Thói hư tật xấu người Việt là do lỗi hệ thống?
- Bây giờ, câu chuyện là người Việt Nam chúng ta có một số thói hư tật
xấu như: dựa dẫm, lười biếng, dựa uy, sính ngoại, ham nhậu, khoe khoang,
dối trá, xả rác, ý thức công cộng kém, “ăn to, nói lớn”,… là chuyện gần
như ai cũng thừa nhận. Thậm chí một góc trời cao quí như ngành giáo dục
cũng bị một vị GS nổi tiếng cảnh báo là bị tha hóa.
Dù nghe rất đau đớn như cái tát vào mặt mình nhưng chúng ta không thể
bao biện hay chối bỏ. Là những người mong muốn dân tộc ta văn minh,
chúng ta cần đối diện sự thật này để tìm cách giải quyết.
Thử đi tìm nguyên nhân
Án Anh là một nhân vật lịch sử Trung Quốc cổ đại, sống và làm quan
hai triều vua Tề Trang công và Tề Cảnh công thời Xuân Thu. Ông có dáng
thấp nhỏ nhưng có trí tuệ thông minh và là một vị quan tài ba của nước
Tề. Ông có tài xử thế và ngoại giao rất tốt.
Khi Án Anh đi sứ nước Sở, Sở vương muốn làm mất mặt nước Tề nên đã bày nhiều trò để hạ nhục.
Sở vương đang tiếp Án Anh thì có mấy tên lính dắt một tù binh đi
ngang qua, Sở vương liền kêu lại hỏi người kia là người nước nào, bị tội
gì, thì một tên lính cho biết người này nguyên là người nước Tề, bị bắt
vì phạm tội ăn trộm ngựa. Sở vương cho lui rồi quay sang hỏi Án Anh:
Người nước Tề hay trộm cắp vậy sao?
Án Anh đáp: "Cây quít trồng ở phương bắc thường cho quả ngọt, trái
sai, nhưng khi đem trồng ở phương Nam thì quả đã chua, lại còn ít nữa.
Tại sao thế? Đó là do phong thổ vậy. Người nước Tề giữ đạo luân thường,
xưa nay vốn không trộm cắp, nhưng khi sang làm dân nước Sở lại sanh tật
xấu. Tại sao thế? Âu cũng là do phong thổ vậy".
Đây là một điển tích về một con người thông minh, ứng đáp nhanh nhẹn
trong xử thế. Tuy nhiên không chỉ ứng đáp nhanh mà cái lý ông đưa ra
cũng rất logic.
|
ảnh minh họa |
Tìm hiểu lịch sử các đất nước văn minh như Mỹ, Nhật, Đức, Singapore,…
không phải tự nhiên sinh ra là dân tộc họ văn minh lịch sự. Người Mỹ
cũng có tính xấu chà đạp người khác để hưởng lợi, cố giữ quyền lợi đến
mức phải đánh nhau to trong cuộc nội chiến mới giải quyết được, rồi nạn
phân biệt chủng tộc, người da trắng phân biệt đối xử với người da đen.
Không có chuyện tự nguyện nhường nhịn nhau, tôn trọng nhau mà phải làm
một cuộc cách mạng dân quyền, biểu tình rầm rộ, bạo động chết người,
quốc hội phải ra luật thì vấn đề mới được giải quyết.
Người Nhật cũng có tính tự tôn dân tộc quá mức đi đè đầu cưỡi cổ dân tộc
khác, bị thất bại ê chề rồi mới tỉnh ngộ, nhã nhặn, lịch sự. Người
Singapore trước, phần lớn người gốc Hoa với thói quen khạc nhổ, “phun
nước miếng như mưa”.
Không có một dân tộc nào tự nhiên mang trong mình thuộc tính xấu, hay sinh ra đã là dân tộc lịch sự văn minh.
Thiết chế xã hội ảnh hưởng lên con người rất lớn. Một đất nước mà liên
tục cải cách thiết chế xã hội để phát triển thì dân tộc đó tiến đến văn
minh, lịch sự.
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
Con người vừa là chủ thể xã hội, vừa chịu tác động của xã hội. Mác đã
đúc kết “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Xã hội là một hệ
thống to lớn mà mỗi cá nhân là một chi tiết nhỏ. Dù muốn, dù không anh
cũng phải phù hợp với hệ thống mới tồn tại được. Ở bầu thì tròn, ở ống
thì dài là vì vậy.
Giải pháp từ luật pháp
Tôi đồng ý với tác giả Bùi Chung là ở các nước văn minh họ không chỉ nêu
gương hay kêu gọi con người tự giác mà phải dùng luật pháp để chế tài.
Luật rất nghiêm, phạt nặng và nhanh chóng cho bất cứ ai phạm luật gây
ảnh hưởng đến cộng đồng. Qua Singapore mà vứt kẹo singum bừa bãi hay hút
thuốc không đúng nơi là bị phạt ngay cả tiền lẫn đánh đòn như trẻ con.
Nhưng nếu chúng ta cứ dùng luật pháp để siết, coi chừng lại sai. Chúng
ta cần quan tâm đến tính hệ thống của xã hội. Một xã hội vận hành trên
hệ thống sai thì nó sinh ra nhiều hệ quả xấu. Từ hệ quả này lại tác động
đến con người làm cho chúng ta phải “xấu” mới thích nghi được.
