thơ giản dị nhưng sâu sắc đồng thời khi đọc lên ta cảm thấy một sự an lành, thoải mái, như cùng người sống trong am tranh trút bỏ hết những phiền não, mệt mỏi do cuộc sống thường ngày đưa lại. Thơ trong sáng và lặng khiến cho người đọc cảm thấy sự thanh thản.
Thiền là vậy nhưng thiền không có nghĩa là vô vi hoàn toàn, lại càng không có nghĩa là vô tâm. Ngược lại, nhà thơ Quang Thuận ấn tượng còn bởi tính nhân văn thấm đẫm. Độc giả dễ dàng nhận thấy điều này trong Kẻ cướp chặn đường. Bài thơ kể một cách xúc động về tích vua Trần Nhân Tông đã cảm hóa ba tên kẻ cướp sau trở thành tín đồ ngoan đạo của phái Trúc Lâm:
Ba tên kẻ cướp nhảy chắn đường
Vua Trần cho bạc lẫn phần cơm
Nhẹ nhàng thuyết giáo trừ tâm độc
Cả ba quỳ lạy hứa hoàn lương.
Việc làm của vua Trần còn là bài học sáng giá về đạo làm người, trong đó, mỗi con người cần có lòng vị tha, nhân hậu. Xưa kia, vua Trần Nhân Tông đã dùng tâm phúc và chữ nhân để cảm hóa kẻ ác tặc sai đường lạc lối thì ngày nay, nhà thơ Quang Thuận lại dùng chữ tâm của mình để viết lên bài thơ Kẻ cướp chặn đường như nhắc lại người đời chớ vứt bỏ đi tình yêu thương, độ lượng.
Quả là không nói quá khi cho rằng Thi Vân Yên Tử của nhà thơ Quang Thuận đã, đang và sẽ giúp chúng ta thanh lọc tâm hồn, gạt bỏ những mệt mỏi, mưu toan để sống một cuộc đời thanh sạch, êm ái đầy tình thương yêu, độ lượng cao đẹp hơn.
 
N.V

Nguồn tin: TCNV 02-2012

 

Hoàng Quang Thuận & dự án Nobel thơ

Từ một người không hề biết làm thơ, bỗng dưng được rắn hổ Kim Xà và phượng hoàng nhập hồn, biến thành một nhà thơ với những vần thơ “thiên giáng” dự giải… Nobel!

 

          Cà phê Trúc Lâm Viên, Đà Nẵng. Đang ngồi với Nguyễn Quang Lập và Huy Đức thì một gã đến chào. Người phốp pháp, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. Trông tướng vừa tựa Mã Giám Sinh, áo vét đen thẳng nếp chỉn chu như một quan chức hàng Bộ trưởng, lại vênh váo bất cần vẻ ta đây của một tay trọc phú thừa tiền ít chữ.

          Tôi chưa từng gặp và cũng chẳng nghe cái tên Hoàng Quang Thuận bao giờ. Lão cũng vậy, nghe anh Lập và Huy Đức giới thiệu Trương Duy Nhất mà cứ ngơ ngơ như bò đội nón. Huyên thuyên về tiền và các mối quan hệ từ tầm Hữu Thỉnh, Hữu Ước trở lên.

          Khi gã đi rồi, Nguyễn Quang Lập mới tủm tỉm: nhà thơ Hoàng Quang Thuận, ông đã nghe bao giờ chưa? Về bấm google sẽ ra, một nhân vật khá… hay đấy!

          Thế rồi sự việc cứ trôi qua khiến quên béng đi. Cái tên Hoàng Quang Thuận quá lạ, không đủ hấp lực để buộc tôi phải gõ google tìm kiếm. Dáng hình phốp pháp nhẵn nhụi mày râu vênh váo bất cần như bao hình mẫu thường nhật cũng vụt qua mau, chẳng để lại ấn tượng gì.

          Bất chợt mấy hôm rồi đọc báo thấy thổi ỏm tỏi chuyện một lão nhập đồng làm “dự án” thơ tham gia giải Nobel. Trông khuôn mặt quen quen, cố nhớ mãi, hóa ra là cái lão áo vét chỉn chu nhẵn nhụi mấy tháng trước gặp ở cà phê Trúc Lâm Viên.

