Giật mình chuyện vua Hùng thọ gần 700 tuổi
Xã hội càng văn minh, tuổi thọ càng cao. Minh chứng rõ nhất ở là các
quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Bỉ… Ấy thế mà thời thượng cổ chúng
ta, có những bậc quân vương “siêu thọ” tới gần 700 tuổi. Câu chuyện
đáng để giật mình này xảy ra ở khu du lịch Đồng Xanh, tỉnh Gia Lai.
Có vị vua thọ đến gần 700 tuổi với 60 bà vợ.
Nhầm lẫn chết người
Khu du lịch Đồng Xanh
trực thuộc Công ty cổ phần du lịch văn hóa Gia Lai. Đây được xem là một
địa điểm du lịch khá thu hút của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, nhiều du khách
đến đây khá ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh các vua Hùng với những
thông tin cực kỳ khó hiểu.
Các
tài liệu về thời kỳ Hùng Vương có nhiều dị bản khác nhau. Có tài liệu
cho rằng có 18 vị vua Hùng, có tài liệu ghi có 18 đời vua Hùng với nhiều
vị vua khác nhau.
|
Trong khu du lịch nói
trên có một đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Trong đền có 1 bức tượng Hùng
Vương cao 6m bằng gỗ, phía ngoài là 18 bức tượng vua Hùng khác được bố
trí thành 2 hàng. Điều đáng nói, dưới chân 18 bức tượng phía ngoài đều
được gắn các biển đề rõ tên và số vợ, số con, số thời gian trị vì và số…
tuổi thọ của các vị vua. Hầu như vị vua nào cũng có tới hàng chục bà
vợ, hàng trăm người con và đặc biệt là có số năm trị vì hàng trăm năm và
tuổi thọ thì từ trên 100 năm đến gần 700 năm.
Bên cạnh các tấm biển
nói trên, khu du lịch này cũng “cẩn thận” kèm thêm một tấm biển ghi chú
khác đề rõ: “Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, số con, cháu của 18
vị vua Hùng được trích từ nguồn tài liệu “Giới thiệu Khu di tích lịch
sử Đền Hùng” – tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn – Sở
VHTT & DL Phú Thọ xuất bản năm 2006”.
Nhiều ý kiến cho rằng,
việc đưa ra các thông tin nói trên về các vị vua Hùng là không phù hợp.
Sự không phù hợp trước hết nằm ở yếu tố khoa học. Chưa có tài liệu nào
trên thế giới cho thấy tuổi thọ của con người có thể lên tới mấy trăm
tuổi như trên. Điều này sẽ khiến cho giới trẻ và các thế hệ con cháu sẽ
thêm khó hiểu về kiến thức của thế hệ chúng ta?!
Không chỉ vậy, với số
lượng 19 vị vua Hùng cũng sẽ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi là vị vua
thứ 19 sẽ là ai, có vai trò thế nào? Bởi hầu hết ý kiến đều cho rằng,
các câu chuyện, số liệu về vua Hùng đều là dã sử, truyền thuyết. Con số
18 chỉ là mang tính ước lệ và có nhiều khả năng là 18 đời vua Hùng với
nhiều vị vua trị vì. Khu du lịch nói trên đã không phân biệt được giữa
các thông tin chính thống trong chính sử và truyền thuyết nên mới đưa ra
những thông tin buồn cười như trên.
Trong cuốn “Việt Nam sử
lược”, nhà sử học Trần Trọng Kim cũng viết: “…Cứ tính hơn bù kém, mỗi
ông vua trị vì được non 150 năm. Dẫu là người đời thượng cổ nữa thì cũng
khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy”.
Còn bản “Thần tích Vi
Cương” (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua với những thông tin liên
quan, theo đó 18 chi vua Hùng có tất cả 180 đời vua nối nhau trị vì:
“Tính trong 18 chi đời vua Hùng truyền ngôi đại bảo cho 180 đời đế
vương, sơn hà quy về một mối, kiến lập được 122 thành, điện. Tổng cộng
các năm của 18 đời Thánh vương di truyền ngôi cho các triều thánh tử
thần tôn là 2.622 năm, thọ 8.678 tuổi, sinh được 986 chi, các hoàng tử
công chúa sinh được 14.378 cháu chắt miêu duệ, cai trị khắp đầu non góc
biển trong nước, vạn cổ trường tồn, mãi mãi không bao giờ dứt”.
Khu tưởng niệm vua Hùng của Khu du lịch Đồng Xanh. Ảnh: P.H
Bị nhắc, vẫn liều!
PV Báo GĐ&XH đã
trao đổi với ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VHTT & DL Gia Lai về vấn
đề nói trên. Ông Vũ cho biết công viên Đồng Xanh là của một doanh nghiệp
tư nhân và Sở VHTT & DL cũng đã có những định hướng về việc trưng
bày một số hiện vật trong khu du lịch này. Theo ông Vũ, Sở cũng từng
nhắc nhở khu du lịch Đồng Xanh bỏ một hạng mục phản cảm và được khu du
lịch này thực hiện. Sở VHTT & DL cũng đã nhận được một số ý kiến về
các tấm biển ghi tuổi thọ, số vợ, con… của từng vị vua Hùng ở khu du
lịch Đồng Xanh. Ông Vũ cho biết đã từng xuống khu du lịch này để nhắc
nhở về thông tin này. