Chiều ngày 29/1/2013 tại RAILWAY hotel, 80 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Nhà xuất bản Hồng Đức phối hợp với Tạp chí
Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Cuộc hành
trình đi tìm chữ Việt cổ” và giao lưu với tác giả Nhà nghiên cứu Chữ
Việt cổ Đỗ Văn Xuyền.
Tới dự có lãnh đạo Bộ Văn Hóa,
đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; các nhà khoa học, nhà
nghiên cứu; nhà ngôn ngữ học và các cơ quan thông tấn báo chí.
Về phía HĐHĐVN có ông Đỗ Ngọc Liên- Chủ tịch Hội đồng, ông Đỗ Quang Hoà, thành viên của Nhóm nghiên cứu thời tiền sử của Trung tâm văn hoá người cao tuổi, do PGS Đỗ Tòng lãnh đạo, trong đó Chữ Việt cổ là
một trong những mảng đề tài quan trọng được nhóm nghiên cứu thời tiền sử bỏ công
sức sưu tầm khảo cứu và công bố trong bộ "Những khám phá mới nhận thức
mới về nguồn gốc dân tộc việt và nền văn minh việt cổ".
CLB tuổi trẻ họ Đỗ Việt Nam đã cử hơn một chục hội viên đến dự và tham gia công tác lễ tân tại buổi lễ, được các đại biểu đánh giá cao.
Bài phát biểu của ông Đỗ Văn Xuyền
ĐI TÌM CHỮ VIẾT CỦA DÂN TỘC
(Chữ Việt Cổ - Chữ Khoa Đẩu - Chữ Hỏa Tự)
NỖI BUỒN VẠN THUỞ
Từ lâu rồi, ta đã quen với ý nghĩ : “Dân tộc ta không có chữ viết”,
hàng ngàn năm đã trôi qua, mỗi khi đến thăm một di tích đền miếu- ngay
cả ở Quốc tử giám trường Đại học đầu tiên, ta cũng không biết: ở những
nơi ấy người ta đã viết những gì. May mắn gặp được người nhờ đọc hộ,
cũng không hiểu vì đấy là ngoại ngữ.
Sự áp đặt nặng nề của một nền văn hóa ngoại lai đã tạo ra thói quen
cam chịu đến mức mọi người đều coi “sự vô lý nghìn năm” ấy như một lẽ
đương nhiên.
Rồi chúng ta sáng tạo ra chữ Nôm – thứ chữ đọc lên – người nghe có
thể hiểu được, nhưng vấn đề là loại chữ tượng hình, dân thường khó lòng
tiếp cận nổi.
Từ giữa thế kỷ 19 đất nước lại rơi vào vòng nô lệ gần 100 năm, chữ
Nôm bị loại bỏ, thay bằng chữ Quốc ngữ “thứ chữ của người Pháp và những
nhà truyền giáo”.
Như vậy, trong suốt 2000 năm, trước anh em bè bạn, dân tộc ta vẫn
không có chữ viết, vẫn phải chịu đựng những ánh mắt nhìn khinh rẻ của
xung quanh. Nhắc tới việc này, tâm trạng của mỗi người Việt Nam cũng
giống như giáo sư Trần Ngọc Dụng – khi bàn về ngôn ngữ và văn tự của dân
tộc: “ ngày xưa thì mượn cách viết của người Tàu. Ngày nay thì mượn
cách viết của người phương Tây. Đây quả là nỗi buồn vạn thuở”
Có người còn xót xa cay đắng hơn:
“Không! Không chỉ là nỗi buồn vạn thuở mà là nỗi nhục muôn đời của
cháu con mỗi khi nhìn về quá khứ - nếu lịch sử dân tộc ta đúng là như
vây”.
CÁI NÔI VĂN MINH CỦA NHÂN LOẠI
Ở một đất nước không làm nổi ra cái chữ, suốt đời phải đi học nhờ, bị
kẻ thù liên tiếp thống trị tới trên 10 thế kỷ và đã bao lần bị xóa tên
trên bản đồ thế giới..bỗng một ngày, người ta chợt phát hiện ra:
“Đông Nam Á mà chủ đạo là Việt Nam đã có một nền văn hóa
tiền sử phát triển rất sớm, tiên tiến và nhanh chóng – sáng tạo và sống
động chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới”.
Trước đây, người ta cho cái nôi văn minh của nhân loại là vùng Lưỡng
Hà có tuổi C14 là 7000 năm, sau đó đến Trung Hoa và Ấn Độ. Nhưng bất ngờ
vào năm 1923, nhà nghiên cứu người Pháp Madeleine Colani phát hiện ra ở
vùng Lam Gan tỉnh Hòa Bình, Việt Nam những đồ đá, dấu tích động thực
vật và những đĩa gốm có khắc chữ có tuổi đời C14 là 10,000 năm làm chấn
động dư luận thế giới.