          Lần này thì không kiềm nổi. Gõ google mới tá hỏa: hóa ra lão này quá… nổi tiếng! Một “hiện tượng văn chương”, những vần thơ "thiên giáng" !!!

HoiThaoHoangQuangThuanVoiNonThiengYenTu_HuuThinhTangHoaHoangQuangThuan

          Nhà thơ Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và nhà thơ “thiên giáng” Hoàng Quang Thuận (ảnh Vănvn.net)

          Trước khi nhận định về “những vần thơ thiên giáng" và hiện tượng Hoàng Quang Thuận, hãy tìm hiểu xem ông là ai và cơ duyên nào đã khiến ông đến với thơ để trở thành một “hiện tượng văn chương” ứng viên tiềm năng của giải… Nobel?

          Sinh năm 1953, quê Quảng Bình, là giáo sư tiến sĩ, Viện trưởng Viện công nghệ viễn thông – Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Hoàng Quang Thuận cho biết từ trước 1997, ông chưa bao giờ biết làm thơ. Nhưng duyên nghiệp thơ ca đã đến với ông khi lần đầu tới thăm non thiêng Yên Tử.

          Khi từ đỉnh chùa Đồng xuống đến chùa Hoa Yên, ông gặp một tay thanh niên người dân tộc đang ngồi rao bán một con rắn hổ chúa có mào đỏ chót nghe nói vừa bắt được tại gốc sứ cổ thụ 700 năm tuổi, sát cạnh mắt rồng của khu lăng mộ tổ vua Trần. Ông Thuận đã mua “ngài” hổ chúa rồi phóng sinh. Con hổ chúa được vị ni sư Huệ Giác đặt tên là Kim Xà. Điều kỳ lạ: ngay khi được thả, Kim Xà bèn ngẩng cao đầu hơn 1m, gật đầu ba lần chào ông Thuận rồi mới trườn vào rừng thiêng Yên Tử.

          Từ đó ông như bị thần nhập và bắt đầu biết làm… thơ! Chỉ trong 3 đêm, cứ từ 12 đến 5 giờ sáng, ông viết liền một mạch 63 bài thơ về Yên Tử. Những vẫn thơ "thiên giáng" ấy được in thành tập “Ngọa vân Yên Tử”. Sau này ông cho bổ sung, tái bản thành tập mới là “Thi vân Yên Tử” với 143 bài. Độc bản 143 bài “Thi vân Yên Tử” nặng 120kg sau đó được trao giải “kỷ lục châu Á”.

          Một tập thơ khác của Hoàng Quang Thuận cũng đượm chất kỳ bí bởi được khoác vào câu chuyện “tiền nhân mượn bút”.

          Trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long, ông và nhà thơ Dương Kỳ Anh về “cầu thơ” tại khu du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính. Khi thuyền qua đền Trình, ngang cửa hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu… thì bỗng thấy hiện lên một con chim phượng hoàng tuyệt đẹp cánh trắng, mỏ vàng bay lướt qua rặng cây ven suối. Lập tức lúc đó người ông như trào dâng một cảm giác rất đặc biệt, như đột nhiên bị lôi chìm vào một không gian trầm mặc, trang nghiêm và kỳ bí của mấy nghìn năm trước.

          Sau khi lễ tại đền Trần, Dương Kỳ Anh và Hoàng Quang Thuận ở lại qua đêm mỗi người một phòng trong khu nhà lầu hình bán nguyệt. Hai ông đã cùng nhau làm một cuộc tâm nguyện trước bàn thờ Phật tổ rồi ký tên vào những xấp giấy trắng (khổ A4) để ứng nghiệm thơ thiền (xin thần nhập về để làm… thơ). Hai người ký chéo những tờ giấy trắng và trao đổi cho nhau. Hoàng Quang Thuận nhận 141 tờ có chữ ký của Dương Kỳ Anh và ngược lại. Đến 12h đêm, mọi thứ vẫn yên bình không động tĩnh gì. Khuya, Hoàng Quang Thuận chợt thấy mát lạnh trong người, như có một luồng gió lạ thổi qua. Ông lấy một tấm chăn choàng lên người và ngồi vào bàn viết. Kỳ lạ, như có “tiền nhân” nhập hồn, những câu thơ cứ tự thế tuôn trào, ông ngồi viết liền một mạch trong trạng thái rất vô thức. Khi giật mình choàng tỉnh thì đã 4h sáng. Nhìn trên mặt bàn, ông thấy la liệt những tờ giấy mình vừa viết, thu lại đếm được tất cả 121 bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt Đường luật. Chính ông cũng ngỡ ngàng không tin được điều kỳ lạ vừa xảy ra. Trong khi Dương Kỳ Anh chỉ làm được vỏn vẹn… 4 câu.

