Thứ ba, 26/11/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Họ Đỗ Việt Nam.
Trang chủ
Thông tin việc họ
Lịch sử Họ Đỗ Việt Nam
Truyền thống
Sức khoẻ – Trí tuệ – Hữu ích
Thông tin hai chiều
Tài trợ và đóng góp
Thông tin họ bạn
Câu lạc bộ họ Đỗ
Trang thông tin họ đỗ mới
Điểm tin các báo
Thời tiết
Bài ca dòng họ Đỗ Việt Nam
RSS
Quang Cao
Quang Cao
Tin tiêu điểm
Số lượt người truy cập
mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm Nay106
mod_vvisit_counterHôm trước115
Hà Nội
Du bao thoi tiet - Thu do Ha Noi
Huế
Du bao thoi tiet - Co do Hue
Đà Nẵng
Du bao thoi tiet - Thanh pho Ho Chi Minh
TP - Hồ Chí Minh
Du bao thoi tiet - Thanh pho Da Nang
 
 
Khi văn hóa bật gốc E-mail
19/02/2013

 Khi văn hóa bật gốc

Các chủ nhân đích thực của văn hóa đang bị dần biến thành khách thể - những người đến xem việc “biểu diễn văn hóa” dưới sự dàn dựng của đạo diễn nghệ thuật. Người dân trong cộng đồng hoặc trở thành các diễn viên, hoặc trở thành khán giả.

Trong diễn ngôn về văn hóa và phát triển ở Việt Nam những thập kỷ gần đây, bên cạnh "giữ gìn và phát huy văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc", thì "văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển" đã trở thành một khẩu hiệu quen thuộc. Nó quen thuộc đến mức ít khi người ta đặt câu hỏi nó thực sự có ý nghĩa gì và thể hiện ra sao trong đời sống thực tế. Có thể thấy, "phát triển" dường như đang được số đông đo đếm bằng sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa và hiện đại hóa, bằng sự chiếm lĩnh của chủ nghĩa tiêu thụ cũng như ảnh xạ của toàn cầu hóa trên mọi phương diện. Còn văn hóa thì được đo đếm bằng gì?

Trong các diễn ngôn chính sách, văn hóa thường bao gồm văn hóa nghệ thuật, biểu diễn văn hóa, nghi lễ, lối sống (một cách trừu tượng) và bảo tồn di sản. Trên báo chí truyền thông, mục văn hóa thường bao gồm những chủ đề liên quan đến biểu diễn nghệ thuật hay những chuyện lượm lặt trong giới "showbiz". Trong khi đó, việc người người nhà nhà được khuyến khích phấn đấu để đạt những danh hiệu "gia đình văn hóa", "xã văn hóa", "làng văn hóa" ...cho thấy thuật ngữ văn hóa bỗng nhiên trở nên một thứ "phong trào" bề nổi mà ai cũng biết chỉ mang tính hình thức!

Nếu mục tiêu phát triển đạt được mà những chủ thể văn hóa trở nên bơ vơ, ngơ ngác trên chính không gian của họ, thì có lẽ, văn hóa cũng không còn tồn tại! Có lẽ đây chính là một nguyên nhân quan trọng của sự hỗn loạn xã hội, suy giảm đạo đức vì các giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa bị xói mòn khi văn hóa đã bị "bật gốc".

Nói một cách công bằng, các chính sách văn hóa chú trọng đến "bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc" đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khôi phục văn hóa truyền thống. Số lượng lễ hội mỗi năm một tăng, cả việc khôi phục lễ hội truyền thống cũng như tạo dựng nên các lễ hội mới. Khát vọng tâm linh được thỏa mãn khi các thực hành nghi lễ tôn giáo được bật đèn xanh sau một thời gian dài cấm đoán.

Nhưng các lễ hội, festival, sự kiện mang màu sắc thương mại hóa và cầu tiền tài, danh vọng, cũng trở nên ngày càng nhiều. Càng "phát triển" thì dường như xã hội càng bức xúc bởi tin tức về những ngôi chùa, mái đình bị biến dạng thành một thứ nửa cổ nửa kim sau khi trùng tu; đồng thời nhận ra quá trình đô thị hóa cũng đồng nghĩa với sự mất đi các làng hoa, làng nông nghiệp truyền thống; sự tấn công ồ ạt dưới cái mác "khoa học" của tri thức phương Tây đang làm lãng quên các tri thức bản địa vốn nuôi dưỡng con người trong suốt quá khứ...vv. Và bỗng một ngày, người ta lại cùng nhau ngồi hoài cổ, thèm lắm cái cái hương vị ngày Tết khi cả nhà quây quần gói bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành (mà nay với công nghệ gói bánh chưng siêu tốc và thịt lợn siêu nạc, những mơ mộng đó bỗng trở nên xa xỉ!).

