Trao Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải
- Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD – bà Aung San Suu Kyi chính thức được trao tặng giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải , buổi lễ được tổ chức tại Harvard University Faculty Club, vùng Boston – Hoa Kì vào ngày 21/9.
Đây là 2 nhân vật được cả hội đồng cố vấn và xét giải thưởng cùng nhất trí cao để trao giải trong số những gương mặt sáng giá được giới thiệu, đề cử đến Uỷ ban giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải.
Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD – bà Aung San Suu Kyi chính thức được trao tặng giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải
Hội đồng cố vấn và xét giải thưởng quyết định chọn Tổng Thống U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập – Aung San Suu Kyi với tiêu chí của giải thưởng này trao cho 2 người ở 2 phía đối lập, xung đột, bắt tay, hoà giải với nhau. Hòa giải chỉ thực sự được diễn ra khi mỗi bên sẵn sàng bước tới với sự khoan dung, với một tấm lòng cao cả và điều chỉnh để tiến tới sự tương đồng. Trong năm qua Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã có những nỗ lực cao để đưa đất nước Myanmar biến chuyển tốt đẹp về chính trị, được thế giới trân trọng, ghi nhận.
|
Huân chương duoc trao tặng cho Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD – bà Aung San Suu Kyi
|
Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà Giải được xác lập bởi Hội đồng cố vấn và Uỷ ban giải thưởng là những nhà lãnh đạo, những Giáo sư, học giả có uy tín của Harvard , của nước Mỹ và thế giới như Giáo sư Michael Dukakis, Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, Cựu Thống đốc bang Massachusetts, bà Ann Mc Daniel, Phó Chủ tịch Washington Post, Giáo sư Thomas Patterson, Trường Quản lý nhà nước Kennedy , Đại học Harvard, bà Robin Sproul Phó Chủ tịch hãng truyền hình ABC News, Giáo sư Thomas Scanlon, nhà triết học lớn ở Đại học Harvard, nhà báo nổi tiếng Giáo sư Thomas Fiedler, hiệu trưởng trường truyền thông, Đại học Boston, cựu Tổng biên tập Miami Herald, nhà lãnh đạo danh tiếng Giáo sư Vaira Vike-Freiberga, cựu Tổng thống Latvia ....
Những nhà lãnh đạo, những học giả danh tiếng muốn thông qua Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải góp một tiếng nói khiêm nhường vào hành trình tìm kiếm hoà giải, yêu thưong cho nhân loại, với hy vọng lòng bao dung và vị tha, sự hoà giải, giải phóng con người khỏi hận thù sẽ ngự trị trên trái đất thân yêu này.
Nhiều học giả, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều nhân vật danh tiếng trên thế giới đã gửi thư chúc mừng những người được giải như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Giáo sư Joseph Nye, Giáo sư phật học ở Harvard Janet Gyatso, nhạc trưởng Armand Diangienda ...
Lan Anh- vietnamnet.vn
Quan chiêm một cuộc giáng trần:
Năm Mậu Ngọ 1258 đối với vương Triều nhà Trần nói riêng, với quốc gia
Đại Việt nói chung diễn ra ít nhất ba sự kiện quan trọng, quan trọng ở
tầm chi phối trực tiếp đến việc định tính bản chất của triều đại và vận
mệnh của quốc gia dân tộc: cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông
lần thứ nhất kết thúc thắng lợi, vua khai cơ của vương triều là Trần
Cảnh (Thái Tông) lui làm Thượng hoàng để con trai kế vị Trần Hoảng
(Thánh Tông) “ra mặt tiền” trực tiếp nắm lấy chính sự và tháng trọng
đông năm ấy Hoàng trưởng tử Trần Khâm chào đời.
Lời “đại nghị” của sử thần nhà Hậu Lê về vị vua tương lai này như sau: “
Tên huý là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên
Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11,
ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng,
thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung (tức cung vua và cung Thượng hoàng – TNV)
đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi
đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5
năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, đưa về
táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng
hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để
tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo
trung dung của thánh nhân.”.([1]).
Các sử quan, tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư, tất cả đều
là nhà Nho xuất chính, hơn thế, lại xuất chính – trì chính vào thời Nho
giáo chiếm giữ địa vị độc tôn, đương nhiên huy động và sử dụng hết mọi
“tiêu chí lý luận” của học thuyết “phe ta” để đánh giá vạn sự. Chẳng có
gì lạ khi đọc câu cuối của lời “bình nghị”. Nhưng ngoài lời “dèm” “cho
phải phép” đó ra, họ chẳng thể che giấu được thái độ sùng kính rất mực.
Bởi trên mọi chiều kích, Trần Nhân Tông quả là một nhân cách lịch sử
lỗi lạc.Tiểu sử và hành trạng của Ngài cung cấp cho các bậc thức giả đời
sau hàng loạt dữ kiện để thấu hiểu thế nào là một vị “minh quân” trong
thực tế, thế nào là cái xã hội “khoan giản an lạc”, “trên dưới một
lòng”, bằng cách gì để một cá nhân có thể sống giữa cõi trần muôn nỗi ưu
phiền với thái độ tự tại an nhiên, không những thế, hơn thế, còn có
được cảm thức “ngày hằng sống, ngày hằng vui” trong khi vẫn nỗ lực đến
“những hơi thở cuối cùng” phụng sự cho cái “cõi nhân gian bé tí” cũng
lại là nơi mình dấn thân, vào cuộc.
Trong những lời “đại dẫn”, bản “lý lịch trích ngang” vừa đề cập tới ở
trên, tuy rất vắn tắt, đã kịp cho biết ngay thuở lọt lòng, Ngài đã được
“soi” bởi những tín điều của nhân tướng học, của trí tưởng tượng văn
học Đạo gia, của chính trị học Nho gia và của chủ nghĩa yêu nước bản
địa.Ngài thệ thế theo nẻo Thiền môn, trước khi kịp mở ra cho vô lượng
chúng sinh một cõi giác trong môi trường “xanh, sạch, đẹp” với trúc tùng
và mây nước.Ngài đến, tạm trú rồi lại ra đi trong một cuộc lữ hành ngắn
ngủi, vậy mà vẫn để lại nhiều dư quang, nhiều dấu tích làm sao! Cúi xin
Người, để một hạt máu phôi pha của Trần tộc loang đến cõi Nam hôm nay
được hồi hương chiêm bái, được thốt lên những gì nhục nhãn và tâm nhãn
đang cùng tiếp thụ.
