TƯỚNG DIỆN QUA CA DAO TỤC
Bài sưu tầm
Người xưa có câu:
"Giàu ba mươi tuổi chớ mừng, khó ba mươi tuổi em đừng vội lo;" trong khi Khổng Tử thu thập: "Tam thập nhi lập." Ba mươi tuổi đã nhi lập mà cuộc đời còn bấp bênh chưa biết tương lai sẽ thế nào hỏi sao không e ngại.
Qua kinh nghiệm sống, con người nhận thấy không phải cứ cố gắng mà đạt
được điều mình muốn. Cuộc đời thăng trầm nhiều khi dồn con người vào
cảnh bó tay bó chân không phương xoay xở khiến phải tin rằng còn một lẽ
nào đó ảnh hưởng đến thực tại tạm gọi là vận số. Nói là vận số vì mình
không hiểu được nguyên nhân tại sao. Có những người học hành không ra gì
mà cuộc đời làm ăn giầu có; lại những người trông vẻ bên ngoài tầm
thường giữ uy quyền muôn mặt ... Lẽ thường tình:
"Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa ..." thế mà chỉ những người giầu không phải lo lắng bon chen với vật chất mới có thể ngủ muộn; hoặc câu khác: "Những người đói rách tả tơi, của Trời chớ phụ đừng ăn chơi quá nhiều," lại nghịch thường với thực tế. Chỉ những kẻ nhiều của ăn không hết mới phụ của chứ đói rách làm chi có của mà phụ.
Câu
"Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện"
một phần nào đó khuyên mọi người nên tiết kiệm lúc có để lo cho lúc
chẳng may, đừng vung tay quá trán, chứ nếu vừa buôn tàu bán bè vừa ăn dè
hà tiện thì phải có hơn chứ không thể nào nói đến không bằng. Tuy
nhiên, nếu cho rằng đời người đã được phận số định sẵn làm sao "Có chí thì nên," và phải chăng tin vào phận số chỉ làm hao mòn tinh thần tiến thủ?
Xét về phương diện tâm tính đôi khi có những câu thật khó mà hiểu. Chẳng hạn:
"Những người lúa đụn tiền kho, ruột bằng sợi chỉ miệng to bằng trời."
Nếu nghĩ ngược lại, những người nghèo nàn, lòng rộng rãi lấy gì mà cho,
và có rộng rãi thì cũng chỉ giới hạn trong cảnh nghèo của mình. Hơn
nữa, thực tế cho thấy, chỉ những người giầu có mới giúp được những người
nghèo vì người đã nghèo thì chẳng có nên dù lòng muốn nhưng cái khó nó
bó cái khôn, cái nghèo không cho phép bởi chính mình chưa lo nổi cho
mình làm sao có thể giúp người.
Lấy gì để minh chứng
"Người xấu duyên lặn vào trong, bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài?" Và làm sao để thử nghiệm "Chớ thấy áo rách mà cười, những giống gà nòi lông nó lơ thơ?"
Tuy nhiên có những nhận xét về tướng diện con người nơi Tục Ngữ, Ca Dao dựa trên những gì nhìn thấy theo vẻ bên ngoài vì
"Khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện chân tay."
Những nhận xét tướng diện dựa trên kinh nghiệm chỉ được phần nào áp
dụng cho bản thân, và đồng thời được lồng trong khung cảnh kinh tế xã
hội Việt qua nhiều thế hệ.
Dĩ
nhiên, mặc dầu nói tổng quan về tướng diện nhưng không được coi là
những định luật bất di dịch mà bao gồm nhiều luật trừ; lý do dễ hiểu,
tướng diện bị ảnh hưởng bởi cái nhìn bề ngoài trong khi con người còn có
ẩn tướng mà đã là ẩn tướng ai có thể nhìn thấy ngoại trừ chính người
mang nó nhận ra hay không. Hơn nữa sự ảnh hưởng nơi người cha cũng góp
phần vào số người con theo tướng học vì cũng người đàn bà có số sinh con
làm tướng nhưng gặp ông chồng sống thất đức, phá tướng, sẽ sinh con
tướng cướp. Đàng nào cũng là tướng nhưng quí tướng và phá tướng chắc
chắn không thể giống nhau.
Coi tướng diện không phải là coi số
hay coi bói. Coi bói toán, vận số tùy thuộc vào những điều người ta
không thể kiểm chứng và số mạng con người nào ai giống ai nên làm sao
đúng theo như những quy luật cứng ngắc bất di dịch của lá số, của lời
giải đoán ... Thế nên chẳng lạ gì:
"Tử vi xem số cho người, số mình thì để cho ruồi nó bâu."