          Thật hư câu chuyện Kim Xà mào đỏ và chim phượng hoàng cánh trắng mỏ vàng ra sao không rõ. Bởi chẳng ai thấy, chỉ nghe ông Thuận kể lại. Nhưng chuyện ông bỗng dưng biết làm thơ, thơ tuôn trào đến hàng trăm bài thì có thật.

          Chính Dương Kỳ Anh cũng phải khâm phục và kinh ngạc trước sự “nhập thơ” thần bí kỳ lạ này. 121 bài thơ Đường luật “tiền nhân mượn bút” đó sau này được Hoàng Quang Thuận in thành cuốn “Hoa Lư thi tập”. Độc bản “Hoa Lư thi tập” nặng 54kg được đem trưng bày tại khu vực hoàng thành Thăng Long trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

          Nếu độc bản “Thi vân Yên Tử” được trao giải “kỷ lục châu Á”, thì độc bản “Hoa Lư thi tập” (kích thước 109cm x 70cm x 10cm, nặng 54kg) đang được ông Thuận làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là… di sản ký ức nhân loại!

          Lịch sử văn chương Việt chưa bao giờ có được một “hiện tượng thơ” độc đáo và kỳ bí đến vậy. 3 tập “Thi vân Yên Tử”, “Ngọa vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi Tập” được in và tái bản tới 4 lần với các bản tiếng Việt – Anh – Pháp. Riêng tập “Thi vân Yên Tử” được một vị giáo sư tên David đem về sử dụng để… giảng dạy trong trường đại học ở Mỹ (!?)

          Đặc biệt và hoảng hốt hơn: Từ năm 2009, ông Thuận đã cho làm hồ sơ dịch 2 tập “Thi vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi Tập” sang tiếng Anh để gửi tham dự giải Nobel văn chương quốc tế. (xem kyluc.com, an ninh thủ đô, phongdiep.net)

          Hoàng Quang Thuận với những tập “thơ thần” và “dự án” Nobel của ông đã tạo nên một hiện tượng hiếm hoi có một không hai. Nhiều bàn cãi, chê thì thậm tệ mà khen cũng ngút trời.

          Nhà thơ Trần Trương (tạp chí Thơ) cho rằng: “Tác giả bảo trong 4 giờ của một đêm, hình như có “tiền nhân” nhập vào hồn nên ông viết liền 121 bài thơ theo thể tứ tuyệt Đường luật. Tôi nghe xong thấy kinh hãi, và tự hỏi: đây là một thiên tài hay một người tâm thần vì ông đã quyết định gửi tập thơ “Thi vân Yên Tử” đi dự giải Nobel thế giới. Tôi đọc tập “Thi vân Yên Tử” và nghe qua nhiều phát ngôn của bạn đọc và các nhà thơ khác thì tập thơ này là tập thơ tả cảnh một cách trực giác nhưng vô hồn, một tập thơ của người chơi ngông, và chắc chắn là hầu hết các bài làm theo kiểu “Đường luật” thì đều sai luật” (nguồn: báo Thanh Niên)

          Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng khá nặng nề: “Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt, hoặc ghép hai bài tứ tuyệt thành một bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật, thì ngay cái việc cố gắng ép vần cũng đã đưa lại ý từ khôi hài…”

          Trong khi nhiều nhà phê bình gọi Hoàng Quang Thuận là “dòng thơ thiền”, thì Nguyễn Hòa và Nguyên An gọi đó là loại thơ “vịnh cảnh”. Nguyễn Hòa cảnh báo: “Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đa, mây trời, trăng treo, tiếng hạc… là bài thơ sẽ có chất thiền”.

          Dù sao, vẫn thấy nhiều người ca bốc hơn chê. Hay tại thiên hạ vẫn quen nếp thấy “bất thường” tí là cười khẩy bỏ đi không thèm dây vào?