Điểm đỉnh của hào khí Đông A và tầm viễn kiến đối với vận mệnh dân tộc – Trần Nhân Tông trong tư cách nhà chính trị:
Như đã biết, đầu năm 1258 nhà Trần vừa
hoàn thành võ công kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ nhất
thành công thì gần cuối năm, Hoàng thái tử Khâm chào đời. Cũng phải nói
rõ rằng cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân dân Đại Việt với quân Nguyên –
Mông này chưa phải là “cuộc đối đầu lịch sử” đích thực.Trên đà bình định
Trung Hoa, quân Nguyên – Mông vừa “tiện thể” chinh phạt và chiếm đóng
rồi sát nhập luôn cả xứ Vân Nam rộng lớn vào bản đồ đế chế của mình, để
rồi hậu lai, vùng đất ấy mặc nhiên là “nội địa” của Trung Quốc – điều mà
các triều đại Hán tộc từng làm chủ Trung nguyên trước đó chưa bao giờ
làm nổi. Bình định được xứ Vân Nam rộng lớn, nhưng quân Nguyên – Mông
vẫn chưa “xoá sổ” được nhà Nam Tống, nên việc để cho một đạo binh từ Vân
Nam tràn sang đất Đại Việt lần này chỉ mới như “hoàn lưu của một trận
bão”, và khi bị chống trả quyết liệt, đạo binh này phải rút chạy cũng
chưa làm cho các “Đại Hãn” quá đỗi giật mình. Tuy nhiên, đối với vua tôi
nhà Trần, đó lại là một sự cảnh báo có tầm nghiêm trọng sống còn. Nhất
định phải tổ chức lãnh đạo và xây dựng đất nước sao cho đủ sức đối phó
với một (hay những) cuộc xâm lăng trực diện, dữ dằn hơn gấp nhiều lần so
với lần đụng độ đầu tiên đó. Và lịch sử dường như “bố cục” sẵn: Trần
Quốc Tuấn chính là vị thân vương trẻ tuổi đối đầu trực diện với quân
Nguyên Mông lần ấy, bởi lúc bấy giờ Ngài đang đảm trách việc coi giữ lộ
Lạng Giang, Hoàng Thái tử sẽ ra đời vào dịp cuối năm, để rồi kịp trưởng
thành, kịp đảm nhiệm lấy sứ mệnh là vị quốc chủ của hai lần đối đầu thực
sự với kẻ địch khủng khiếp ấy, nhân đó nhận về hai đại võ công vô tiền
khoáng hậu.
Xưa nay, bất cứ ai khi nhắc về hào khí Đông A thì đều nghĩ ngay tới
bậc đại anh hùng Trần Hưng Đạo.Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã hẳn
nhiên là nhà quân sự thiên tài, vị Quốc Công tiết chế văn võ kiêm toàn,
khi sống làm “thượng phụ”, làm “vua không ngôi”, khi mất được trong
triều ngoài nội đồng lòng tôn làm Thánh, tên tuổi đã trở thành bất tử
cùng non sông đất nước. Nhưng vẫn cần bình tĩnh nhớ cho, rằng để tạo
dựng được một võ công hiển hách lẫy lừng, nhất thiết phải có một điểm
tựa cộng đồng hùng mạnh cộng với một nền, rồi một đường lối chính trị
trực tiếp đủ sáng suốt và quyết đoán. Vai trò của vị “quốc chủ”, người
xác lập và đưa ra những quyết đoán chính trị tối hậu, trong mọi trường
hợp, cứ phải đóng vai trò tiên quyết. Người Việt đời Trần thường “khôn
nhanh, chín sớm”, ở địa vị nguyên thủ quốc gia càng như thế. Ở vào tuổi
27, rồi tuổi 30, đấng Vạn tuế gia của nước Việt lúc bấy giờ thực sự đã đủ trở nên nhà chính trị lão luyện.
Điều vừa nói không phải là một suy luận lôgic mang tính lý thuyết
trừu tượng, mà được chứng thực bằng hàng loạt những dữ kiện thực tế, có
hệ thống.
Giữa các triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam, nhà Trần là triều đại duy trì lâu dài “thượng hoàng chế”.
Có lẽ cơ chế này được bắt đầu bằng một bối cảnh có phần tế nhị: ngôi
vua chuyển sang tay họ Trần là kết quả của một sự sắp đặt bởi Trần Thủ
Độ cuộc hôn nhân chính trị giữa một nữ hoàng bé bỏng (Lý Chiêu hoàng,
lúc thành hôn mới lên 7) với một “ấu quan” (Trần Cảnh, mới lên
8), mà nhà thiết kế đích thực ra triều đại mới kia thì không muốn ra
mặt làm một thứ “lộng thần” nên phải sớm tôn lập cha đẻ của vua (Trần
Thừa) làm Thượng hoàng để việc nước được thực sự bàn bạc và quyết định
“giữa người lớn với nhau”. Thế nhưng rồi tính chất “quyền nghi” ấy đã
trở nên ổn định, biến thành cơ chế. Các vua Trần về sau, khi đã lui làm
Thượng hoàng, trên thực tế chỉ không can thiệp vào các công việc hàng
ngày hay có tính vụn vặt, nhưng vẫn thường xuyên để mắt đến những gì là
đại sự. Và không một vị “vua – con” nào dám đi quá xa ra ngoài ý chí của
các đấng bề trên vẫn còn nguyên vẹn quyền uy ấy. “Thượng hoàng chế”
không còn tồn tại ở các triều đại sau, nhưng dư âm của nó vẫn gây ấn
tượng đến mức mãi tới giữa triều Nguyễn, ông vua nổi tiếng say mê văn
chương và lịch sử, cũng nổi tiếng về sự “riết róng” trong các lời “châu
phê” vào quốc sử như Tự Đức cũng còn thèm tiếc mà ngự bút rằng “Phép truyền ngôi vua này của nhà Trần cũng hay, có thể bắt chước được!”([2]).
Ngay từ năm đầu Nhân Tông lên ngôi, hàng loạt thách thức theo nhau ập đến.
Thách thức đầu tiên là việc quân Nguyên đánh tan đại binh của nhà Nam Tống ở Nhai Sơn (Tân Hội, Quảng Đông). Sử chép:
“ Quân Tống thua, Tả thừa tường nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống
nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7
ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở
trong số đó… Năm ấy (1279) nhà Tống mất” ([3]).Đương
nhiên, với triều đình nhà Nguyên, từ đây họ hoàn toàn chính thức là
Hoàng đế ở Trung nguyên. Vua tôi nhà Trần không còn phải đồng thời thông
hiếu với nhà Tống vừa phải tiến cống nhà Nguyên, nhưng hiểm hoạ đe doạ
sự sống còn của quốc gia thì vì thế lại tăng lên rõ rệt.
Hàng loạt sự kiện tiếp sau chứng thực mối nguy cơ ấy.
Trên thực tế thì vào năm 1258 sau cuộc đụng đầu lần thứ nhất với quân
Nguyên, Trần Cảnh (Thái Tông) đã nhường ngôi cho Trần Hoảng (Thánh
Tông) còn tự mình lui làm Thượng hoàng, nhưng hẳn là đối với người
Nguyên (và có lẽ đối với cả người Tống nữa) thì cho mãi tới năm 1277
Trần Cảnh vẫn còn là An Nam quốc vương. Sự gần gũi ngẫu nhiên của thời
điểm Trần Thái Tông mất với việc Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Trần
Nhân Tông (cuối năm 1278) khiến người Nguyên coi rằng đó mới là lúc Trần
Thánh Tông kế vị. Lấy lý do (mà có lẽ thế thật!) vua mới ở An Nam
không “thỉnh mệnh” đã “tự lập”, Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) sai Thượng
thư bộ Lễ là Sài Thung cùng một “bộ sậu” khá hùng hậu sang “trách hỏi”,
đồng thời “tuyên dụ” đòi “quân trưởng của nước nội phụ” này phải thân
hành sang triều kiến. Thánh Tông không đi, đã hẳn, mà Nhân Tông cũng
không thể “đi thay”. Vậy là vừa phải khéo léo đối phó qua con đường
ngoại giao, vừa phải cấp bách chuẩn bị lực lượng vũ trang để giữ nước.([4]).
