Bill Clinton về hưu và “cái tội” của thần đồng Đỗ Nhật Nam
(GDVN) - Khi kết thúc hai nhiệm kỳ, 8 năm làm tổng thống siêu cường hùng mạnh nhất, Bill Clinton mới tròn 55 tuổi.
|
Đỗ Nhật Nam |
Bill về hưu ở cái độ tuổi còn khá trẻ và sung sức nhất, nhưng với hiến
pháp Mỹ, ông không thể tiếp tục làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, vì
người Mỹ sợ sự “già cỗi”, lối mòn trong tư duy của người đã đứng trên
đỉnh cao nhiều năm. Họ cần một tổng thống khác để “trẻ hóa” tư duy lãnh
đạo.
Ấy thế mà, có những nhà văn Việt Nam gần 50 tuổi, râu ria xồm xoàm, đã
phải ngửa mặt kêu trời vì trong bất cứ hội nghị, hội thảo nào ông cũng
được giới thiệu đầy âu yếm là “nhà văn trẻ”. Những đồng nghiệp sắp có
cháu nội, cháu ngoại của ông, cũng bị gọi là “nhà văn trẻ”, vì quá giận
dữ, đã đăng đàn trên báo chí phản đối kịch liệt cách gọi “coi thường”
này.
Không chỉ có văn chương, các nhạc sĩ, họa sĩ ngoài 40, các quan chức
ngoài 45 đắc cử hoặc được bổ nhiệm một vị trí lãnh đạo cấp sở trở lên,
đã được thiên hạ mặc nhiên coi là trẻ.
Khi các văn sĩ vẫn được gọi là trẻ sau tuổi 50, thì ở tuổi 11, Đỗ Nhật
Nam đã thành một nhà văn nhí viết tự truyện – thể loại thường được viết
khi người ta ta đã về hưu.
Khi các quan chức ngoài 40 đang loay hoay tìm lớp học bằng A ngoại ngữ
cho đủ tiêu chuẩn, thì 6 tuổi Nhật Nam đã nhận chứng chỉ Starter của ĐH
Cambridge về tiếng Anh với điểm số tuyệt đối và 7 tuổi trở thành dịch
giả.
Thế thì rõ ràng thần đồng 12 tuổi Đỗ Nhật Nam đã chính thức “mắc tội già sớm”.
Mắc bệnh “lão hóa sớm” trong y học thì còn đáng thương, chứ “già sớm
trong tư duy và phong cách” thì với nhiều người khác, chính là điều
đáng… giận. “Con nít” mà lại bàn những chuyện của người lớn, lại khiến
người lớn kinh ngạc về sự thông tuệ thì…không ổn rồi, giống như Nam Cao
bảo: Trẻ con không được ăn thịt chó!
Trong khi cậu bé “mắc bệnh già” thì trái lại, nhiều vị nhà ta, càng gần
đến tuổi nghỉ hưu thì lại càng “hồn nhiên như trẻ nhỏ” khi có những phát
ngôn đến con nít còn buồn cười: Coi thường dân, xúc phạm nhà báo, xúc
phạm đồng nhiệm đại biểu quốc hội…
Khi đấu tranh kịch liệt để kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm, có vị gần
60 tuổi tuyên bố: Bây giờ tôi mình mới bước vào thời kỳ sung sức, thời
kỳ “chín” nhất, có thể cống hiến được nhiều nhất. Luận điểm này được
“đầy tớ” sửa vài từ cho chính xác: “bây giờ mới bước vào thời kỳ thu vén
nhiều nhất”.
Có chủ tịch một Tập đoàn nhà nước chỉ chịu rời ghế khi đã ở tuổi ngoài
70. Một số vị khác tìm mọi cách kéo dài cương vị vì cho rằng đội ngũ kế
cận trẻ người, non dạ, thiếu kinh nghiệm và năng lực. Họ quên rằng, đội
ngũ kế cận ấy chính là do họ bồi dưỡng, cất nhắc.
Cách đây vài năm, cuộc thanh tra do Bộ Nội vụ tiến hành đã phát hiện
những kỷ lục về vấn đề kéo dài thời gian công tác và thực hiện chế độ
nghỉ hưu tại Bộ GD-ĐT.
Trong tổng số 1.742 trường hợp đã được ngành GD-ĐT giải quyết chế độ
nghỉ hưu, số nghỉ hưu khi đã quá tuổi quy định chiếm tới 41%. Có nhiều
vị giữ ghế đến gần 70 tuổi mới chịu bàn giao cho “lớp trẻ kế cận”. Có
những vị, nghỉ hưu được vài tháng đã sang thế giới bên kia.
Giáo dục là ngành đào tạo ra những thần đồng còn “thích trẻ hóa” đến như
vậy, thì việc những thần đồng trưởng thành sớm hơn tuổi, lại trở thành
chuyện khó có thể chấp nhận được.
Khi trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times, Thủ tướng Singapore Lý Hiển
Long khẳng định: “Tôi không muốn trở thành vị thủ tướng trong suốt 20
năm. Nếu như vậy sẽ là sai lầm nghiêm trọng…Không, 70 tuổi là quá già.
Người dân Singapore cần một thủ tướng trẻ hơn, dồi dào năng lực, tài
năng, một lòng một dạ với lớp trẻ và nhiều thế hệ tiếp theo”.
Chỉ khi các nhà quản lý sớm thấy được mình đã quá già, sẵn sàng rời ghế
như Lý Hiển Long, thì những thần đồng như Đỗ Nhật Nam mới không bị ném
đá vì trưởng thành trước tuổi và mới có cơ hội đưa vào đội ngũ kế cận.
Nhưng, ngoài chuyện già hay không già, sự kiện về thần đồng Đỗ Nhật Nam còn đặt ra một câu hỏi khác khá thú vị.
Trong phát biểu gây tranh cãi của mình, “trẻ con” Đỗ Nhật Nam dám khẳng
định: “Mẹ em bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu có vị quan nào dám dạy con ngay từ tấm bé:
“Phong bì, chạy chức chạy quyền, ngang ngược, lộng hành cậy thế…là con
sâu đục khoét tâm hồn” không nhỉ?
Báo Giáo dụcViệt Nam
|