Tướng diện qua kinh nghiệm thấy sao nói lên vậy: "Nhân hiền tại mạo,
trắng gạo ngon cơm" chứ không phải rập theo những kinh nghiệm vô căn cứ
không hiểu lý do tại sao; chẳng hạn: "Hà tiện mới có, bẩn như chó mới giầu." Đã giầu có tại sao lại bẩn như chó ... Có lẽ người giàu hiểu rõ hơn về phương diện nào câu tục ngữ này muốn ám chỉ.
Tướng diện được diễn tả qua Tục Ngữ, Ca Dao chỉ nói lên phần nào cá
tính, tâm tính con người được thể hiện qua diện mạo bên ngoài và kinh
nghiệm truyền lại bằng những câu nói ngắn gọn hoặc thêm phần sắp xếp cho
có vần điệu. Phần diện mạo dựa trên cách đi đứng, ăn nói tóc tai:
"Cái răng cái tóc là gốc con người," hoặc dáng dấp, hình thái kèm theo lối so sánh: "Cây khô không lộc, người độc không con."
Tuy nhiên, sự suy diễn, giải nghĩa tướng diện nơi Tục Ngữ,Ca Dao thật
ra không theo nghĩa đen mà thường tùy thuộc vào lối ám chỉ, nghĩa bóng.
Coi tướng diện không phải là tin nhảm, dị đoan "
Thừa tiền thì đem mà cho, đừng đi coi bói thêm lo vào mình." Thực ra cũng có những kinh nghiệm không hiểu tại sao, có lẽ vô tình trùng hợp chẳng hạn "Thứ nhất đom đóm vô nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba bông đèn;" hoặc "Mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì sang." Đôi khi có những điều dị đoan đến độ phi lý: "Đi ra gặp đàn bà thà trở vô nhà mà ngủ," hay "Vợ chồng một tuổi, nằm duỗi mà ăn."
Lý do coi tướng diện vì ít nhất một phần nào tư cách con người được thể
hiện qua phong thái, hình dáng là những nét bề ngoài mọi người có thể
nhìn thấy bởi ai chẳng muốn:
"Chọn mặt gửi lời, chọn người gửi của" mặc dầu có những trường hợp "Xem tướng ngó dạng anh hào, suy ra nết ở khác nào tiểu nhi." Thực
tâm nhận xét, coi tướng diện cho người khác, ai cũng đều gặp kinh
nghiệm 90 phần trăm sai lầm, còn lại những trường hợp vô tình may mắn
bởi có những ẩn tướng hoặc nét phá hay hộ cách khó có thể tổng hợp cho
đúng. Coi tướng diện mục đích nghiệm nơi chính bản thân để biết mình
hơn.
Trước hết, hình thái phong cách nói lên một phần nào tâm
tính con người do đó tướng diện bị lệ thuộc vào tâm đức cá nhân. Tướng
số có câu:
"Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt."
Dĩ nhiên, ai cũng đều nhận ra những người ngay thẳng, chính trực không
thể có cặp mắt láo liên hoặc lời ăn tiếng nói đặt điều xằng bậy. Tâm đức
tạo nên phong thái bên ngoài cũng như giá trị con người; đó có thể là
lý do tại sao "Cái đức nó bức cái tướng." Cái đức nói theo kiểu bình dân ở đây cũng mang nghĩa thay đổi tướng diện, phong thái một người. Cũng qua kinh nghiệm tướng số, "Đức năng thắng số"
đã trở thành châm ngôn cho người người cải thiện lối sống ngày một tốt
lành hơn. Tướng diện phát từ tâm hồn con người và coi tướng diện để tự
sửa đổi chính mình; nói theo Khổng Tử đó là tu thân. Muốn tu thân cần
hiểu chính mình. Coi tướng diện để tự tìm hiểu chính mình, tìm ra phần
nào tâm tính không nên nơi mình chưa để ý mà sửa đổi.
Thành ngữ có câu:
"Người ba đấng, của ba loài;"
cuộc đời có kẻ thế này, người thế khác cũng như đồ vật, có món tốt, món
xấu chứ không phải tất cả mọi người đều có tâm tính giống nhau, hoặc
mọi vật đều như nhaụ Những người khôn thì chóng già vì tâm tính hay suy
nghĩ và dĩ nhiên, "Người có tiếng phi mạnh thì bạo."