Tháng tư năm 1279 Khu mật viện nhà Nguyên đã xin Hốt Tất Liệt “ban
sư” chinh phạt Đại Việt. Vì Hốt Tất Liệt tham vọng chỉ thông qua con
đường đe doạ ngoại giao mà thu phục nước ta, nên ông ta giữ sứ bộ ta
lại, một lần nữa sai Sài Thung cùng Thượng thư bộ Binh là Lương Tằng (2
thượng thư trong một sứ bộ, quả là điều “xưa nay hiếm”! – TNV) cùng phó
sứ của ta quay sang Thăng Long “đối chất” với vua tôi nhà Trần. Hốt Tất
Liệt yêu cầu vua Trần nếu không sang chầu phải cống “người vàng mắt
ngọc” thế thân, cùng với nhiều nhân tài bảo vật khác…Vua tôi nhà Trần
không đáp ứng đòi hỏi ngang ngược của vua Nguyên, mà tìm kế sách kéo dài
thời gian cho sự chuẩn bị.Năm 1281, Trần Nhân Tông cho chú họ là Trần
Di Ái thay mình cùng Lê Tuân, Lê Mục đi cùng sứ bộ Sài Thung sang
Nguyên.Hốt Tất Liệt dĩ nhiên biết “võ” của nhà Trần, muốn tương kế tựu
kế, bèn phong cho Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, hai kẻ đi theo làm
thượng thư, làm Hàn lâm học sĩ, lại xuống chiếu thư cho vua Trần rằng “Ngươi đã cáo bệnh không vào chầu, nay cho ngươi được nghỉ mà thuốc thang điều dưỡng (sic!), ta đã lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm vua nước An Nam, cai trị dân chúng của ngươi…”.([5]).
Nhưng đương nhiên, khi cái bộ sậu bù nhìn này chưa về đến nơi đã bị nhà
vua sai quân chặn đường đón đánh. Trong khi đó, triều đình vẫn “nhũn
nhặn” đón tiếp sứ bộ Sài Thung một lần nữa rất “chu đáo”, Thái sư Trần
Quang Khải thậm chí còn làm thơ bày tỏ tình “ ngậm ngùi ly biệt”.Cuối
năm 1283, nhà Trần lại cho người sang Nguyên đưa thư từ chối thẳng kế
sách “mượn đường đánh Chiêm Thành” của chúng.Đến mức này, thì mọi chuyện
chỉ còn chực bùng nổ.
Dù sao thì kế hoạch “kéo cưa lừa xẻ” của nhà Trần cũng đã làm chậm
lại những vó ngựa đang chờ đến chồn chân của đội kiêu binh vừa tận diệt
xong được một vương triều lớn của Hán tộc dậm dật muốn nhổ nốt cái gai
từng chọc một lần vào mắt chúng.
Bằng hàng loạt những hoạt động đối nội, Hoàng đế Trần Nhân Tông rất
nhanh chóng chứng tỏ khả năng cố kết nhân tâm, kiên nhẫn “đãi cát tìm
vàng” để tận dụng nhân tài, trước hết phục vụ cho sự nghiệp chống ngoại
xâm mà chỉ tiên liệu sơ sài cũng biết sẽ vô cùng gian nan ấy.Điển hình
cho loại hoạt động này là các sự kiện: sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật
Duật chiêu dụ Trịnh Giác Mật thổ tù ở đạo Đà Giang (1280), bày tỏ “thần
uy” bằng cách sai Nguyễn Thuyên làm “văn đuổi cá sấu” ở sông Hồng
(1282), hội vương hầu và trăm quan ở Bình Than (1282), uý lạo và tha tội
để sử dụng lại Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư (1282), cùng với Thượng
hoàng họp phụ lão trong nước ở điện Diên Hồng để khẳng định và củng cố
quyết tâm cả nước đồng lòng chống xâm lược (1284).
Những tấm gương “người tốt việc tốt” điển hình đến mức làm rạng rỡ sử
xanh cũng bộc lộ liên tiếp chính vào giai đoạn Trần Nhân Tông tại vị:
những hiện tượng như quả cam và ngọn cờ của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản,
chí khí lẫm liệt và gương trung nghĩa vằng vặc của Bảo Nghĩa Vương Trần
Bình Trọng, lòng trung thành vô điều kiện và tài năng kiệt xuất của
những người “phận dưới” đối với vận nước như Yết Kiêu – Dã Tượng, Phạm
Ngũ Lão, hành vi người người thích chữ “sát Thát” lên cánh tay, cho đến
thiên tài quân sự của Hưng Đạo đại vương, mối quan hệ vua tôi đồng
lòng, anh hùng gắng gỏi, miền xuôi miền ngược hô ứng nhịp nhàng làm nên
những trận vận động chiến kinh điển của nghệ thuật chiến tranh, … tất cả
những điều đó đều trực tiếp hay gián tiếp bộc lộ uy tín và ảnh hưởng to
lớn của một nguyên thủ quốc gia siêu việt.
Có thể coi hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông vào các năm
1285, 1288 là hai giai đoạn của một cuộc đối đầu lịch sử, mốc vô cùng
quan trọng định tính cho mối quan hệ giữa vương triều nhà Trần và đế chế
Nguyên – Mông nói riêng, mối quan hệ giữa các triều đại ở Việt Nam với
các triều đại thống trị trên vùng lục địa Trung Hoa nói chung.
“Thế giặc nhàn” – như lời Trần Hưng Đạo tâu bày mở đầu cuộc kháng
chiến năm 1288 quả đã được chúng thực qua những diễn biến đến liền ngay
sau đó. Không còn hiện tượng đầu hàng giặc khá nổi cộm như trong lần
kháng chiến thứ hai, không còn những “xú nhân” tham sinh uý tử, bảo mạng
cầu an thò mặt vào những trang sử vàng dân tộc năm ấy. Dĩ nhiên, đám “giặc Phật”
(là dân gian gọi thế!) nhưng đậm đặc tính tham sân si kia căm hận vua
tôi nhà Trần không để đâu cho hết. Nhanh chóng “thuộc những bài học xấu”
từ truyền thống của xứ sở mà chúng vừa chinh phục được, quân Nguyên
cũng kéo đến phủ Thiên Trường “đào mả bố mẹ ông bà” của đối thủ. Hẳn vì
thế, khu lăng mộ của các vua Trần (mà trung tâm là Chiêu Lăng – lăng
Thái Tông) và tiền nhân họ ở phủ Long Hưng (Đông Hưng – Thái Bình ngày
nay. – TNV) đã bị san thành bình địa, khiến hậu nhân khó tìm khó định
dạng thức và quy mô.Cũng may là chúng chưa tìm được mộ thật, nên cũng
chưa phạm được tới quan tài. Dù sao, sự hoang lương ở chốn thiêng liêng
ấy đã khiến ngòi bút của vị vua trẻ tuổi anh hùng bật lên những lời cảm
khái nao lòng:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc hai phen phiền ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng)
Hào khí Đông A, qua ba lần kháng Nguyên thành công, đã lên tới đỉnh điểm.
Nhưng khác với rất nhiều những bậc anh hùng trước đó lẫn sau này, mãi
tận ngày nay thường ngợp trong hào quang của võ công, ngủ quên trên
chiến thắng, thậm chí gặm nhấm ăn mòn dần chiến thắng,Trần Nhân Tông
dường như coi việc thắng giặc là chuyện đương nhiên phải làm và phải làm
được, nên rất điềm tĩnh đưa ra những quyết sách định quốc an dân thời
hậu chiến.Một trong những việc hàng đầu phải làm, ấy là việc thưởng
phạt, đưa ra những quyết định sáng suốt thời hậu chiến.
Thông thường, sự thưởng phạt sau những biến cố trọng yếu của quốc gia
sẽ ngầm định bản chất của chính thể. Người có công dĩ nhiên được tưởng
thưởng, nhưng hai vua (Thánh Tông, Nhân Tông) không ban thưởng tràn
lan. Kẻ hàng giặc, tất nhiên phải trừng phạt, nhưng không hề là sự
trừng phạt “cho hả dạ căm thù”.
Hãy lược đọc đôi hàng chính sử: “Mùa hạ, tháng tư (1289), định công dẹp giặc Nguyên.
Tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương, Hưng Vũ Vương làm Khai
quốc công, Hưng Nhượng Vương làm Tiết độ sứ. Người nào có công lớn thì
được ban quốc tính.Khắc Chung được dự trong số đó, lại được nhận chức
Đại hành khiển. Đỗ Hành chỉ được phong Quan nội hầu, vì khi bắt được Ô
Mã Nhi không dâng lên Quan gia (tức vua) lại dâng lên Thượng hoàng (đây có lẽ là phạt nhẹ đối với hành vi báo công vượt cấp, sai quy chế – TNV chú). Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở , mà (Hưng Trí Vương) lại còn đón đánh chúng (phạt tội vô kỷ luật – TNV chú). Cho Man trưởng Lạng Giang Lương Uất làm trại chủ Quy Hoá, Hà Tất Năng làm Quan phục hầu vì đã chỉ huy người Man đánh giặc.
Việc thưởng tước đã xong, vẫn có người chưa bằng lòng. Thượng
hoàng dụ rằng: “Nếu các khanh biết chắc là giặcHồ không vào cướp nữa thì
nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc.
Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, và các
khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên
hạ”. Mọi người vui vẻ phục tùng”.
Còn đây là việc trừng phạt: “Tháng 5, trị tội những kẻ đã hàng
giặc. Chỉ quân lính và dân thường được miễn tội chết, nhưng bắt chở gỗ
đá, xây cung điện để chuộc tội, quan viên phạm tội (hàng giặc) thì tuỳ
tội nặng nhẹ mà xét xử…..
Xử tội đồ quân dân hai làng Ba Điểm và Bàng Hà, làm thang mộc binh, không được làm quan, ban cho tể thần làm sai sử hoành.
Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người
đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm
biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản
trắc. Chỉ kẻ nào đã đầu hàng (thực sự – TNV chú) trước đây, thì dẫu bản
thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử
hình, tịch thu điền sản sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện là
con của Tĩnh Quốc (tức Trần Quốc Khang) thì đổi làm họ Mai. Người khác cứ theo lệ ấy mà đổi, như bọn Mai Lộng, Ích Tắc (em ruột vua – TNV chú)
là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ
xoá tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê chúng hèn nhát như đàn bà vậy. …
Có tên Đặng Long là cận thần của vua, rất giỏi văn học, tước đến
hạ phẩm, đã được ghi chú để cất nhắc. Vua định cho làm Hàn lâm học sĩ,
nhưng Thượng hoàng ngăn lại. Hắn mang dạ bất bình, đến giờ cũng hàng
giặc. Giặc thua, hắn bị bắt, đem chém để răn kẻ khác.”([6]).
Đối với toàn dân, thì đây là cách hành xử: “ Mùa hạ, tháng Tư,
đại xá thiên hạ. Những nơi bị binh lửa, cướp phá thì miễn toàn phần tô
dịch, các nơi khác thì miễn giảm theo mức độ khác nhau” ([7]).
Sau chiến công hiển hách đến nhường ấy, những người đóng vai trò quan
trọng quyết định bậc nhất có quyền bộc lộ niềm vui, niềm tự hào chính
đáng. Về lại hành cung Thiên Trường, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã có
thể tự cho phép chiêm nghiệm và cảm xúc ngay trên chính quê hương:
Cảnh thanh u vật diệc thanh u
Thập nhất tiên châu, thử nhất châu
Bách bộ sênh ca cầm bách thiệt
Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
Thuỷ hữu thu hàm thiên hữu thu
Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tĩnh
Kim niên du thắng tích niên du
(Cảnh thanh u, vật cũng thanh u
Mười một châu tiên, đây một châu
Trăm bộ sênh ca: chim trăm lưỡi
Ngàn hàng nô bộc: quýt ngàn lô
Trăng vô sự chiếu người vô sự
Nước vẻ thu ngậm trời vẻ thu
Bốn biển đã quang, trần đã lặng
Chơi nay hơn đứt chuyến chơi xưa)
Thượng hoàng vui, hay ít ra là vô ưu, còn Nhân Tông?
Ngài còn tiếp tục xét kỹ trăm quan, định công hành thưởng sao cho
không ai bị bỏ quên. Đặc biệt, những người xông pha tên đạn, lập được kỳ
công, thì tên tuổi được chép vào Trung hưng thực lục, lại sai
vẽ truyền thần lưu lại.Qua năm sau (1290) vua chọn văn quan xứng chức
trị nhậm các lộ, rồi thân hành đi đánh Ai Lao.Cũng năm này, Thượng hoàng
Thánh Tông mất.
Thực tế của ba lần chống quân Nguyên – Mông trong đó hai lần tự mình
làm Tổng tư lệnh tối cao buộc nhà vua phải suy nghĩ đường xa cho sự tồn
vong của đất nước. Hàng phục Ai Lao, bình định Chiêm Thành, đó là đường
lối chiến lược lâu dài để tạo cho bằng được một địa bàn có thể kiểm soát
và sử dụng, đặng đối phó hữu hiệu với mối đe doạ vẫn còn khổng lồ từ
cái đế chế kiêu hùng ngay sát nách.
F. Engels từng khẳng định rằng trong các xã hội có giai cấp, khi một
quốc gia yếu hèn, suy nhược sớm muộn nó cũng bị xâm lược, đến mức có thể
bị xoá sổ, còn khi đủ hùng cường, nó sẽ đi xâm lược, thôn tính kẻ yếu
hơn. Đó là một tất yếu.Quy luật ưu thắng liệt bại không chiếu cố, thông
cảm, nương nhẹ cho ai, cho bất cứ cộng đồng nào.
Do những biến cố phức tạp dọc tuyến biên giới, từ sau lần kháng chiến
chống Nguyên – Mông lần cuối cho đến thời điểm hoàn toàn xuất gia, Trần
Nhân Tông đã phải động binh với Ai Lao tới bốn, năm lần, cả khi đang
làm vua cả khi đã là Thượng hoàng.Tuy nhiên chưa bao giờ các cuộc chiến
đó thể hiện ra như những hoạt động hướng tới một kế hoạch thôn tính Ai
Lao, mà đúng như lời Trần Nhân Tông giải thích với triều thần, mục đích
chính là không thể để cho các thủ lĩnh ba vùng lãnh thổ vốn có quan hệ
triều cống với Đại Việt ảo tưởng rằng nước ta đã suy kiệt nội lực: “ Sau
khi giặc rút, ba cõi tất cho là lính tráng, ngựa chiến của ta đã chết
cả, thế không thể lên nổi, sẽ có sự khinh nhờn từ bên trong, cho nên
phải cất quân lớn để thị uy”.