          Hội nhà văn Việt Nam lại có vẻ như bắt được cái mạch thơ “thiên giáng” của Hoàng Quang Thuận. Chủ tịch hội, ông Hữu Thỉnh đã nhìn nhận thơ Hoàng Quang Thuận là “nghệ thuật cao nhất của thơ ca”. Đề cập tới bài “Am xưa”(Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Đây là bài thơ tiêu biểu cho hai bút pháp thiêng liêng hóa và đời thường hóa, nhân vật trong bài thơ này phải là người tu đắc đạo mới lấy trăng thay cho giường chiếu mà không sợ phàm tục, nhìn thấy trong trăng còn nhiều trăng nữa, tức là qua một vật mà nhìn thấy cái vô biên của vạn giới”

          Một đại hội thảo về “hiện tượng” thơ Hoàng Quang Thuận đã được Hội nhà văn Việt Nam tổ chức một cách kỳ công, như thể là bước chuẩn bị… thành kính làm bệ đỡ cho khát vọng Nobel của ông Thuận.

          Cùng với nhà thơ Chủ tịch hội Hữu Thỉnh, rất rất nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu tên tuổi đều hết lời ngợi ca và tỏ ra thích thú với hiện tượng “thần phật linh ứng nhập hồn” biến một lão ông không hề biết làm thơ thành một “nhà thơ” kỳ bí cho nền thơ Việt.

          Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên viết “Đối với Hoàng Quang Thuận, không có ma quỷ nào đưa lối dẫn đường cả, mà chỉ có thần, phật phù hộ độ trì từ khi ông phát tâm nguyện làm một đệ tử trung thành nơi cửa thiền, để rồi từ đấy những vần thơ thấm đẫm chất linh nghiệm báo ứng của tiền nhân hiện về”. Nhà phê bình Đặng Hiển lại cho rằng, nét đậm nhất của “Thi vân Yên Tử” là dấu tích của vua phật Trần Nhân Tông trên Yên Tử. Ông cũng nói thêm “nhưng đó là dấu tích trong lòng người, trong lòng thi nhân”. Nhà phê bình trẻ Thế Trung nhận xét, với hơn một trăm bài thơ, Hoàng Quang Thuận đã vẽ ra trước mắt người đọc một quang cảnh tuyệt mỹ của vùng núi mây Yên Tử, đồng thời được tìm về cội rễ của thiền phái Trúc Lâm. Thế Trung nói: “Thi vân Yên Tử” tập hợp những vần thơ vừa thanh tao, tĩnh lặng, vừa huyền diệu, xa vắng, mang nhiều hàm ý sâu xa, lại gần gũi với đời thường dễ dàng thấm sâu vào lòng người”. Đăng Lan lại cảm nhận: “Thi vân Yên Tử” – Bằng tâm hồn nhạy cảm, tứ thơ hiền hòa, thanh thoát, ám ảnh đậm chất biểu trưng nên tạo khởi rất nhanh, biến ảo trong cái thế giới liên tưởng trong tâm hồn người đọc. Nó là tiếng nói của cảnh giới xuất thế biểu hiện sự sâu lắng; nơi đây giáp mặt cả bốn bề tâm sự; lắng nghe, tỏ bày, đốn ngộ…”

          Nhiều vị nhắc đến và đánh giá cao những câu thơ “thần” viết về Am Ngọa Vân của Hoàng Quang Thuận có tên “Am xưa” như nhà thơ Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Hữu Việt, nhà phê bình Trần Thị Thanh, Ngô Hương Giang: Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc / Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm / Tiếng sáo thiền ca vui bất tận / Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”.

          Còn ông Dương Kỳ Anh, nhà thơ, cựu Tổng Biên tập báo Tiền Phong thì nhận xét đấy là “những câu thơ hay đến lạnh người”. (nguồn: evan. vnexpress.net)

          Thậm chí (mô Phật!), nghe nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã bình thơ của nhà “thiên giáng” Hoàng Quang Thuận rằng “đọc những bài thơ hay đượm gió ngàn cao, thấm nguồn suối núi, những bài thơ của một con người đầy tư tưởng nhân văn”. (nguồn: báo điện tử đảng Cộng sản VN)

          Còn tự ông Hoàng Quang Thuận nói về những bài thơ “tiên giáng” của mình thế nào?