Những người có tăm tiếng phần nhiều là người có tài; tuy nhiên, cũng có
trường hợp gian ngoa độc ác dám dùng mưu chước hại người khác để bước
lên đài danh vọng. Nhìn vào tướng diện, nét dễ nhận ra,
"Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ lộ." Không hiểu tại sao người xưa lại nói câu này. Nếu xét theo tướng học về lé: "Lưỡng mục bất đồng, tâm can bất chính,"
cũng chưa chắc những người hai con mắt không ngay ngắn như nhau luôn
luôn là bất chính; mà có chăng, người lé, khi thương thì thương nhất mực
và khi đã ghét cũng thế ... Hơn nữa, đâu có ai hai con mắt bằng nhau mà
thế nào cũng có chút khác biệt.
Nếu nói rằng người lùn hay có
tính kiêu căng bởi tâm tính thường hay đối nghịch với hình dáng bên
ngoài nên lùn được xếp hạng thứ nhì thì càng trái ngược; đâu thiếu chi
người lùn nhã nhặn, khoan hòa. Có điều, theo kinh nghiệm cho thấy một số
người không được cao cho lắm rất khôn ngoan lại lắm mưu chước thế nên
lùn được xếp vào một trong bốn loại dẫn đầu của tướng diện chăng. Có lẽ
răng hô được xếp hàng thứ ba cần phải kèm theo điều kiện môi cong bởi
theo sách tướng:
"Xỉ lộ thần hân tu phòng dã tử;" răng lộ môi cong đề phòng chết đường.
Theo Tướng Mệnh Khảo Luận do Vũ Tài Lục biên soạn, một trong tướng lục ác là
"thần bất hô xỉ."
Môi không che được răng là người bất hòa. Răng hô phải đầm xuống đều
thì chất phác; răng đâm ngang hay ngưỡng lên, cực đểu giả (Ngân Hà Thư
Xã; Sài Gòn, 1972; tr. 235).
Có nơi ghi lại:
"Nhất lé nhì lùn, tam hô tứ sún."
Có thể sún được xếp hàng thứ tư do ảnh hưởng bởi sự không để ý chăm sóc
cơ thể, gặp gì ăn nấy, có thể nói tham ăn nên răng bị hạị Tuy nhiên, đó
chỉ là phỏng đoán vô căn cứ; biết bao người sún nên làm răng giả nào ai
mà biết. Chẳng lẽ tướng diện bị lệ thuộc nét sửa đổi, và nếu như thế,
đâu còn gì là tướng diện, mà tâm sinh do sửa hình dáng. Ngoài ra, nhất
lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún chưa chắc đã khó thương mà có phần dễ thương
tùy thuộc tâm tính từng người.
Kiếm người làm, nhất là trong giới nông nghiệp,
"Khô chân gân mặt đắt mấy cũng mua."
Người chân khô không bị bịnh tê thấp, ảnh hưởng do sự thay đổi thời
tiết không tác dụng nên sức khỏe đều đặn, dù nắng mưa, sương gió không
cản trở công việc làm của họ nên mướn được người khô chân giúp, công
việc mình không bị đình trệ.
Những người có đường gân máu nổi
lên ở mặt chịu đựng cực khổ dẻo dai. Dùng người khô chân gân mặt để làm
việc cho mình thì thật đáng đồng tiền bát gạo, chỉ có lợi chứ không sợ
bị thua lỗ.
Xét chung, sách tướng có câu: "
Ăn nhanh đi chậm là tướng quí nhân."
Ăn nhanh nhưng gọn gàng, cử điệu, thái độ chững chạc, không ngồm ngoàm,
nhỏ nhặt như chuột; dáng đi khoan thai, đĩnh đạc, lưng thẳng, gót chân
đặt xuống đất ... mang phần quí tướng. Tuy nhiên, không phải quí tướng
là bất cứ chi cũng quí bởi còn bị ảnh hưởng do các tướng khác nhất là
tâm đức.
Một điều thường làm cho người có tướng quí lận đận là đã quí e khó phú. Tục ngữ có câu:
"Phi thương bất phú," mà buôn bán ảnh hưởng tâm tính khiến con người khó chân thành, ngay thẳng làm mất phần quí. Đó cũng có thể là lý do tại sao "Mặt vuông chữ điền đồng tiền chẳng có"
bởi người mặt vuông chữ điền, hơi nặng hàm (như gương mặt các mệnh phụ)
biểu hiệu tâm hồn đoan chính, không tham lam, tự tin, không bon chen
nên thường nghèo. Ngược lại với dáng đi thanh thản của ăn nhanh đi chậm
là tướng vội vàng hấp tấp đi chúi người về phía trước.
Những người lam lũ cực khổ thường có dáng đi này:
"Cái đầu đi trước, gặp nhiều bước khó khăn." Người khó tính, mặt hay cau có; khi giận thì làm gì cũng hỏng, không mong chi kết quả; do đó: "Mặt khó đăm đăm, tát nước đầm không cạn."
Khi trong lòng có chuyện âu lo tất nhiên người ta hay thở dài; những
người hay thở dài thường có nội tâm âu sầu thiếu đường giải thoát:
"Những người chép miệng thở dài, chỉ là sầu khổ bằng ai bao giờ." Trái ngược với chép miệng thở dài là vui tươi cởi mở: "Hay cười như thể đười ươi, làm ai cũng tưởng là người vô lo."
Tuy nhiên, người thâm trầm chín chắn, dẫu trong cảnh âu lo vẫn không lộ
nét ưu tư sầu khổ. Sự khác biệt giữa nét vui tươi, không ưu phiền lo
lắng được thể hiện bởi nét cười là nét vô duyên: "Vô duyên chưa nói đã cười." Vô duyên ở đây bao gồm nhiều khía cạnh qua cái cười: cười cầu tài, nịnh hót, lẳng lơ, khinh thị ...
Tướng diện bao gồm toàn bộ con người từ hình dáng, cách đi đứng, sự cân
đối, ưu điểm hoặc khuyết được thể hiện qua diện mạo bên ngoài. Theo
Việt Nam Tự Điển,
"Mía đõn đầu là mía sâu, người đõn đầu là người ngốc."
Kinh nghiệm cho biết, người nào có cái đầu ngắn mà bằng phẳng ở trên là
người không khôn; cũng như cây mía nào mà lá ngọn còi là cây mía sâu
nõn (tr. 256, phần Thành Ngữ, Quyển Hạ.)
Lối nói bình dân có
dùng tiếng "mặt thịt;" mặt thịt dĩ nhiên là nhiều thịt hoặc nhìn thấy
như nhiều thịt hơn xương. Mặt thịt còn được gọi là mặt nạc; mặt thịt mà
dài được gọi là mặt mo vì thịt vun lên giống như chiếc mo cau khô úp
vào,
"Những người phính phính mặt mo, chân đi chữ bát có cho chẳng màng." Mặt thịt, mặt nạc, mặt mo biểu hiệu thiếu khôn ngoan, ngu đần.
Mặt thịt kèm theo môi dầy lại càng tệ;
"Những người mặt nạc môi dày, mịt mù trời đất biết ngày nào khôn." Theo Vũ Tài Lục, "môi thật dầy không có khía môi; môi luôn luôn động là mã khẩu, chỉ sự bần tiện."
Đàn bà tóc nhiều và dài thì tốt, thuộc tướng sang. Như thế, tướng sang
của một người tự bẩm sinh chứ không phải cứ học tập kiểu cách phải thế
này phải thế kia mà có thể sang được. Người đã không có tướng sang thì
có "học làm sang" cũng không che dấu nổi nét tầm thường của mình. Có lẽ
đó cũng là nguyên nhân cho câu
"Trưởng giả học làm sang."
Trái lại, người đã được sinh ra với cốt cách sang trọng, dù có bị sinh
trưởng từ gia đình thuộc lớp nghèo hèn, bình dân, tự bản chất đã mang vẻ
tướng của mình. Tuy nhiên, xét theo tướng diện, nếu đàn bà tóc rậm, óng
mượt, dài, thuộc cốt sách sang trọng thì đàn ông với cái đầu rậm tóc
chẳng lợi lộc gì:
"Đàn bà tóc rậm thì sang, đàn ông rậm tóc chỉ mang nặng đầu."
Đàn ông, trên đầu không nên nhiều tóc thì dưới cằm lại cần râu. Đàn ông
không râu thuộc loại tối kỵ; người không râu mà lại mặt trắng (bạch
diện) Vũ Tài Lục gọi là mặt đít ếch. Sách tướng nói: "Bạch diện vô tu chung thân phá bại." Mặt trắng không râu về già tán gia bại sản.
Đàn ông không râu cũng như đàn bà không vú:
"Đàn ông không râu mất nghì, đàn bà không vú lấy gì nuôi con." Tuy nhiên, nếu đàn ông mà râu rậm hơn lông mày lại đi kèm với cặp mắt sâu sẽ là người nham hiểm đáng sợ, thuộc tướng diện "Rậm râu sâu mắt."
Theo Vũ Tài Lục, râu rậm hay thưa phải tùy thuộc lông mày mới đúng
cách. Phần trên cằm là miệng; ngoài miệng có môi. Đôi môi một người nói
lên nhiều cá tính theo con mắt tướng diện. Môi cần che kín răng bởi "Môi hở răng lạnh." Môi là cửa ngõ của miệng lưỡi nên tướng miệng đi kèm với môi. Ca Dao nói lên: "Cong môi hay hớt, mỏng môi hay hờn, dầy môi ăn vụng ..." và đồng thời "Môi thâm hiểm độc trong lòng."