Những nhà nghiên cứu vô tư và khách quan sẽ không thể nói khác rằng
với địa bàn sinh tồn chỉ đóng khung tới Hoan Diễn, nước Đại Việt thật
khó xoay xở khi phải dụng binh đối đầu với những kẻ địch lớn, mà theo
kinh nghiệm lịch sử chủ yếu đến từ phương Bắc.Các triều đại trước kia,
rõ ràng nhất là nhà Tiền Lê và nhà Lý, chỉ có thể tranh thắng với Chiêm
Thành bằng sức mạnh quân sự. Nhà chính trị Trần Nhân Tông không thể
không quan tâm đến con đường Nam tiến vốn đã được khởi động từ các triều
đại ấy, nhưng rất dụng tâm để tìm ra một (hay những) giải pháp khác hơn so với giải pháp cùng binh độc vũ.
Những hoạt động nổi bật của Trần Nhân Tông kể từ thời điểm nhường ngôi
làm Thượng hoàng nếu được biểu diễn thành một đồ thị, sẽ hiện rõ những
khúc ghập ghềnh: những tưởng đã có thể yên bề xuất gia (trên thực tế đã
làm lễ thế phát quy y ở Vũ Lâm – Ninh Bình vào năm 1294), vậy mà tháng
Tám năm đó vẫn phải “hoàn tục”, thân chinh cầm quân đi đánh Ai Lao.Trước
thời điểm quyết định xuất gia trở lại (tháng Tám, Hưng Long năm thứ bảy
– 1299), Thượng hoàng còn phải một phen cảnh tỉnh vua con (Anh Tông)
bởi chuyện say rượu xương bồ lỏng lẻo kỷ cương cung đình.
Mang tư cách người đã xuất gia, Thượng hoàng Nhân Tông tiến hành một
chuyến vân du phưong Nam, đến Chiêm Thành và ở lại đó từ tháng 3 đến
tận tháng 11 năm Tân Sửu – 1301. Trong chuyến “du khảo” này, ngài đã
hứa gả con gái mình (công chúa Huyền Trân) cho vua Chiêm là Chế Mân, đổi
lại, quan trọng nhất trong các thứ của hồi môn, là Đại Việt có được hai
châu Ô, Lý.
Phải sòng phẳng mà khẳng định rằng gần như “trăm phần trăm” các cuộc
hôn nhân giữa con cái của các hoàng tộc với “ngoại nhân” là việc hiện
thực hoá những toan tính chính trị. Cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân với
Chế Mân cũng không ngoài thông lệ ấy. Đây chính là một trong những “bài
toán” mà Nhân Tông đã phải “giải cho xong” về mối quan hệ Việt – Chiêm.
Đó là một cuộc hôn nhân không dễ dàng, và lực cản lại đến từ chính
những kẻ tự cho mình là đủ thẩm quyền nhất để can dự vào quốc sự trong
xã hội lúc bấy giờ: các nhà nho, cả nho sĩ “bình dân” lẫn đám hiển nho
có địa vị chốn quan trường.
Do có chuyện “ Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn
chuyện vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm thơ, từ bằng Quốc ngữ
để châm biếm” ([8]) nên cho mãi tới tháng 2 năm Ất Tỵ (1305) mới thấy Chế Mân sai Chế Bồ Đài “và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ vật cầu hôn”.
Chắc chắn đã có thông tin trao qua đổi lại giữa hai bên trong vòng năm
năm đó, với người chủ trương, chủ động là Nhân Tông, vậy mà tận tới lúc
bấy giờ “ Các quan trong triều đều cho là không nên, duy có Văn Túc Vương Đạo Tái (con trai Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, và là người gần gũi, được Thượng hoàng rất yêu mến.- TNV) chủ trương bàn việc đó, Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết”([9]),
rồi tới tận tháng 6 năm sau (1306) người Chiêm mới đón được dâu về. Đen
đủi làm sao, chưa tới một năm, vào mùa hạ tháng 5 (1307) Chế Mân đã tạ
thế.
Vĩ thanh của câu chuyện liên quan đến chính nhân vật Trần Khắc Chung
vừa được đề cập. Điều chắc chắn có thể rút ra từ sự kiện này, là từ đây
trở đi, mối quan hệ cũng như số phận lịch sử của hai quốc gia Đại Việt
và Chiêm Thành được khởi động lên một quỹ đạo khác. Về phía Đại Việt,
hai nhân vật có vai trò kiến thiết và thực thi công đoạn đầu tiên của
cái quỹ đạo này là Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Đoàn Nhữ Hài.
Từ thời điểm phục hưng quốc gia dân tộc (938) cho tới lúc bấy giờ,
xét kỹ hành trạng và vai trò lịch sử, có cơ sở để khẳng định rằng Trần
Nhân Tông là nhà chính trị đặc biệt xuất sắc, đầy đủ thẩm quyền vừa đại
diện cho quốc gia dân tộc, vừa đại diện cho vương triều và thời đại mình
một cách xứng đáng nhất.
Sống giữa nhân gian, thân gần kẻ dưới, giãi lòng qua ngọn bút thi nhân:
Nhân Tông là đời vua thứ ba của nhà Trần, lên ngôi khi vương triều
này đã kinh qua hơn nửa thế kỷ tồn tại (1225 – 1278). Vậy mà không hề
quan sát thấy sự cách bức (trong trường hợp này không thể gọi là “quan
liêu”, bởi nếu có sự ấy, thì đó đích thực là… “vua liêu”) giữa một đấng
Thiên tử với không chỉ các “thảo dân” mà cả với những phận người “dưới
đáy”.
Đã có nhiều người cho rằng nhà Trần chính lệnh giản dị bởi gốc gác
của dòng họ làm nghề chài lưới, một nghề đạm bạc đương thời. Cách giải
thích ấy e rằng chưa thoả đáng.Người lập ra triều đại nhà Đinh từng là
con nuôi, họ Đinh là họ “đi mượn”, mà khi cai trị vẫn dụng hình hà khắc
đó thôi? Nhà Tiền Lê cũng được khai cơ bởi một người không rõ cha đẻ là
ai, còn mẹ là người làm thuê lưu lạc, ấy vậy mà mới đến thế hệ thứ hai
đã nảy ra một Lê Ngoạ triều hành xử cường bạo đâu có kém gì lũ “hôn
quân” khét tiếng ở những phương trời khác.Thái Tổ triều Lý xuất thân từ
một chú tiểu, xa nữa thân phận không rõ ràng, rồi trong số “Lý triều bát
đế” lại nổi lên những đấng quân vương nổi tiếng đại độ khoan nhân.
Sử gia các triều đại về sau, khi phê bình “thói giản dị” thường lấy nhà Trần ra làm “những tấm gương tày liếp”. Nền chính trị “khoan giản an lạc”
trên tổng thể có thể định tính cho cả triều Lý lẫn triều Trần, mà triều
Trần cơ hồ đậm tính chất ấy hơn cả triều Lý. Thiết tưởng, tính chất ấy
cần được coi là sản phẩm của cả một quá trình vận động và ngưng kết lịch
sử, xét riêng trên bình diện đời sống tinh thần, thì đó là kết quả của
đường lối khoan dung mà những nhà lãnh đạo dân tộc đã sáng suốt chấp
nhận và duy trì trong cả một thời gian dài.
