Tìm thấy lá bánh chưng thời Lang Liêu
(Thethaovanhoa.vn) - Việc
phát hiện từng hạt lúa nếp, mảnh chõ khảo cổ và giờ đây cả những chiếc
lá dong còn khá nguyên vẹn in hình trong chiếc nồi đồng thời Đông Sơn Âu
Lạc đã giúp chúng ta vén dần màn khói huyền thoại về sự tích Lang Liêu
và bánh chưng, bánh giầy để nhận chân lịch sử dân tộc từ hai, ba ngàn
năm trước. TT&VH xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.
Mẹ
tôi mất rồi, nhưng không bao giờ tôi quên những câu chuyện cổ tích
“Ngày xửa ngày xưa”, mẹ kể mỗi lần trước khi đi ngủ. Thuở đó tôi rất có
ấn tượng với câu chuyện Lang Liêu, nhờ tài làm bánh chưng, bánh giầy mà
được vua Hùng chọn làm người kế nghiệp.
Khi
lớn lên, trở thành một nhà khảo cổ, tôi lại may mắn khai quật được
những hạt lúa nếp cổ và cả những mảnh chõ đồ xôi thời Lang Liêu nữa.
Những phát hiện đó càng thôi thúc tôi tìm kiếm những chứng cứ khảo cổ
học cho câu truyện cổ tích mà dường như nó chỉ biến thành sự thực trong
giấc mơ của trẻ thơ, mỗi đêm nghe mẹ thủ thỉ kể chuyện.
Trống đồng Đông Sơn và mảng lúa nếp nương râu in trong lòng trống
|
Từ dấu vết lúa nếp
Trên
quan điểm khoa học, thì câu chuyện Lang Liêu làm bánh vẫn chỉ là huyền
thoại. Huyền thoại luôn như những màn khói bao trùm mỗi không gian sinh
tồn tộc người. Nhưng cũng tồn tại một nguyên lý khoa học của chuyên
ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, đó là “không có lửa thì không có khói”.
Màn khói huyền thoại tuy không phải là sử liệu thật, nhưng bao giờ nó
cũng bắt nguồn từ một sự thực lịch sử nào đó. Đó chính là cái lõi “lửa”
đã tạo nên màn khói huyền thọai đó.
Nói
đến bánh chưng, bánh giầy cũng tức là nói về việc sử dụng lúa nếp từ
rất sớm của người Việt cổ. Quả thực, muộn nhất là từ 3500 năm trước, lúa
trồng (Oriza Sativa) có dạng hạt bầu (large form) giống lúa nếp dính (gloutinous rice) đã tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam.
Đến
thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa đại diện
cho phát triển đỉnh cao của văn minh Văn Lang - Âu Lạc gắn với các đời
Hùng Vương và An Dương Vương thì lúa nếp đã trở thành một nguồn lương
thực phổ biến, đặt nền móng cho tập tục dùng lúa nếp như một loại hình
thức ăn lễ nghi dành cho tổ tiên và thần thánh của người Việt và nhiều
dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam hiện nay.
Ngoài
dạng lúa nếp hạt bầu râu ngắn các nhà khảo cổ học còn ghi nhận dấu in
lúa nếp nương râu dài trong lòng một trống đồng Đông Sơn khai quật được ở
miền tây Thanh Hóa. Trên nền tảng văn hóa có thực đó, sự tích Lang Liêu
và bánh chưng đã ra đời.
Đến dấu vết chiếc lá dong trên nồi đồng cổ
Việc
các nhà khảo cổ của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á vừa phát hiện dấu in
của một chiếc lá dong còn nguyên vẹn và tươi tắn càng làm “tươi” thêm sự
thực bánh chưng từ trên 2000 năm nay.
Hình
dưới đây là nguyên trạng phát hiện khảo cổ học thú vị nói trên. Đó là
một chiếc nồi đồng khai quật được ở làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thuộc
phong cách Đông Sơn Âu Lạc có thể định tuổi vào khoảng thế kỷ 1-2 trước
Công nguyên. Trong lòng chiếc nồi đó in dấu rất nhiều lá dong ở tình
trạng lót nồi. Đó là những hình lá dong nằm phẳng ở tư thế nguyên chiếc
bao quanh đáy và cạnh nồi. Nhờ ô xuýt đồng từ lớp gỉ của nồi mà chiếc lá
được giữ nguyên trạng, thậm chí có màu xanh như những chiếc lá còn
tươi.