Dẫu tướng miệng tùy thuộc rất nhiều vào môi nhưng vẫn có những kiểu cách riêng. Thành ngữ dùng câu:
"Miệng ngậm hạt thị"
chỉ người ăn nói không ra lời, lúng búng trong miệng. Lời nói con người
được thoát ra từ cửa miệng nên miệng còn được hiểu theo nghĩa bóng chỉ
tâm tính; chẳng hạn: "Miệng hùm gan sứa." Sứa nào có gan, mà hùm ai không sợ.
Người lớn lối thường hay nhát gan. Đặc tính này thường ở nơi người hay
làm oai bắt nạt hoặc thích kiếm chuyện gây khó dễ cho người khác. Một
đặc tính của miệng thuộc tướng tốt nơi đàn ông thì lại không tốt nơi đàn
bà: "
Đàn ông rộng miệng thì tài, đàn bà rộng miệng điếc tai láng giềng." Chẳng những thế, miệng rộng nơi đàn bà còn mang thiệt hại nơi gia đình: "Đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà."
Có lẽ đàn bà miệng rộng thường là người tiêu xài không tính toán nên
gây ra lắm cảnh thiếu hụt. Miệng không phải chỉ được dùng để nói mà còn
để ăn; thế nên, "Miệng gàu dai (dây) nhai hết sự nghiệp," và người có "Miệng ống nhổ ăn đổ hết cửa nhà."
Trên miệng là nhân trung và mũi. Người có nhân trung dài sống lâu:
"Nhân trung dài sống dai như ông bành tổ." Nói về sống như thế nào lại tùy thuộc về cái mũi bởi "Những người lỗ mũi hếch lên, của xe chất đống một bên cũng nghèo." Hơn nữa, chẳng may ai có "Nốt ruồi trên mũi hay tủi tấm thân." Bộ phận ảnh hưởng đến mũi nặng nề nhất là cặp mắt và đồng thời cũng là bộ vị quan trọng nhất của nhân thân.
Những người thành công đều có cặp mắt tốt kèm theo mũi ngay ngắn trường
nhuận. Nhìn vào màu sắc của mắt, người xưa nói: "Người khôn con mắt đen
sì, kẻ dại con mắt nửa chì nửa than." Mắt còn nói lên cá tính hoặc sự
khắc thuận của một người thế nào: "Những người con mắt ốc nhồi, trai
thời đánh vợ gái thời sát phu." Mắt trắng dã đi kèm với môi thâm chứng
tỏ con người bạc bẽo, hiểm độc ... thuộc tướng xấu: "Môi thâm mắt
trắng." Xét riêng về tướng đàn ông, thành ngữ có câu khá thâm thúy: "Xấu
mặt dễ sai, đẹp trai khó khiến." Điều này không lạ gì bởi cái đẹp bề
ngoài đối với con mắt bình thường khác hẳn nét đẹp của tướng diện.
Dĩ nhiên, những người đàn ông mặt hoa da phấn thường hay có số đào hoa.
Người mang số đào hoa dễ coi thường những người phụ nữ theo đuổi nên
sinh ra bất cần, khó khiến ... Chắc chắn một điều, người có số đào hoa
chưa chắc đã mặt hoa da phấn nhưng bình thường, nữ giới cũng như nam
giới, ai không mang sẵn cá tính bẩm sinh yêu nghệ thuật, ai không dễ
xiêu lòng với nét đẹp hợp nhãn ...
Đàn ông có một điều tối kỵ
đó là lông mọc nơi thân mình: "Mèo vằn chó vá đừng nuôi, râu ria lông
ngực là tôi phản thần." Người râu ria rậm rạp kèm theo lông ngực thuộc
loại hay thay lòng đổi dạ. Lông bụng tự mình nó đã chứng tỏ con người
giảo hoạt, nhỏ mọn, không chí lớn: "Quân tử lông chân, tiểu nhân lông
bụng," hoặc "Cá khôn cá lội ra khơi, những người lông bụng chớ chơi mà
lầm." Dẫu ca dao có câu: "Người quân tử đắc ý rung đùi, kẻ tiểu nhân đắc
ý gẩy đàn môi," nhưng tướng rung đùi lại là tướng xấu: "Đàn ông ngồi
hay nhịp cẳng là sẵn tính phá sản."