Khi bàn về cấu trúc và diễn tiến của hệ tư tưởng ở Việt Nam cho đến
đời Lý, chúng tôi đã có dịp hình dung một công đoạn của quá trình này.
Xin được dẫn lại đây một vài ý tưởng:
“Là một người có thể coi là thuộc về nhà chùa, Lý Công Uẩn dĩ nhiên
nhận được sự trợ lực của Phật giáo đến mức tối đa. Tuy nhiên, việc nhà
Lý sùng Phật, ngoài sắc thái tình cảm còn có nguyên nhân là sự chế định
của hoàn cảnh.
Nhưng dường như Phật giáo khó giúp đỡ được gì nhiều cho Thái Tổ triều
Lý trong việc hình dung để kiến tạo ra một nhà nước theo hướng đại
thống nhất, đại tập trung và chuyên chế hoá. Trong tình thế lúc bấy giờ
thì kể cả các nhà sư tham chính cũng phải chịu chấp nhận Nho giáo hoá
khá rõ rệt. Nhà Lý cần Nho giáo và đã dùng đến Nho giáo trong nhiều
những công việc triều chính trọng đại. Một số bình diện cụ thể:
+ Dùng quan niệm của Nho giáo để hình dung về một nhà nước “cần phải có”, về các mối quan hệ và trật tự xã hội
+ Dùng Nho giáo để đào tạo và tuyển chọn quan lại, kiến lập bộ máy quan liêu cho chế độ
+ Dùng Nho giáo vừa như là một nền học vấn, nền giáo dục, vừa để
tuyên truyền, thuyết phục dân chúng, tập hợp và hướng dẫn họ thực thi
những bổn phận của thần dân.
Do chỗ ở thời điểm này, tầng lớp trí thức trong xã hội vẫn chủ yếu là
các nhà sư, nên triều đình nhà Lý, kế thừa kinh nghiệm mà cũng là di
sản tinh thần của các triều đại
trước, tiếp tục sử dụng nhà sư làm thay rất nhiều công việc của nhà
nho. Sự thay thế ấy có thể cũng đáng được đánh giá là khá hữu hiệu, và
trong thực tế thì dù sao cũng đã kéo dài sang đến giữa đời Trần.
Ngoài Phật giáo và Nho giáo, Đạo giáo thời Lý cũng tồn tại và phát
triển khá tự do, và vì thế biểu hiện cũng khá phong phú. Không những
thế, những tín ngưỡng mang tính bản địa hay thậm chí những tín ngưỡng
khu vực do giao lưu mà có mặt (như tín ngưỡng của người Đại Lý hay của
các tộc người thiểu số khác) không chỉ có đất sống mà trong những
trường hợp nhất định thậm chí còn được triều đình chập nhận, thu dùng
thành những nghi lễ quốc gia.
Cũng có thể nói rằng, chỉ đến thời Lý thì diện mạo đời sống tinh thần
của xã hội Việt Nam nói chung, của chính thể cầm quyền nói riêng mới có
được dạng thức một hệ tư tưởng. Việc dời đô có ý nghĩa biểu trưng đánh
dấu một cái mốc trưởng thành của đất nước, của dân tộc nói chung , mà
cũng đánh dấu sự trưởng thành của tầng lớp thống trị/ lãnh đạo dân tộc.
Với nhà Lý, lịch sử quốc gia Đại Việt mở sang một trang mới, cũng có thể
nói là một kỷ nguyên mới”.([10])
Như đã nói, trên nhiều phương diện, nhà Trần là một sự kế tục nhiều
những truyền thống của nhà Lý. Để cho Tam giáo thực sự “tịnh hành”, các
nhà lãnh đạo hàng đầu của mỗi “giáo” đều vừa phải lựa chọn để truyền bá
vào xã hội, vào cộng đồng những gì là tinh hoa của học thuyết, vừa điều
tiết để những yếu tố cực đoan hoặc quá đặc thù của mỗi “giáo” không gây
thương tổn đến sự tồn tại và vận hành của các thuyết, giáo khác. Và vận
mệnh của mỗi học thuyết, tương lai lịch sử của học thuyết đó từ một
phía, phụ thuộc vào khả năng thích nghi đối với bản chất và định hướng
phát triển của cộng đồng mà nó đang ký sinh, hơn thế, phụ thuộc vào tác
động tích cực mà nó mang tới cho cộng đồng đó trong diễn trình tiếp tục
của lịch sử.
Trong bản chất lý thuyết, Phật giáo không phải là một học thuyết
chính trị – xã hội, những nhà lập thuyết của các tông phái Phật giáo lớn
cũng không hướng trọng tâm sự chú ý của họ vào việc đưa ra những mô
hình tổ chức, quản lý, điều hành xã hội.Giữa các học thuyết đã trở nên
là những truyền thống tinh thần lớn của khu vực Đông Á, chỉ Nho giáo và
Pháp gia từng thực sự trở thành học thuyết – ý thức hệ . Nước Đại Việt
thời nhà Trần, nhất là trong và sau ba lần chống xâm lược Nguyên – Mông
gia tăng một nhu cầu khách quan là phải có một nhà nước mạnh. Trần Nhân
Tông lại chính là vị vua phải trực tiếp trở nên là hiện thân của nhu cầu
ấy.
Không khó để chứng minh rằng Trần Nhân Tông có một vốn liếng Nho học
thâm viễn và một kỹ năng tuyệt vời để hiện thực hoá những gì Ngài đã sở
đắc từ học thuyết này vào sứ mệnh làm vua, trở nên một đấng minh quân
(theo những tiêu chí Nho) khiến những nhà bình luận Nho gia xét nét
nhất cũng không tiếc lời ca ngợi, tôn vinh. Nhưng điểm khác biệt lớn
nhất giữa nhân cách lịch sử hiện thực của Trần Nhân Tông với nhân cách
lịch sử hiện thực của những đấng quân vương được lịch đại Nho lâm coi là
tiêu biểu, chẳng hạn Hán Vũ Đế ở Trung Quốc hay Lê Thánh Tông sau này ở
Việt Nam, đó chính là thái độ đối với ngôi vị đế vương và việc tự định
vị mình giữa chúng sinh: thật khó tìm thấy ở đâu khác, thời nào khác một
đấng minh quân đích thực lại không hề mảy may đặc biệt hoá thân phận
mình, “thiên chức” mình như thế!
Ngôi vua trong quan niệm Nho giáo chính thống vốn thuộc phạm trù “cái
đơn nhất”. Các học thuyết chính trị – xã hội ra đời trong vùng văn hoá
Đông Á truyền thống muốn được ứng dụng luôn luôn phải tìm cách tự bổ
sung, điều chỉnh hoặc lai ghép để đáp ứng đòi hỏi của các vị đế vương:
giải thích hay biện chính một cách hữu hiệu cho địa vị cơ hồ tiên quyết
của họ. Nho giáo và phái Pháp trị tuy là những đối thủ, những kẻ tử thù
chính trị của nhau, nhưng có điểm giống nhau quan trọng là cùng tuyệt
đối hoá ngôi vua chuyên chế, đều coi sự hiện hữu của nó không chỉ là
đương nhiên mà còn là “bất khả tư nghị”.Chính việc sùng bái vô điều kiện
đối với ngôi vua như thế cũng đã góp phần tích cực củng cố thêm tính
chất chuyên chế của nó lẫn tính chất chuyên chế của toàn bộ thiết chế
chính trị được thiết định xung quanh nó.
