Ứng xử văn hoá thời khủng hoảng kinh tế
SGTT.VN - Thời khủng hoảng kinh tế ai cũng khó khăn,
nhưng những ứng xử văn hoá thì không cần nhiều tiền bạc. Đây cũng là
thời kỳ thử thách nhân cách và phẩm chất con người. Hãy mang lại sự ấm
áp, tươi đẹp cho cuộc sống bằng trái tim ấm nồng yêu thương, bằng những
ứng xử văn hoá. Đừng quên những chuyện nhỏ có thể mang lại hạnh phúc to
lớn cho người thân của chúng ta, như câu chuyện dưới đây.
Chuyện chiếc vé
Cơn lốc khủng hoảng kinh tế xoáy vào từng gia đình. Một
người mẹ hưởng lương hành chính sự nghiệp, nuôi hai con tuổi ăn tuổi
lớn như tôi tất nhiên là phải gồng gánh, thắt lưng buộc bụng để lèo lái
tổ ấm bé nhỏ của mình. Mọi sinh hoạt trong gia đình từ ăn mặc đến điện
nước đều phải tiết giảm. Một hôm con gái về nhà bày tỏ: “Mẹ ơi, con muốn
được mua vé xem thầy con biểu diễn”. Con gái học piano, muốn được xem
một chương trình hội diễn tài năng piano, là điều chính đáng. Chia sẻ
những khó khăn của mẹ, con gái nói: “Con lấy tiền bỏ heo để mua vé nghen
mẹ! Con mua thêm một vé cho em cùng xem”. Dĩ nhiên tôi đồng ý. Sau khi
mua cặp vé, trong bữa ăn sáng, cô bé báo cáo: “Giá vé 200.000 đồng. Mỗi
học sinh được giảm một nửa vé. Tất cả là 300.000 đồng mẹ à”. Sau phút
ngẫm ngợi, tôi trách nhẹ con gái: “Nếu học sinh được giảm giá, sao con
không nhờ một bạn nào đó mua vé, sẽ tiết kiệm cho mẹ 100.000 đồng”. Con
gái ngớ người ra, định nói gì rồi lại thôi.
Trách con xong, tôi vội vã phóng xe đến cơ quan.
Lá thư của con gái
Vào cơ quan, mở email, tôi nhận được thư con gái, với chủ đề: “Mẹ thực sự muốn con sống thủ đoạn?”:
“Mẹ ơi,
Trước tiên, con xin lỗi vì con quá thật thà, không biết nhờ người khác mua giùm cái vé để được giảm thêm 100.000 đồng.
100.000 đồng đối với con rất lớn. Bởi con chưa đủ khả
năng kiếm tiền (dù rất nhiều bạn bè cỡ tuổi con đã đi làm rồi). 100.000
đồng, con có thể đổ xăng được một tuần, hay mua một cuốn sách tham khảo
con cần, hơn mười bữa nhỏ để nạp năng lượng cho buổi học tiếng Anh
chiều.
Nhu cầu của con nhiều như thế, và mọi gánh nặng dồn hết
lên vai mẹ. Con biết mẹ mưu sinh khó nhọc, thức khuya dậy sớm, làm việc
đến mức không còn đủ thời gian để cùng con nghe nhạc nữa. Con biết rằng
để kiếm tiền, mẹ đã phải chòi đạp, chiến đấu triền miên. Và khi con
lớn, con kiếm tiền, con sẽ phải chòi đạp và chiến đấu như thế. Con sẽ
phải như con rắn mềm mại luồn lách vào những hốc đá hiểm hóc nhất, như
dòng nước bào mòn mọi vật cản trên đường đi, và khi cần, trở nên hung dữ
để cuốn phăng những thử thách.
Mà đâu cần đến lúc con biết kiếm tiền? Ngay bây giờ con
phải nói dối quá nhiều. Con còn nhớ hồi bé, con đã nhét cây bút của con
vào cặp nhỏ bạn con ghét rồi đổ thừa nó ăn cắp. Dù mưu kế non nớt đó
không thành, con cũng tự biết mình không còn là một cô bé trong sáng
toàn vẹn nữa rồi. Rồi một lần, khi con học vẽ, một anh bạn của con quên
mang bút chì. Thương bạn, con bẻ đôi cây bút chì của mình rồi chia cho
bạn phân nửa. Nhìn cây bút chì bị bẻ nham nhở của con, mẹ đã cười con
“dại trai”. Tâm hồn thơ bé của con dấy lên câu hỏi mà tới giờ con còn
tìm lời giải đáp: “Biết chia sẻ là dại sao?”