Dân gian nhận xét: "Xem
trong bếp biết nết đàn bà;" điều này chẳng lạ gì vì đối với xã hội Việt
Nam, đàn bà là nội tướng chuyên lo việc chăm sóc con cái, cơm nước trong
gia đình. Dĩ nhiên, "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm." Nhà cửa sạch
sẽ, ngăn nắp, bếp núc gọn gàng ... phải là kết quả do sự làm việc của
người nội trơ.. Nếu nhà cửa bếp núc ngập ngụa, con cái lấm lem nhăng
nhăng nhố nhố chắc hẳn người mẹ cần phải đặt lại vấn đề.
Nguyễn Du than trong Đoạn Trường Tân Thanh: "Trời xanh quen thói má hồng
đánh ghen" ám chỉ những người có tài thường hay bị gian truân lận đận
... Đối với khách hồng nhan cũng thế: "Hồng nhan đa truân;" những người
đàn bà đẹp theo lối nhìn bình thường của nhân gian thường gặp lắm cảnh
trớ trêụ Phụ nữ dưới con mắt tướng diện, câu tục ngữ: "Con mắt lá răm,
lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền" thường đánh lừa khối người bồng
bột không để ý về nét ngoắt ngoéo chơi chữ của người xưa.
Trước hết, không ai dùng tiếng mua vợ hoặc mua vợ cho con mà cưới vợ hay
dựng vợ gả chồng cho con cái. Ngược lại, người ta chỉ dùng tiếng mua
hầu thiếp; đôi khi lịch sự văn vẻ hơn thì mới nói "cưới nàng hầu" trong
thời kỳ xã hội Việt Nam còn chấp nhận "Trai năm thê bảy thiếp ..." Hơn
nữa, Ca Dao có câu lục bát nói về con mắt lá khoai loại có hình dạng dài
gần giống lá răm: "Những người con mắt lá khoai, liếc chồng, chồng
chết, liếc trai, trai mù." Phụ nữ đoan chính không thể bị ghép chữ "liếc
trai" mà những hạng "liếc trai, trai mù" thì thuộc loại đa dâm. Thế nên
những người "Con mắt lá răm, lông mày lá liễu" là người đa dâm, không
thể là vợ một ai mà chỉ đáng nàng hầu nếu không nói đa số là kỹ nữ.
Câu tục ngữ dùng chữ ngược nghĩa "Đáng trăm quan tiền." Tướng đa dâm
nơi nữ giới còn bao gồm: trường túc, trường mi, xích diện và làn thu
thủy. Người đàn bà phần chân dài hơn thân mình, lông mày dài và thẳng,
mặt lúc nào cũng hồng đôi má và kèm theo cặp mắt ướt như luôn luôn đọng
nước ... tướng kỹ nữ hồng trần. Xét về hình dạng, lông mày phái nữ nên
hơi cong theo vòng mí mắt; những chị em trang điểm vô tình không để ý
thường hay phạm phải điều kỵ này nơi tướng diện.
Không hiểu
tại sao Ca Dao có câu: "Những người béo trục béo tròn, ăn vụng bằng chớp
đánh con cả ngày." Lý do thật khó hiểu bởi đâu thiếu gì những bà vợ có
da có thịt một chút chăm sóc chồng con cẩn thận ... lại thuộc người
vượng phu ích tử. Đâu phải cứ béo là hay ăn vụng mà người đã không được
ốm cho lắm dẫu có cố gắng ăn ít vẫn cứ chịu khó lên cân ... Thế rồi tại
sao "đánh con cả ngày" càng thấy không hợp lý hợp tình chút nào.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những người mập thường là những người có
tính vui vẻ; thật ra, nếu người mập không vui vẻ cởi mở mà khăn kháu,
khó tính, dễ bị bịnh áp huyết cao chết bất ngờ. Có thể rằng câu ca dao
này bị giới hạn bởi kinh nghiệm riêng tư nào chăng. Ngược lại với hình
tướng béo trục béo tròn là tướng thắt đáy lưng ong, eo con kiến: "Những
người đáy thắt lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con." Tướng
nhiều con của người đàn bà là "Lưng chữ ngũ, vú chữ tâm." Người có lưng
hơi cong về phía trước, cặp vú ngang hơi thòng xuống sẽ có nhiều con
cái. Ngày xưa, trong thời kỳ ấu thơ con cái được nuôi bằng sữa mẹ khác
hẳn với ngày nay nên thường có quan niệm: "Cả vú bụ con." Có lẽ cả vú
nhiều sữa cho con bú nên con bụ bẫm chăng!
