Tử tế chính là lẽ sống cho cả cuộc đời của một con
người. Để làm người tử tế quả là một thách thức khổng lồ. Nó đòi hỏi
người ta phải sống vì cái đúng và vì người khác từng giờ, từng ngày và
suốt cả cuộc đời, không bao giờ được phép ngưng nghỉ.
Sự tử tế sẽ biến mất ngay lập tức khỏi mỗi chúng ta khi chúng ta đố
kị và ghen ghét người bên cạnh. Sự tử tế cũng biến mất ngay khi chúng ta
cảm thấy khó chịu khi người được mình giúp lại không biết cách bày tỏ
lòng biết ơn chúng ta, không biết cách tung hô sự giúp đỡ của chúng ta
và không biết cách quảng cáo cho sự giúp đỡ của chúng ta.
Khi chúng ta tìm cách công khai lòng tốt của chúng ta với một ai đó,
sự tử tế lại giảm đi một chút. Và đến lúc nào đó, khao khát đến quá mức
được công khai lòng tốt của mình cho thiên hạ biết sẽ xóa đi toàn bộ
lòng tốt ban đầu của chúng ta.
Ông cha ta đã nói tới việc tích đức và luôn luôn khuyên bảo con cái
tích đức, chứ mấy ai khuyên con cái tích của. Tích đức và tích của là
hai con đường ngược nhau. Tích của là gom góp tiền bạc vào túi của riêng
mình, còn tích đức lại là ban phát sự tử tế cho thiên hạ.
Nhưng ngày nay, có một sự thật mà chúng ta đều phải thừa nhận: đó là
có không ít những người lên tiếng về sự tử tế nhưng thực chất lại chỉ là
làm sự "tử tế" cho cá nhân mình mà thôi. Nghĩa là những gì người đó thể
hiện chỉ để cho thiên hạ biết đến họ, chứ không phải làm cho thiên hạ.
Một trong những yếu tố làm nên sự tử tế chính là sự hy sinh. Mà sự hy
sinh đầu tiên và quan trọng nhất là hy sinh lợi ích của mình. Nghĩa là
họ gom góp những cái gọi là sự tử tế để làm đầy cái túi cá nhân của họ
mà thôi. Như thế, sự "tử tế" ấy chỉ là sự "tử tế" cho con người họ chứ
đâu phải là sự "tử tế" cho thiên hạ.
|
Ảnh minh họa |
Mấy năm gần đây, có không ít việc đau lòng xảy ra trong đời
sống. Người sai thì đúng là sai rồi. Dù người sai ân hận cũng không quay
ngược được thời gian nữa và chỉ còn cách sống nghiêm túc hơn, làm việc
nghiêm túc hơn trong tương lai mà thôi. Nhưng qua những sự việc đau lòng
của một hay một số cá nhân gây ra thì có một nỗi đau còn làm cho chúng
ta đau hơn. Đó chính là nỗi đau về sự tranh nhau làm người tử tế của
chúng ta. Trước kia, người ta thi nhau làm việc tốt, tranh giành làm
việc tốt, còn giờ người ta tranh giành nhau dạy dỗ người khác và mắng
nhiếc người khác để chứng minh mình là người tử tế. Bây giờ ai cũng có
quyền nói về sự tử tế nhưng mấy ai tranh giành làm những điều tử tế đâu.
Nhân cái sai của người này hay người kia, chúng ta tràn lên phê phán,
dạy dỗ và cả chửi rủa những người đã mắc sai lầm. Trong số những người
lên tiếng, có những người luôn luôn tìm cách sống tử tế. Và việc lên
tiếng hay nổi giận của họ chính là sự lên tiếng hay nổi giận của lương
tâm con người mà chúng ta phải lắng nghe và suy nghĩ nghiêm túc để sống
tốt hơn.
Nhưng bên cạnh đó, có quá đông sự lên tiếng của những người mà trong
cuộc sống lâu nay họ là những kẻ tham lam, đố kị và chẳng sống vì ai.
Nhưng họ lại là những người to tiếng nhất về sự tử tế. Sự tử tế của họ
là sự tử tế của ngôn từ, chứ không phải sự tử tế của hành động. Và khi
sự này, vụ nọ hết thời gian tính của nó thì sự tử tế của những người như
vậy lại biến mất. Họ trở về đời sống thường nhật với những đố kị, ghen
ghét, ích kỷ, vô cảm và chỉ thích nói về bản thân. Rồi đến một ngày nào
đó, nhân một cơ hội nào đó, họ lại lên tiếng mắng nhiếc và dạy dỗ người
khác một cách không tưởng tượng nổi. Cái sự "tử tế" như thế tôi gọi là
"Mùa tử tế".
Mỗi năm có một hoặc vài ba mùa tử tế. Mà cái mùa tử tế này thì lúc
nào cũng bội thu. Bội thu mùa lúa, mùa ngô làm cho đời sống con người
thêm no ấm, còn bội thu "mùa tử tế" thì chỉ làm cho xã hội thêm tồi tệ
mà thôi.
tuanvietnam.net