Phục
nguyên chiếc lá còn nguyên vẹn nhất, ta thấy nó có độ dài khoảng trên
30cm rộng khoảng 15cm. So sánh độ lớn và cấu trúc nhánh lá có thể nhận
biết được lá thuộc họ dong riềng (Cannaceae).
Loài này được xem như một dạng cây bản địa mọc hoang dại và được ươm
trồng từ nhiều ngàn năm nay ở Việt Nam và Đông Nam Á cổ đại. Cho đến
nay, cây dong riềng vẫn được coi như một loại cây cho bột, cho lá dễ
trồng, năng suất cao, có thể giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng dân
tộc miền núi nước ta.
Việc
sử dụng lá dong riềng trong các nhóm cư dân tiền sử săn bắt hái lượm ở
Đông Nam Á cổ đại hẳn không có gì xa lạ. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng
chứng thật của lá dong riềng trong khung cảnh khảo cổ học giúp khẳng
định niên đại muộn nhất của việc sử dụng lá dong riềng trong đời sống
bếp núc quý tộc ở Việt Nam là từ khoảng thế kỷ thứ 1-2 trước Công
nguyên.
Lúa nếp khai quật ở khu mộ táng Đông Sơn Động Xá (Hưng Yên)
Lúa hạt dài và lúa nếp hạt tròn khai quật được ở hang Xóm Trại (Hòa Bình).
|
Tổ chức lễ hội nấu bánh chưng kiểu cổ
Cảm
giác của tôi thật bồi hồi không sao kể xiết khi lần đầu gặp một hiện
tượng khảo cổ kỳ thú đến như vậy. Vốn là một người làm công tác khảo cổ
học và nghiên cứu các văn hóa cổ truyền, sau mỗi lần đặt lại mảnh nồi
đồng còn in hình lá dong trở lại tủ kính của Bảo tàng Phạm Huy Thông tôi
như lại thấy hình ảnh Lang Liêu đang ở rất gần.
Từ
phát hiện khảo cổ về lá dong, năm nay, chi nhánh của Bảo tàng Phạm Huy
Thông đặt tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đang tiến hành một lễ
hội cổ truyền nội bộ, nằm trong nội dung nghiên cứu về truyền thống làm
bánh chưng của người Việt cổ. Lễ hội đã bắt đầu từ sau lễ Ông Công - Ông
Táo với việc cắt lá từ những cây dong riềng trên vùng núi cao Đồi Thung
- Thượng Tiến ở Kim Bôi (Hòa Bình), chuẩn bị lúa nếp từ Mường Vang (Lạc
Sơn, Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La), thịt lợn Mường và nước lá mùi từ
tỉnh Hòa Bình. Một chiếc vạc đồng bốn quai đời nhà Lang ở tỉnh Hòa Bình
cũng được sử dụng để nấu bánh. Những chiếc bánh đầu tiên sẽ được dâng
lên các Vua Hùng và Lang Liêu để ghi nhận công đức của người xưa.
Công bố lá dong ngàn năm và lễ hội nấu bánh chưng
Sau
mấy ngày tổ chức cho bà con người Mường đi thu cắt lá dong rừng trong
Khu bảo tồn quốc gia Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình), rồi chuẩn bị ngâm
gạo và đỗ, rửa, hong khô lá dong tại Bảo tàng Phạm Huy Thông, khu 4
phường Yên Giang thị xã Quảng Yên; ngày 7/2 tới (tức 27 Tết) sẽ có nhiều
hoạt động thú vị.
Vết in chiếc lá dong bên trong nồi đồng Đông Sơn và nguyên trạng phóng đại của nó.
|
Chương
trình như sau: sáng: Thịt lợn và tổ chức gói bánh (chị em phụ nữ Yên
Giang, Quảng Yên); Công bố phát hiện lá dong và lúa nếp thuộc văn hóa
Đông Sơn (thời Hùng Vương) (TS Nguyễn Việt); Bình luận về sự tích Lang
Liêu (GS Lê Văn Lan, GS.TS Ngô Đức Thịnh). Chiều và tối : Luộc bánh
trong sanh đồng Mường bốn quai, giới thiệu tắm gội nước lá mùi Việt
Mường và ngâm thuốc bắc kiểu Mông - Dao. Đêm : Dỡ bánh và dâng bánh
chưng lễ tạ đất trời và mẹ Âu Cơ. Kết thúc chương trình.
|
TS Nguyễn Việt
Thể thao & Văn hóa
|