Nói đến văn hóa không thể không nói đến di sản. Thật đáng mừng vì những thay đổi nhận thức về giá trị di sản và truyền thống văn hoá ở Việt Nam đã tạo ra nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ và bảo tồn di sản văn hoá. Tuy nhiên, quan niệm bảo tồn theo cách bảo tàng hóa hoặc sân khấu hóa, tách thực hành văn hóa ra khỏi môi trường sống của nó, khiến các dạng thức văn hóa được bảo tồn trở nên "màu mè", hình thức, thiếu sức sống bền vững trong đời sống xã hội; trong khi chủ trương "bảo tồn có lựa chọn" lại áp đặt quyền được quyết định số mệnh cái gì được bảo tồn, cái gì phải loại bỏ dưới cái nhãn "lạc hậu", "hủ tục".

Mặt khác, mốt "di sản hóa" văn hóa, bệnh "sính di sản" hay "Unesco hóa" (mà nhà nghiên cứu người Hà Lan Oscar Salemink chỉ ra trong Hội thảo Việt Nam học gần đây) không những bức tử vẻ đẹp của di sản với việc khai thác quá đà cho du lịch, mà còn làm triệt tiêu sự đa dạng văn hóa (đơn cử như quyết nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh buộc 500 con tàu trên vịnh Hạ Long phải sơn màu trắng "đồng phục" cho xứng tầm kỳ quan thế giới).

Điều đáng nói hơn, những chủ thể văn hóa - những người dân chăm nom và bảo vệ di sản trong suốt quá khứ, bỗng nhiên bị gạt ra ngoài lề, nhường chỗ cho "Ban quản lý", khi di tích được công nhận là di sản quốc tế (như trường hợp di sản đền Hùng và nhiều di tích khác). Câu chuyện về đền Trần cũng là một ví dụ như vậy. Nếu như trước khi kinh tế thị trường bùng nổ và các hoạt động tôn giáo còn chưa được khuyến khích, đền Trần còn là một ngôi đền chủ yếu của dân địa phương, và họ chính là những chủ thể được sở hữu những lá ấn vốn nhằm mục đích trừ tà ma (với những sự tích liên quan đến quyền năng trừ tà ma của Đức Thánh Trần).

Từ khi phong trào "phát ấn" bùng nổ (do sáng kiến của những người làm quản lý văn hóa), được cổ súy thêm bởi sự xuất hiện của lãnh đạo nhà nước trong lễ khai ấn, những chiếc ấn được mang thêm ý nghĩa mới về sự 'thăng quan tiến chức'. Và lúc này, đương nhiên là "các chủ thể văn hóa" phải chen lấn bên ngoài hàng rào để đợi, trong khi không gian văn hóa lẽ ra là của người dân địa phương, bỗng nhiên trở thành nơi dành cho những người có địa vị xã hội và đang trên đường thăng tiến.

Sự mất mát của chủ thể văn hóa là câu chuyện tưởng như đã cũ. Các chủ nhân đích thực của văn hóa đang bị dần biến thành khách thể - những người đến xem việc "biểu diễn văn hóa" dưới sự dàn dựng của đạo diễn nghệ thuật. Người dân trong cộng đồng hoặc trở thành các diễn viên, hoặc trở thành khán giả. 'Văn hóa' đã không còn là của cộng đồng nữa. Các chủ thể văn hóa không còn quyền đối với chính nền văn hóa của mình. Vậy văn hóa là của ai, và để cho ai? Văn hóa nào sẽ tạo nên động lực cho sự phát triển nếu nó không từ gốc rễ cộng đồng?

Cũng đã có người tranh luận rằng, bởi phát triển gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế, nên đầu tư vào công nghiệp văn hóa (như phim, ảnh, in ấn, băng đĩa) chính là một cách biến văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển. Nhưng nếu mục tiêu phát triển đạt được mà những chủ thể văn hóa trở nên bơ vơ, ngơ ngác trên chính không gian của họ, thì có lẽ, văn hóa cũng không còn tồn tại! Có lẽ đây chính là một nguyên nhân quan trọng của sự hỗn loạn xã hội, suy giảm đạo đức vì các giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa bị xói mòn khi văn hóa đã bị "bật gốc".

Theo  http://tuanvietnam.vietnamnet.vn


 
< Trước   Tiếp >
 
 
Múi giờ

Trang ảnh










 
 
Copyright © 2006 Ho Do Viet Nam. All rights reserved.
Đ/c :111 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nôi
Khu Đô Thị Tây Nam Linh Đàm
Hotline:091.8830808.
Website: www.hodovietnam.vn - Email: banlienlac@hodovietnam.vn