Hội nghị quốc tế về thời tiền sử ở Viễn Đông họp tại Hà Nội năm 1923
xác nhận “Văn hóa Hòa Bình của Việt Nam trước Lưỡng Hà tới 3000 năm”.
Bao nhiêu nhà khoa học đã tìm đến Việt Nam. Qua các công trình khảo cổ,
qua sử sách, truyền thueyets… dần dần người ta thấy thấp thoáng hiện
lên những mảnh vỡ còn sót lại của một nền văn minh kỳ vĩ từ thời tiền
sử của Việt Nam.
Đã có những công trình nghiên cứu công phu, những dẫn chứng từ nhiều
nguồn tư liệu nước ngoài và sử sách trong nước, nhưng vẫn chưa đủ sức
thuyết phục. Bởi vì, điều kiện bắt buộc của một nền văn hóa là Chữ viết.
Phải có chữ viết để lưu giữ và truyền lại những giá trị văn hóa cho
đời sau. Có thể nói đây là yếu tố tiên quyết của một nền văn hóa.
Mà chữ viết, chữ viết của người Lạc Việt – thì hàng nghìn năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa tìm thấy!
ĐI TÌM CHỮ VIẾT CỦA DÂN TỘC
(Chữ Việt cổ - Chữ Khoa đẩu – Chữ Hỏa Tự)
Từ cái năm định mệnh 187 sau công nguyên – năm thái thú Sĩ Nhiếp ra
lệnh triệt hạ chữ Việt cổ và thay bằng chữ Hán, đã có bao người hy sinh
khi muốn phục hồi lại chữ Khoa Đẩu, có người bỏ xác nơi xứ người, có
người thân vùi sâu dưới biển, có người bị chém ngang đường khi đang mang
chữ của Tổ tiên đi cất dấu.
Và giờ đây, dòng người đó vẫn còn tiếp tục.
Tôi cũng là một trong số đó. Cũng đã tìm đến các thư viện, cũng từng
đọc hàng chồng sách Đông, Tây kim cổ, nhưng bao năm rồi, sao vẫn biệt
tăm!
“Hay là chữ Khoa Đẩu đã không còn nữa?” giữa lúc tuyệt vọng đến cùng
cực, trong tôi chợt lóe lên ý nghĩ: mọi thành bài của đất nước đều xuất
phát từ nhân dân. Thế thì tại sao ta không tìm về với nhân dân – mà chỉ
quanh quẩn dựa vào ý kiến của những người xứ khác?
Hàng chục năm sau đó, tôi đã thay đổi hướng đi: đến với các nơi hang
cùng ngõ hẻm, rừng sâu núi thẳm. Và đúng như tôi dự đoán. Điều mà Tổ
tiên ta đã có chữ viết ngay từ thuở bình minh của nhân loại, không cần
tìm đến sự ghi chép của cổ sử Trung Hoa từ năm 2345 về trước mà ngọc phả
của 4 ngôi miếu ở xóm núi Bàn Giản đã ghi đầy đủ. Ngôi đền thờ ở La
Nội, Hà Tây còn hơn hẳn cổ sử khi ghi chép lại cả bài văn mà Hùng Quốc
Vương khắc tặng vua Nghiêu ngày ấy.
Năm 1887, Tạp chí Khoa học của Hoàng Gia Anh viết “… thứ chữ tượng
thanh của người An Nam đã không còn nhữa” thì cũng thời gian đó, cuối
thế kỷ 19 J Silvestre đã tìm thấy một bộ chữ Khoa Đẩu tại làng Hưng Hóa,
Tam Nông. Và chữ Khoa Đẩu vẫn còn khắc trên tảng đá ở xã Bắc Bình vẫn
còn hàng chục quyển ngọc phả chữ Khoa Đẩu đã bị đốt đi ở Tiên Lữ. Sau
khi chúng ta gửi đi hàng vạn tờ mẫu tự khoa đẩu thì không ít người đã
thông báo lại: Đã tìm thấy thứ chữ này.
Không phải chỉ có vậy
Từ bốn, năm ngìn năm qua, những người nông dân nghèo khổ vẫn nhớ đầy
đủ họ tên của các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ cha ông họ thành những
nhân tài: nhà giáo, nhà khoa học, nhà kiến trúc, những anh hùng giải
phóng dân tộc họ đã lập đền thờ tất cả và sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh
bảo vệ, khi có kẻ nào muốn phá hoại.
Tấm bản đồ chưa đầy đủ và dấu tích về các thầy cô giáo thời Hùng
Vương đã là một cơ sở vững chắc, minh chứng cho sự tồn tại việc sử dụng
Chữ Việt Cổ trong mấy nghìn năm khi chưa có chữ Hán xâm nhập.
