(Dân trí) - “Cần nhìn thẳng, thực tế, hiện tượng mại dâm liên quan đến
nhu cầu có thực của con người. Xử phạt nặng người mua dâm có cái lý
nhưng cũng cần xem xét thêm trên các yếu tố như về mức chênh lớn đặt ra
trong dự thảo nghị định”…
>> Mua dâm phạt 10 triệu, bán dâm phạt... 1 triệu
>> Đặt mại dâm lên bàn nghị sự
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật
tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy;
phòng, chống bạo lực gia đìnhdo Bộ Công an xây dựng, được đưa ra lấy ý
kiến gần đây có nhiều nội dung đang gây tranh luận nhưng việc nâng mức
phạt tiền với người mua dâm lên tối đa 10 triệu đồng so với mức phạt
tiền cao nhất 1 triệu đồng dành cho người bán dâm. Có thể lập luận, lý
giải thế nào về việc này?
Quan điểm nâng mức phạt đối với người mua dâm, trong nhiều trường hợp
cao gấp 10 lần so với người bán dâm tôi thấy cũng có nhiều người ủng
hộ, vì nhiều lý do.
Trước hết, những người mua dâm người ít ra phải có tiền, thậm chí
nhiều người giàu có. Đặc điểm này khác với người bán dâm, nhiều người
buộc phải làm “nghề” này do hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, éo le. Họ vẫn
thường được xếp vào nhóm yếu thế trong xã hội. Vậy nên xu hướng xử phạt
nặng người mua dâm so với người bán dâm dễ khả thi.
Thứ 2, trên thực tế, người mua dâm chủ yếu là nam giới (tất nhiên
hiện nay đã xuất hiện những hiện tượng người mua dâm là nữ, nhưng về cơ
bản vẫn là nam giới). Quan niệm xã hội cũng thường cho rằng phụ nữ là
những người nhạy cảm hơn, yếu thế hơn nên việc xử nhẹ hơn người bán dâm
so với mua dâm nhận được ý kiến ủng hộ.
Tuy nhiên cũng có quan điểm phản đối vì cho rằng, xét trong một
quan hệ mua bán, đáng ra người bán phải chịu trách nhiệm lớn hơn, trực
tiếp hơn người mua. Sau nữa, nhiều người lập luận ngược lại, trên quan
điểm bình đẳng giới thì nam cũng như nữ, không đặt vấn đề số người mua
dâm đa số là nam hay số người bán dâm nữ là chủ yếu. Đã là vi phạm thì
đều bình đẳng trước pháp luật.
Phó
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng: "Cần nhìn thẳng thực tế,
mại dâm liên quan đến nhu cầu có thật của con người, không kể
giàu nghèo".
Còn quan điểm của cá nhân ông với tư cách Phó Chủ nhiệm UB Các vấn
đề xã hội, được giao theo dõi mảng nội dung phòng chống tệ nạn xã hội?
Với góc độ là một người được phân công theo dõi lĩnh vực này, tôi cho
rằng quan điểm xử phạt nặng người mua dâm có cái lý của nó. Tuy nhiên
cũng cần xem xét thêm trên các yếu tố như mức chênh nhau là bao nhiêu.
Cần nhìn thẳng, thực tế, việc này liên quan đến nhu cầu có thực của con
người mà không loại trừ những người nghèo trong số đó.
Hiện cả nước có hàng chục vạn thanh niên trong độ tuổi “bức xúc” đang
làm việc trong các khu công nghiệp, khu lao động tập trung, xa nhà hàng
trăm cây số. Họ không phải là người giàu có gì và có thể cũng phải đi
mua dâm vì nhu cầu là thực tế. Cần tính đến yếu tố đó để xét lại mức
phạt chênh lệch lớn như nghị định đưa ra.
Chính từ góc độ nhìn nhận vấn đề như vậy mà nhiều người cho rằng
quan điểm tăng mức phạt để chặn mại dâm mà cơ quan soạn thảo Nghị định
đưa ra chưa ổn trong khi xu hướng hiện nay, xã hội đang đặt vấn đề hợp
pháp hóa mại dâm để quản lý và hạn chế những tác hại không mong muốn?