Sách tướng chia ra:
nhất thanh, nhị sắc, tam hình. Chuông trống, dụng cụ âm nhạc làm bằng
đồ tốt thì âm thanh tốt. Con người cũng thế, "Tiếng cả nhà thanh;" người
có tiếng nói âm hưởng lan rộng và ngân là quí tướng. Âm thanh tiếng nói
theo tướng diện khác với lời nói, "Vàng thì thử lửa thử than, chuông
kêu thử tiếng người ngoan thử lời." Lời nói phát tự tâm; tiếng nói thuộc
về âm thanh, được xếp vào hàng diện mạo. Theo tướng học, tâm đoan
chính, âm thanh tiếng nói biểu hiệu chất hào sảng: "Người thanh tiếng
nói cũng thanh, chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu." Tiếng nói có âm
thanh trầm ấm, âm điệu đĩnh đạc, hơi dài là tốt, là thanh. "Trái ngược
với thanh là tục: líu lo, láu táu, thều thào, lí nhí, nói ngắn là xấu,
là tục." (Tướng Mệnh Khảo Luận, tr. 55). Nếu "Lầmbầm như chó ăn vụng
bột," vừa nói nhỏ, vừa cúi đầu là kẻ gian hoạt, âm hiểm.
Âm
thanh tiếng nói hoặc kiểu cách nói của phụ nữ biểu hiệu một vài đặc tính
của tướng diện. Điểm tối kỵ của phụ nữ về âm thanh giọng nói là lanh
lảnh ré lên như tiếng kèn đồng hoặc tiếng lụa xé, đôi khi được gọi sắc
như chẻ tre hoặc sắc như dao chém nước: "Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng,
một tướng sát chồng hai tướng hại con." Theo Vũ Tài Lục, "Đàn bà chỉ cần
một tiếng nói sang cũng đủ làm mệnh phụ phu nhân; chỉ cần một tiếng nói
giọng đàn ông cũng đủ làm thịt vài ông chồng."
Sách tướng có
câu: "Nữ hữu nam thanh tất hình phu khắc tử; nam hữu nữ thanh tất tiện
bần." (Tướng Mệnh Khảo Luận, trang 58). Coi tướng âm thanh lại cần phải
liên kết với thái độ của người nói chuyện. Nếu cười nói tự nhiên là
người có tướng về âm thanh tốt. Nói chưa ra lời mà đã cười mang tướng
xấu: "Vô duyên chưa nói đã cười, có duyên gọi chín mười lời không
thưa.ạ" Ca Dao là thế nhưng gọi chín mười lời không thưa chưa chắc đã có
duyên ... Tuy nhiên, chắc chắn rằng chưa nói đã cười lại kèm thêm "đi
như chạy" sẽ là người vô duyên: "Những người chưa nói đã cười, chưa đi
đã chạy là người vô duyên." Ăn nói nơi người đàn bà còn lệ thuộc vào
tướng môi: "Cong môi hay hớt, mỏng môi hay hờn, dề môi ăn vụng."
Trong thơ văn, thi sĩ hay dùng tiếng "gót son" để chỉ dáng mảnh mai tơ
liễu của tướng đàn bà, tướng quí. Người xưa kinh nghiệm, những người đàn
bà có gót chân đỏ sẽ được nhờ cậy nơi con cái sau này: "Những người gót
đỏ như son, tướng xuất như vậy có con mà nhờ." Qua cơ cấu gia đình
Việt, danh phận người đàn bà lệ thuộc vào danh phận chồng. Ngược lại,
theo tướng học, người vợ và người chồng ảnh hưởng lẫn nhau về phận số.
Tướng đàn bà cổ cao, ba ngấn sẽ có chồng danh tiếng: "Hỡi cô má đỏ hồng
hồng, cổ cao ba ngấn lấy chồng cao sang." Một đặc tính thường có nơi đàn
bà đó là ghen. Lẽ thường, "Ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái không
hay ghen chồng." Ghen không phải chỉ nơi đàn bà mà đàn ông nhiều khi
còn quá quắt nhưng không có câu tục ngữ hay ca dao nào nói về đàn ông
ghen. Điều này có thể bị quan niệm "Trai năm thê bảy thiếp..." khỏa lấp
chăng. Đàn bà có tóc trán quăn là người ghen ghê gớm; ông chồng nào có
vợ mang tướng này phải nên coi chừng, nếu không muốn nói là lang bang sẽ
có ngày mang họa, "Đàn bà tóc trán quăn quăn, như vậy mới biết người
ghen quá chừng."
Vô ăn vô lo, sống không cần biết đến ngày mai
sẽ ra sao là tướng lẹm cằm. Theo tướng diện, người lẹm cằm mang tướng
xấu. Cằm được gọi là "địa các" hay cung "bắc nhạc" chủ về hậu vận. Thế
nên, "Thà rằng chịu lạnh nằm không, còn hơn lấy gái lẹm cằm răng hô."