Trần Nhân Tông lúc ở ngôi vua lẫn lúc làm Thượng hoàng đã tiến hành
nhiều hoạt động tích cực và hữu hiệu để củng cố tính chất tôn nghiêm của
ngôi vua, nhưng lại rất chăm chú coi sóc để địa vị đó không bị thần
thánh hoá. Cung cách làm vua như thế này không dễ bắt gặp:
Câu chuyện thứ nhất: “ Nhâm Thìn, Trùng Hưng năm thứ 8 (1292)…
Lấy Phí Mạnh làm An phủ sứ Diễn Châu, giữ chức chưa được bao lâu, có
tiếng đồn là tham ô, vua triệu về, đánh trượng, lại sai đi trấn trị. Sau
(Phí Mạnh) được tiếng là công bằng, thanh liêm. Người Diễn Châu vì thế
có câu rằng: “Diễn Châu An phủ thanh như thuỷ”(An phủ Diễn Châu trong
tựa nước)”.
Câu chuyện thứ hai: “Vua dụ ty Hành khiển giao hảo với viện Hàn lâm.
Lệ cũ, mỗi khi tuyên đọc lời vua, thì viện Hàn lâm lĩnh đưa bản thảo tờ chiếu cho Hành khiển để giảng tập trước (Vì chức Hành khiển cho tới lúc bấy giờ thường dùng hoạn quan, mà nhiều người trong số họ lại kém chữ nghĩa. – TNV chú). Đến khi tuyên đọc, thì giảng cả âm nghĩa cho dân thường dễ hiểu….Bấy giờ (hoạn quan) Lê Tòng Giáo làm Tả phụ, vốn bất hoà với Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viên. Ngày tuyên đọc lời vua đã đến rồi mà Củng Viên vẫn cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo đòi nhiều lần vẫn không được.
Hôm ấy, xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo.
Tòng Giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, không hiểu âm nghĩa, phải im lặng.
Vua gọi Củng Viên đứng đằng sau, nhắc bảo âm nghĩa. Tòng Giáo rất thẹn.
Tiếng nhắc của Củng Viên to dần, mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại nhỏ đi,
trong triều chỉ còn nghe thấy tiếng của Củng Viên thôi.Vua về trong
cung, gọi Tòng Giáo dụ bảo: “Củng Viên là sĩ nhân, ngươi là trung quan (tức hoạn quan- TNV) sao lại bất hoà đến thế. Ngươi là lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì?”.
Từ đó, Tòng Giáo và Củng Viên giao hảo với nhau gắn bó.”.([11])
Đọc Quốc sử đến chỗ này, Tự Đức phải hạ bút tán thưởng “ Ông vua này có thể gọi là thiên tử hoà giải”.
Câu chuyện thứ ba: “Mỗi khi nhà vua ra chơi đâu, trông thấy gia
đồng các vương hầu ở ngoài đường tất gọi rõ tên và hỏi “Chủ mi làm gì?”.
Nhà vua thường răn bảo vệ sĩ không được quát mắng gia đồng; lại bảo với
các hầu cận rằng: “Ngày thường thì bao nhiêu người hầu hạ xung quanh,
đến khi nước nhà gặp hoạn nạn, thì chỉ thấy có bọn ấy thôi.”. Câu nói ấy
có ý cảm động công lao gia đồng đã theo hầu khó nhọc trong khi mình đi
lánh nạn”. ([12])
Về chuyện này, thì Tự Đức lại bình luận:“Như thế cũng không đúng”. Dễ hiểu : Tự Đức là một ông vua có ý thức đặc thù hoá cực độ vị trí của mình.
Câu chuyện thứ tư: Dùng Phùng Sĩ Chu làm Hành khiển.” Lúc quân
Nguyên sang xâm lược, nhà vua sai Sĩ Chu bói, Sĩ Chu gieo quẻ rồi đoán
rằng: “Chắc chắn đại thắng”. Nhà vua nói: “Nếu quả như lời, sẽ có trọng
thưởng”. Nay quân Nguyên đã rút lui, nhà vua nói: “ Thiên tử không nói
bỡn”, vì thế mói có lệnh này”.([13]).
“Quân bất hồ ngôn”. Câu này thường gặp trong hầu khắp những phim cổ
trang của Trung Quốc ngày nay, đặt làm “câu cửa miệng” của mọi ông vua
muốn được coi là người tiêu biểu cho việc giữ gìn chữ “tín”.
Ở một mức độ khá quán xuyến, con đường tư tưởng của Trần Nhân Tông là
“dĩ Nho nhập Thích”. Hành trình này trong lịch sử tư tưởng Việt Nam bắt
đầu từ giữa thời Lý nhưng vết tích không thật rõ nét, đến Trần Nhân
Tông thì đã rất điển hình, nối tiếp qua vài thế hệ đến Vãn Trần, rồi
được tái xuất hiện trong Phật giáo sử các thế kỷ sau, đậm nét trở lại
qua hành trạng của Ngô Thời Nhậm. Bài Tán về Thiền Tuệ Trung thượng sĩ
trong trước tác của Trần Nhân Tông là chứng cớ tiêu biểu nhất cho “lối
vào” ấy. Nếu thay 4 từ cuối bài bằng “Phu tử chi đạo” thì ta có hầu như nguyên văn một câu trong Luận ngữ, ghi lại lời của học trò Khổng Tử xưng tụng đạo (Nho) của thầy mình.
Trong số hơn 30 bài thơ của Trần Nhân Tông còn lại đến nay, nhìn từ
góc độ cảm hứng nghệ thuật, có thể sử dụng cách phân nhóm như đối với
thi tập của bất cứ nhà nho thành đạt nào đó khác: cũng có nhóm thơ cảm
hoài, tức sự, mạn hứng, nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất là thơ vịnh cảnh,
vịnh vật, thơ sơn thuỷ – điền viên, thơ thù tạc, chỉ vài ba bài khởi lên
trực tiếp từ cảm hứng tôn giáo.Thảng hoặc, cũng có thể nhìn ra những
thi đề, thi liệu, thi ảnh quen thuộc, kiểu “mai xông tuyết”, “mây thương
cẩu”, “rượu tiêu sầu” – dấu vết của những ngày tháng “tập làm văn” với
các vị sư phó Nho giả. Dĩ nhiên, có thể nói rằng những nhận xét vừa đưa
ra chỉ phù hợp, chỉ đúng với “những gì còn sót lại”. Nhưng cũng với
“những gì còn sót lại” ấy, có thể ghi nhận rằng trong thơ của Trần Nhân
Tông không có những bài “thi ngôn chí”, cũng không có những bài “thơ
khẩu chiếm, thơ khẩu khí” rất đặc trưng cho những người tự đặt mình
(hoang tưởng hay hiện thực) cách biệt khỏi mọi “thần dân”, coi mình là
đấng “bề trên tự nhiên”.
Không có “thơ nói chí”, bởi lẽ đối với người trong cuộc, khó tìm ra
điều gì thuộc về miền “mộng ước chưa (không) thành”!Không làm “thơ khẩu
khí”, vì những gì đã làm được trong cuộc đời của Người còn cần gì “khẩu
khí” để vẽ vời thêm? Nhưng sự điềm đạm giãi bày trong phần lớn những
bài thơ của Người lại khiến người đọc dễ dàng cộng cảm và hoà dòng xúc
động.