Trong lịch sử một đất nước và nền tảng một nhân dân như vậy, việc tìm lại dấu tích chữ Khoa Đẩu là một điều hoàn toàn logic
CHỨNG MINH: ĐÂY LÀ BỘ CHỮ KHOA ĐẨU CỦA NGƯỜI VIỆT CỔ
Chúng ta đã tìm thấy một bộ chữ gốc Khoa Đẩu như vậy trong nhiều bộ chữ được nhân dân Tây Bắc bảo vệ như vậy hàng nghìn năm qua.
Đó là bộ tài liệu “CHỮ THÁI TỔ TỰ” được Tri châu Điện Biên Phạm Thận
Duật phát hiện ra từ năm 1855 – 1856 được nhà xuất bản văn hóa biên tập
phiên dịch và in vào năm 2000, hiện còn lưu giữ ở nhiều thư viện.
Chúng ta đã đối chiếu, so sánh và cân nhắc rất nhiều khi chọn bộ tài liệu này đưa vào diện thử nghiệm.
Trong nhiều năm, tôi đã về các vùng quê nghiên cứu về ngôn ngữ Việt
Cổ, cả ngôn ngữ vùng Bách Việt cũ – để tìm cách phá bỏ lớp vỏ ngụy trang
và giải mã để làm hiện nguyên hình bộ ký tự đặc biệt này.
Cho tới giờ phút này đây, ta đã có thể kết luận chắc chắn:
A- Bộ chữ này là bộ chữ Việt Cổ nguyên sơ:
- Vì không có dấu ( trước công nguyên người Việt cổ nói không có dấu)
- Còn dữ dấu tích của nhã ngữ (lối nói của người Việt 800 năm trước công nguyên)
- Cách phiên âm các từ còn giữ nguyên vẹn lối nói của người
Việt Cổ mà giờ đây ta còn tìm thấy ở nhiều làng quê lạc hậu, đồng bằng
trung du.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu: “các dân tộc trong Bách Việt dùng
chung chữ Khoa Đẩu” và giờ đây, một dạng chữ như vậy đã hiện diện trong
các dân tộc từ bờ biển Đông tới Ấn Độ từ nam sông Dương tử tới Indonesi…
Đến lúc này, chúng ta phải dựa hoàn toàn vào các tiêu chí khoa học mà
quốc tế đã quy định để tìm ra chủ nhân của một bộ ký tự chưa rõ nguồn
gốc.
Hầu hết các từ điển khoa học của các nước đều xác định: “chữ viết là
những ký hiệu được viết ra để ghi ngôn ngữ không thể tồn tại độc lập
ngoài ngôn ngữ”.
“một hệ thống chữ viết của một dân tộc là hợp lý nếu nó thích ứng với đặc điểm của dân tộc đó”
Ta thử xét bộ chữ ta đưa vào thử nghiệm:
- Đây là bộ chữ không có dấu và không phải thêm bất cứ một
chữ cái nào (khác hửn với nhiều bộ chữ hiện có) mà vẫn ghi đầy đủ, ghi
lại hết được tiếng nói của người Việt (nhưng là người Việt Cổ)
- Ta có thể ghi đầy đủ từ bài thơ cổ Bắc Sơn (từ 1000 – 7000
năm TCN). Bài Việt Nhân Ca – 800 năm TCN đến thơ Trần Nhân Tông, thơ
Nguyễn Du, thơ Nguyễn Bính…
- Như vậy, bộ chữ ta tìm ra đã gắn chặt với ngôn ngữ Việt.
- Bộ chữ này hoàn toàn thích ứng với đặc điểm ngôn ngữ Việt:
tất cả lối viết độc đáo (một chữ đọc hai cách) đều còn hiện diện đầy đủ
trong cách nói của người Việt và các phụ âm đơn giản (không uốn lưỡi đối
với một số phụ âm) ta còn thấy nguyên vẹn ở các vùng quê.
- Nối cấu trúc của các từ cũng hoàn toàn dựa trên văn hóa việt.
- Từ những đặc điểm đã phân tích (ta coi như mật mã bộ chữ
của Vua Hùng) ta đã tìm ra chủ nhân đích thực của chữ quốc ngữ và phục
hồi lại nguyên bản bài Việt Nhân Ca –bài thơ của một cô gái Việt cách
đây 2800 năm về trước với những kết quả trên. Vì vậy, đã đến lúc chúng
ta có thể báo cáo với Tổ tiên với nhân dân với bè bạn rằng:
“CHÚNG TA ĐÃ TÌM LẠI ĐƯỢC BỘ CHỮ KHOA ĐẨU – BỘ CHỮ TỔ
TIÊN TA ĐÃ SÁNG TẠO RA TỪ THỜI TIỀN SỬ - MÀ SUỐT GẦN 2000 NĂM QUA VÀ CHO
TỚI TẬN BÂY GIỜ, CHÚNG TA VẪN TƯỞNG ĐÃ KHÔNG CÒN NỮA”
Hà Nội 29/1/2013
|