Việc này chắc cũng còn phải nghiên cứu thêm mới có thể quyết định
được. Còn hiện tại, các nội dung, vấn đề liên quan đều do luật điều
chỉnh. Theo tôi, hiện quan điểm tranh luận có những hướng khác nhau, đối
lập nhưng cũng có những điểm chung. Xu hướng đề xuất hợp pháp hóa mại
dâm hay là xu hướng chống, coi đó là tệ nạn xã hội cần đấu tranh dẹp bỏ
thì vẫn có những điểm chung mà chính sách cần phải hướng vào đó để cụ
thể hóa.
Thứ nhất, về yêu cầu bảo vệ sức khỏe của cộng đồng thì cả trường phái
phản đối và đề xuất hợp pháp hóa đều công nhận. Thứ 2, phải bảo vệ được
những giá trị truyền thống của xã hội, của dân tộc. Có thể cân nhắc duy
trì mại dâm ở mức độ nào đó nhưng không thể để nó trở thành một xu
hướng quá phổ biến, bị biến tướng đi, ảnh hưởng đến những thuần phong mĩ
tục, đến những giá trị truyền thống của dân tộc.
Điểm chung thứ 3 là cần chống hành vi bóc lột, bảo kê, chăn dắt trong hoạt động mại dâm cũng như nạn ăn chặn.
Giờ khi chúng ta cũng chưa thể khẳng định được việc có hợp pháp hóa
hay không thì vấn đề xây dựng chính sách vẫn phải hướng đến những điểm
chung này để điều chỉnh.
Có ý kiến cũng nghi ngờ tác dụng ngăn chặn hành vi của mức phạt
cao hơn vì khi có nhu cầu thì có phạt cao hơn người ta vẫn làm. Mặt
khác, càng cao càng dễ có xu hướng diễn biến phức tạp như làm tăng hoạt
động bảo kê, hối lộ, mua chuộc khi bị phát hiện, xử phạt?
Khi xây dựng một luật hay nghị định đều phải có khâu đánh giá tác
động cụ thể. Trong trường hợp nghị định này, tôi chưa có dịp được tiếp
cận đầy đủ với hồ sơ bên Chính phủ chuẩn bị (cụ thể là báo cáo đánh giá
tác động) nhưng tôi thấy xu hướng tăng mức phạt đối với người mua dâm ở
góc độ chung, sẽ góp phần phòng chống mại dâm. Còn trong những trường
hợp cụ thể nó có thể bị biến tướng, bị lợi dụng thì đó là thuộc trách
nhiệm của nhà nước trong thanh tra kiểm tra, trong xử lý để hạn chế
những biểu hiện đó.
Hướng suy nghĩ khác, tôi cũng thấy cần xem lại dự thảo nghị định này
một cách tổng thể hơn, làm sao cho hợp lý. Ví dụ, trong dự thảo, có nội
dung quy định xử lý hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động mại
dâm ở cơ sở kinh doanh do mình quản lý với mức phạt rất nặng (đến 30
triệu đồng) nhưng xử lý hành vi chủ động lợi dụng mại dâm và các hoạt
động tình dục khác để đưa vào như một phương thức kinh doanh lại xử lý
nhẹ hơn. Một đằng thiếu trách nhiệm lại xử nặng hơn dạng lỗi có ý thức,
chủ động tổ chức thì rõ ràng không hợp lý.
Như vậy đi vào chi tiết, chắc nghị định cũng còn phải tiếp tục lấy ý
kiến để có những sửa đổi phù hợp hơn, cho đúng với tinh thần luật xử lý
vi phạm hành chính đã được ban hành.
Theo quy trình, dự thảo nghị định này có cần ý kiến của UB Các vấn
đề xã hội như một yêu cầu . Nếu có, nghị định có khả năng “qua cửa”…
một cách xuôi chèo mát mái?
Thường khi xây dựng một dự thảo luật thì đã phải kèm theo các nghị
định. Tuy nhiên, luật xử lý vi phạm hành chính lại chưa có đầy đủ các
nghị định hướng dẫn mà giờ mới tiếp tục bổ sung. Theo quy trình, đến
giai đoạn này thì các cơ quan của Quốc hội không có trách nhiệm thẩm tra
nghị định nữa mà trong trường hợp cụ thể thì chỉ phối hợp cho ý kiến
thôi.
Vậy nên, về mặt chính thức, tôi chưa nhận được các văn bản, hồ sơ
liên quan dự thảo nhưng với góc độ cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội,
chúng tôi sẽ có ý kiến đối với cơ quan soạn thảo để đóng góp vào việc
xây dựng các nghị định này cho thực tế, khả thi hơn.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)
|