4.- Điều Ngự Giác Hoàng – Trúc Lâm đệ nhất Tổ:Hành giả hay một nhà Phật học?
Theo chỗ tôi tìm hiểu, trong toàn bộ khu vực Đông Á truyền thống, ở
các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly – Triều Tiên vào các thời điểm
khác nhau đều có những vị vua thân thiện, khoan dung với Phật giáo, có
nhiều vị sùng Phật, trở thành Phật tử, nhưng không thấy ai từ địa vị của
một bậc đế vương trở thành một giáo chủ, thành người sáng lập và dẫn
dắt hẳn một tông phái như Trần Nhân Tông ở Việt Nam.
Cứ như những gì thể hội được qua hai bài ca, phú quốc âm (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca và Cư trần lạc đạo phú)
thì Trần Nhân Tông là một trong những hành giả mà phần lớn thời gian
hành thiền lại ở ngoài chốn Thiền môn, theo nghĩa đen, nghĩa hẹp, nghĩa
là ngoài khuôn viên nhà chùa.Nếp áo Tiểu thừa trên thạch tượng của Ngài
cho phép nói đến một lượng thời gian lớn mà Ngài đã bỏ ra để tu tập và
trì giới trong những trạng thái không thông tục như ở mọi tu hành gia
“chuyên nghiệp” nào đó khác. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng và
giải thích bởi cho đến trước thời điểm viên tịch không lâu, Ngài vẫn còn
tiếp tục xử lý quốc sự.
Khai mở ra một tông phái hay một dòng tu, trong bất cứ tôn giáo nào,
trước hết là công quả của các bậc hành giả. Nhà tu hành và học giả
nghiên cứu, khám phá bí mật của những phưong thức tu hành, khám phá
những nội dung mang tính “lý thuyết và kiến giải” về một tôn giáo hay
tín ngưỡng, đó là hai nhân vị khác nhau, không nhất thiết phải “tồn tại
trong nhau”, và từ hệ quy chiếu – quan sát bên ngoài, không nói được
bằng ngôn ngữ so sánh địa vị, tầm quan trọng của họ với nhau.
Nhưng cũng từ kinh nghiệm của lịch sử tôn giáo thế giới, có thể khẳng
định rằng một khi kết hợp, nhất thể hoá thành công con người hành giả
và con người lý thuyết gia, tông phái hay dòng tu do một bậc tập đại
thành như thế lập nên sẽ có sức hấp dẫn lớn và có sức sống bền vững hơn
những tông phái hay dòng tu khác không có được người sáng lập đạt tới vị
thế ấy.
Thật khó khăn sau ngần ấy năm tháng và biến cố, nhưng tôi vẫn hy vọng
rằng đâu đó vẫn còn có thể tìm thấy được thêm những bằng chứng để khẳng
định tư thế “Phật học gia” của Đức Đại Đầu Đà, bởi cái mà sử bút Nho
gia định danh là “tinh anh thánh nhân” chắc chắn đã phải được kết tinh
vào những trước thuật có quy mô không nhỏ.Sẽ là một điều đại hạnh, nếu
lời nhận định của Nguyễn Lang “Trúc Lâm là một nhà lãnh đạo giáo hội hơn là một tư tưởng gia”([14]) một ngày nào đó trở nên lỗi thời.
Đôi lời thưa rốt
Từ di thể của Giác Hoàng Điều Ngự sau khi được Bảo Sát hoả thiêu, thu về hơn 3000 xá lỵ và một bình tro. Xá lỵ
thuộc cõi thiêng, sẽ được dùng trong những dịp lễ trọng rồi cất ở bảo
tháp, tro cốt làm nốt những “thủ tục cuối cùng” của cuộc hoàn nguyên, sẽ
được triều đình đưa về bản quán.
Gần hai năm sau ngày Giác Hoàng viên tịch, triều đình mới xây dựng
xong lăng Quy Đức ở Long Hưng. Lễ rước linh cữu Ngài đã được đinh kỳ, bố
cáo cho toàn dân đều biết. Vậy là theo truyền thống (hay thói?) giản dị
cố hữu, vào ngày đã định ấy, dân chúng đông đảo kéo vào “xem đám”, đông
đến mức không làm sao có lối để tiếp dẫn linh cữu ra bến thuỷ hành. Nội
quan Trịnh Trọng Tử bèn phải dùng đến một mẹo vặt, vờ công bố hoãn việc
hiếu, bày ra vài sự hỷ: sai vài nhóm quân túc vệ và người biết hát
xướng trong cung chia điểm diễn trò. Chờ “đám hiếu” mãi chẳng xảy ra,
lại có chỗ vui tai thích mắt, những người nhẹ dạ hồn nhiên lũ lượt kéo
đi xem “đám hát”. Vậy là có không gian cho triều đình “tranh thủ” cử
hành việc muốn làm. Sử thần Ngô Sĩ Liên lẫn Hoàng đế nhà Nguyễn sau này
đều lấy thế làm kỳ, chê rằng: “Triều đình cốt phải nghiêm. Rước đưa
linh cữu thì cần gì phải đến tể tướng dẹp người, hữu ti dùng kế mới đi
được ? Ấy bởi nhà Trần về khoan hậu thì có thừa mà về nghiêm khắc thì
không đủ”.
Xem ra lời chê cũng hàm cả ý khen. Bởi nếu không phải là không có ai,
thì ít ra cũng là rất hiếm hoi những vị hoàng đế có thể “dùng” được
ngay chính đám tang của mình làm cơ hội cho người đời xích lại gần
nhau, xoá bỏ cách bức về thân phận như thế.
Còn có điều gì tốt đẹp ở đời mà vị anh hùng dân tộc, nhà cầm quyền
minh triết nhân từ, vị đại giác ngộ điềm tĩnh và người trong cõi thế
không biết nhuốm bụi trần ấy chưa kịp làm không nhỉ?
Hội thảo khoa học kỷ niệm 750 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Hà Nội – Yên Tử tháng Mạnh Đông Mậu Tý 2008
([1] ) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, Bản in Nội các quan bản, Nxb Văn hoá thông tin, H. 2000, tr.64.
([2]) Quốc sử quán triều Nguyễn.- Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục H., 1998 (gồm 2 tập) t.1,tr..486.
([3]) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. t.2, tr.65.
([4]) Có lẽ do không tính đến bối cảnh này, mà trong công trình về
Trần Nhân Tông của mình, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã phải dày công biện luận
về “sự nhầm tên” các vua Trần của Nguyên sử khi chép các sự kiện về “An Nam” vào thời điểm bấy giờ.
([5]) Dẫn theo Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm.- Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. In lần thứ tư. Nxb KHXH, H., 1975. tr. 111.
([6]) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr.95 – 97.
([8]) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 136
([10]) Xin xem toàn văn bài viết trong :Viện Việt Nam học và các khoa học phát triển .- Hai mươi năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành . Kỷ yếu Hội thảo khoa học . NxbThế giới , 2008. Bài cũng có trong sách này.
([11]) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr. 92
([12]) Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Sđd, tr. 540
([13]) Khâm định Việt sử thông giám cương mục.Sđd. tr.541.
([14] ) Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. t,1, Nxb Văn học, H., 1992, tr.369.
Tác giả: Trần Ngọc Vương
(Xem 351 lần, 27 visits hôm nay)
No related posts.
Theo trannhantong.net
|