          Ông bảo “đó là tiền nhân mượn bút tôi viết thơ”. Phản ứng trước nhận xét của một số người cho rằng thơ ông chỉ là thể thơ du ký, loại tức cảnh sinh tình bình thường xuất hiện nhan nhản trong đời sống văn học hiện nay, ông Thuận nói: “Những bài thơ du ký là bài thơ làm về con người thực, địa danh thực do họ nhìn thấy, cảm thấy, còn tôi du ký trong một đêm sương gió, trong một đêm huyền ảo, du ký trong tâm tưởng. Nhiều địa danh xuất hiện trong thơ tôi ở Hoa Lư, Yên Tử sau đó các nhà sử học phải tìm lại, dân ở đó còn chả nhớ, phải tra lại mới ra, có chỗ phải dịch chữ Hán mới ra”.

          Sau 2 sự kiện ly kỳ như ông kể, liệu “tiền nhân” có còn tiếp tục nhập hồn “mượn bút” ông viết thơ nữa không?

          Ông Thuận bảo “Cái này không nói trước được. Phải có những thời khắc lịch sử nhất định, hòa hợp âm dương nhất định mới ra đời. Ví dụ như dịp tròn 700 năm vua Trần Nhân Tông về Yên Tử thì mới có “Thi vân Yên Tử”, dịp nghìn năm Thăng Long thì mới có “Hoa Lư thi tập”… (nguồn: phongdiep.net)

          Thú thật, tôi không thể tin nổi vì sao thơ lại có thể “nhập” được vào một khuôn tạng như ông Thuận. Nhớ lại buổi gặp tình cờ ở cà phê Trúc Lâm Viên, hình dung lại cái khuôn mặt, cách tiếp chuyện khiến cứ phải liên tưởng đến… Đinh La Thăng! Ông Thăng cũng có làm thơ. Thơ ông được phổ nhạc, nhưng không dự Nobel, mặc dù ông Thăng vẫn có một khát vọng… Nobel khác! (xem “Đinh La Thăng và khát vọng Nobel”)

          Cái tên Đinh La Thăng giờ nhiều người nghe là sợ. Sợ ổng lâu lâu nổi hứng nảy ra một “sáng kiến” thì dân tình méo mặt. Trước tôi chưa biết chưa nghe đến cái tên Hoàng Quang Thuận. Nhưng giờ đây ra đường, hễ cứ nghe ai nhắc đến Hoàng Quang Thuận là giật thót mình lui người lại.

          Không biết bạn đọc đánh giá hiện tượng thơ “thiên giáng” và nhân vật Hoàng Quang Thuận ra sao, chứ tôi hoảng quá. Hoảng còn hơn cả khi nghe ông Hữu Thỉnh tuyên bố tổ chức đại lễ thơ, hoảng hơn cả khi nghe có ông đại biểu quốc hội đòi phải ban hành “luật thơ”, hoảng hơn cả khi nghe ai đó đề xướng ý tưởng đòi UNESCO công nhận Việt Nam là… cường quốc thơ!

          Thương thay cái dân tộc của tôi. Một dân tộc mà ai ai cũng làm thơ, toàn dân làm thơ, toàn dân thành nhà thơ. Có lẽ đây chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt. Vì thế, trong hàng triệu triệu nhà thơ, bỗng hôm nào đó  một vài vị bỗng dưng được rắn-phụng-chuột-mèo-chó-chim nhập hồn, hóa thành thần nhập thiên giáng như “hiện tượng” thơ Hoàng Quang Thuận cũng là điều dễ hiểu.

          Chỉ có điều cứ nghe nhắc là phản xạ giật thót mình lui người lại như phải tránh một cái điều gì đó rất vô hình, vớ vẩn, mông lung.

Nguồn trươngduynhat.vn

 

Tin thêm- Không phải chờ đợi lâu, vừa có thêm bài:

>> "Thi vân Yên Tử" của Hoàng Quang Thuận có phải thơ nhập đồng ??? (Luật sư Nguyễn Minh TâmTP. Hồ Chí Minh, 02 giờ đêm ngày 12 tháng 8 năm 2012)

 

 


 
< Trước   Tiếp >
 
 
Múi giờ

Trang ảnh










 
 
Copyright © 2006 Ho Do Viet Nam. All rights reserved.
Đ/c :111 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nôi
Khu Đô Thị Tây Nam Linh Đàm
Hotline:091.8830808.
Website: www.hodovietnam.vn - Email: banlienlac@hodovietnam.vn