Tôi có thể lấy dữ liệu để chứng minh luận điểm này. Thời bao cấp hẳn
nhiều người còn nhớ. Chúng ta phải nuôi lợn trong chung cư để sống. GS
Văn Như Cương để lại câu nói nổi tiếng khi bị buộc tội nuôi lợn bất hợp
pháp là “lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương”. Rồi nạn buôn bán “lậu”, vận
chuyển hành hóa bất hợp pháp, đút lót cán bộ ở các trạm gác, tranh giành
nhau trong xếp hàng mua bán,... Nếu chúng ta cứ nhằm một mục tiêu là
dùng luật để siết để dẹp hết các “thói xấu” nhằm đưa xã hội vào trật tự
buôn bán trong các cửa hàng mậu dịch thì hẳn giờ này chúng ta phải sống
ngất ngư.
Nếu chịu khó chiêm nghiệm và suy luận logic, chúng ta thấy rằng rất
nhiều thói hư tật xấu của người Việt là hệ quả tất yếu của “lỗi hệ
thống”. Nhiều tín hiệu bất ổn cho ta thấy rằng chúng ta đang vận hành xã
hội trên một hệ thống sai. Trong hệ thống này buộc con người phải biến
đổi để thích nghi.
|
ảnh minh họa |
Lịch sử kinh tế chúng ta đi từ bao cấp sang quốc doanh chủ đạo, trong hệ
thống kinh tế này sản phẩm làm ra kém chất lượng. Những cục xà bông
chảy nước, những chiếc lốp xe mau bục,… là nỗi niềm ngao ngán của người
tiêu dùng, do vậy họ sính hàng ngoại có chất lượng tốt hơn là điều dễ
hiểu.
Nền kinh tế quốc doanh, nền chính trị thiếu cạnh tranh làm cho con người
tiến thân nhiều khi không phải vì tài năng mà vì biết cách làm đẹp lòng
cấp trên, tạo ấn tượng tốt. Chính điều này lại nảy sinh tệ nhậu nhẹt,
khoe đô cao, khả năng chơi tới bến.
Chính những tấm gương chơi tới bến này thành công, có doanh nghiệp
riêng, có nhà cao cửa rộng lại tạo hiệu ứng bắt chước của người đi sau.
Con đường làm theo người thành công đi trước luôn hiệu quả hơn là mở lối
đi riêng trong chông gai.
Vì không có cạnh tranh dẫn đến nhân viên công lực yếu kém. Hệ quả chúng
ta có một nền luật pháp không nghiêm, lừa đảo không bị trừng phạt nhanh
gọn nên tệ gian dối phát triển.
Chúng ta duy trì một hệ thống ngân hàng mà ngân hàng quốc doanh chiếm
chủ đạo, động lực cho vay nhiều khi không phải vì lợi nhuận, vì hiệu quả
dự án kinh doanh mà nhiều lúc đến từ mối quan hệ cấp trên giới thiệu
hoặc đến từ mệnh lệnh hành chính. Hệ thống đánh giá tín dụng không minh
bạch, không khoa học nên người ta cần phải có nhu cầu khoe giàu để dễ
vay mượn, dễ thu hút vốn làm ăn.
Tương tự như vậy chúng ta có thể rút ra được nhiều logic dẫn đến thói xấu buộc phải có để “tiến lên, giàu sang”.
Giải pháp mang tính hệ thống
Có hai con đường để thay đổi: từng chi tiết đồng loạt thay đổi dẫn đến
hệ thống thay đổi, hoặc hệ thống thay đổi dẫn đến các chi tiết phải thay
đổi. Phương án nào khả thi? Kinh nghiệm và lý luận cho thấy rằng thay
đổi hệ thống, thay đổi luật chơi để từng chi tiết phải thay đổi cho phù
hợp là khả thi hơn. Kinh nghiệm này được rút ra qua thời bao cấp. Chúng
ta không thể yêu cầu mọi người phải nhiệt tình, vui vẻ, lịch sự trong
mua bán để phục vụ xã hội cho tốt được, chúng ta thay đổi hệ thống bao
cấp, cửa hàng mậu dịch quốc doanh sang hệ thống thương mại tự do, cạnh
tranh, xây dựng thương hiệu. Cũng cô nhân viên mậu dịch đó nhưng nay lại
rất khác, đon đả mời khách, chăm sóc khách đến tận tay. Cô phải như vậy
mới bán được hàng, mới giữ được mối.
Lỗi hệ thống là một vấn đề lớn hiện nay dân tộc ta mắc phải. Sửa được
cái này thì mọi cái còn lại theo nhau tốt. Né tránh điều này đi sửa
những chi tiết vụn vặt thì tình hình ngày càng tồi tệ.
Hệ thống đúng là gì? Tôi xin đề xuất: nền kinh tế cạnh tranh sòng
phẳng, nền chính trị liêm chính và một nền luật pháp nghiêm minh.
Mong nhận được tranh luận từ phía quý độc giả. Tranh luận đưa
chúng ta gần đến giải pháp khoa học hơn. Tất cả vì mục tiêu duy nhất là
dân tộc phú cường, văn minh.
Nguyễn Văn Thạnh-vietnamnet.vn
|