Con nhớ mẹ tâm đắc câu nói của Bill Gates: “Người ta
đâu cần biết bạn tự trọng thế nào, người ta chỉ biết thành công của bạn
là gì thôi”. Nhưng... Ít ra thì chính mình cũng phải biết mình tự trọng
thế nào chứ.
Con mơ ước được làm một nghệ sĩ dương cầm, hay một nhà
tổ chức sự kiện âm nhạc. Dù là ai, con cũng muốn bán được vé cả. Mà giá
vé hoà nhạc ở Việt Nam là rất rẻ so với mặt bằng chung của thế giới rồi.
Con không biết thầy con sẽ được bao nhiêu phần tiền trong đó, cũng
không biết người tổ chức lời lãi thế nào. Nhưng con biết con trân trọng
tài nghệ của những người ngồi trên sân khấu, đàn cho con nghe những bản
nhạc bất hủ. Để làm được như thế, họ đã phải bỏ ra số tiền và công sức
gấp trăm ngàn lần số tiền bán vé. Người ta giảm giá phân nửa cho học
sinh cũng là một sự cố gắng lớn đáng kể.
Và không chỉ là câu chuyện 100.000 đồng tiền vé, con còn muốn tâm sự với mẹ về những chuyện sâu xa hơn.
Người ta có thể khen một người mánh lới là khôn ngoan,
là hãnh tiến, là biết nắm lấy thành công; người ta có thể chê người sống
thật là ngu khờ, lơ ngơ. Thế rồi, cái người mánh lới ấy vượt lên trước
mình, đạp mình xuống để tiến lên. Lúc ấy, mình còn khen anh ta, phục anh
ta nữa không? Người ta chỉ thích thú trước cái “khôn ngoan” khi nào họ
được lợi phần mình. Luôn thế.
Mà ở đời, cái lẽ khôn dại thật vô chừng. “Chớ cậy mình
khôn cười kẻ dại, gặp thời dại cũng hoá nên khôn”, tiền nhân đúc kết ra
thế. Đã nhiều lần, con mánh lới này nọ, có vẻ khôn lắm, cuối cùng những
mánh lới ấy nó ràng mình lại, nó sai bảo mình. Bởi thế, con mệt mỏi. Thà
rằng con chấp nhận tiếng dại cho nhẹ lòng!
Đối với một phụ nữ trải đời như mẹ, con chỉ là một con
thỏ non nớt. Nhưng mẹ đừng lo lắng về cái sự khôn dại của con, đừng sốt
ruột khi thấy con cứ thật thà lơ ngơ giữa dòng đời trí trá. Có nhiều
người già dặn hơn mẹ mà còn bị lừa nữa mà! Con biết mình sẽ phải cần thủ
đoạn, nhưng cũng biết sức mạnh của một tâm hồn nhẹ nhàng chân thật lớn
tới mức nào.
Hôm nay con khá bận, chiều nay con có hai tiết kiểm tra
rồi. Vậy mà con đã dành một tiếng đồng hồ để viết bức thư này. Như thế,
con mới nhẹ người mà học bài được.
Con yêu mẹ nhiều lắm”.
Tôi sững sờ trước lá thư của con gái. Tôi cảm động, vui
mừng vì con đã lớn, hối hận vì những mối lợi nho nhỏ, với vài “kỹ năng”
nếu không muốn nói là mẹo “thắt lưng buộc bụng” mà tưởng mình khôn
nhưng tai hại khôn lường.
Tôi sửa chữa lỗi lầm của mình bằng cách mua cho con bó
hoa màu trắng, để sau khi thầy biểu diễn, con gái lên tặng hoa cho thầy.
Ôm bó hoa vào lòng, con gái tôi cảm động, rưng rưng nước mắt.
Trầm Hương- Báo Sài Gòn tiếp thị
|