Tướng đàn bà bất lợi cho đàn ông là tướng lưỡng quyền cao: "Đàn bà lưỡng
quyền cao chỉ mưu mô hiếp chồng." Ngược lại, trên mặt có nốt ruồi nơi
rãnh nước mắt sẽ khổ đau về đường chồng con: "Nốt ruồi dưới mắt sẽ nhắc
khóc chồng."
Trong tiết mục "Hỏi Ông Hư Tử" nơi cuốn "Tướng
Mệnh Khảo Luận," Vũ Tài Lục có chép: "Tướng có biến không? Tướng thường
biến theo tâm. Theo lời Quỷ cốc Tử nói: 'Hữu tâm vô tướng, tướng tùy tâm
sinh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt. Hữu tâm hữu tướng, tướng
bất tùy sinh; vô tâm vô tướng, tướng bất tùy diệt." Trong cuộc sống, ai
không nhận thấy "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ;" vì khù khờ nên không biết
hại ai, không mưu đồ gian ác do đó có tâm đức tốt, hướng thiện tất nhiên
tướng tùy tâm sinh và số theo đức; trong khi những người ma lanh quỉ
quyệt, "Ăn cây táo, rào cây sung," hoặc "Đòn càn hai mũi, đâm bị thóc
thọc bị gạo" dù cho có cố tình huênh hoang cũng bị trần ai khốn khổ dầy
vò. Nguyễn Du cũng nói lên: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài." (Đoạn
Trường Tân Thanh).
Người xưa có câu: "Ở hiền gặp lành." Ở hiền
tất nhiên tạo tâm đức. Xét như vậy, phận số con người không phải đã
được an bài từ trước mặc dầu ai cũng tin rằng "Cha mẹ hiền lành để đức
cho con." Dẫu cha mẹ hiền lành, con cái hưởng phần phúc đức, nhưng nếu
con cái không biết lo sống đức độ mà đam mê chạy theo những ham muốn
xấu, tất nhiên tự mình phá đổ phần phúc đức, tự mình gieo tai họa cho
mình bởi tướng tùy tâm diệt và số tòng tâm. Nghĩ như thế, thưởng phạt
một phần nào cũng có ngay trong cuộc sống, và do chính mình tạo ra;
thuyết nhà Phật gọi là "nhân quả."
Lẽ đương nhiên, không ai
kết án con người mà chỉ kết án hành động của con người. Hành động có
nhiều cách, nhiều lối từ lời nói đến mưu mô hoặc thực hành sự việc ...
Một lời nói thất đức, hại đến danh dự hay dèm pha xúi bẩy tạo cho người
khác đi vào ngã chẳng nên có khi gây tổn hại gấp trăm ngàn lần những lỗi
lầm vô ý. Ngược lại cũng một lời nói giúp cho người khác thăng tiến,
sống tốt lành hơn, tạo nơi mình dầy đường tâm đức. Bình tâm nhận xét,
tướng diện học có mục đích giúp mình tự nhận thấy những gì thiếu sót lo
sao sống tốt lành hơn để tạo thêm tâm đức.
Như vậy, dẫu một
người có tướng diện không hay, chẳng nên ca thán hoặc nghĩ mình bị mang
số hẩm hiu; trái lại, nên nhớ câu "Đức năng thắng số." Chỉ có một con
đường duy nhất để cải số là sống đức đô.. Con người được sinh ra với
tướng không tự mình lựa chọn nhưng cải tướng, chuyển số lại bởi tự chính
mình. Nhận ra như thế, chẳng lạ gì, những ai "Gieo gió sẽ gặt bão" và
đồng thời người nào "Trồng cây dâu ăn trái dâu." Đó cũng là lý do người
xưa có nói "Người trồng cây cảnh người chơi, ta trồng cây đức để đời về
sau." Người nhận ra tướng diện mình để tu thân chắc chắn không ai có thể
"coi bói" hoặc "Trông mặt mà bắt hình dong" được nữa bởi đã tự cải số
nên sinh ra "Tướng diện bất như tướng tâm."
Tuy nhiên, không
phải vô lý mà có câu "Trông mặt bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng
mới ngon." Khi một người trong lòng vui tất nhiên mặt sẽ hiện lên nét
vui tươi, cởi mở, hoặc trong lòng buồn, nét mặt trở thành lo âu sầu khổ.
Cái lý của tướng diện cũng tương tợ như tâm lý để lộ qua hình hài, thái
độ. Xét như vậy, nếu do tướng diện mà biết được tâm thì chắc chắn tâm
ảnh hưởng tướng diện. Thế nên, muốn đổi tướng trước hết cần chuyển tâm;
điều này chẳng có gì nghịch lý mà lại thuận theo nghĩa tương đồng vậy.
Stầm
|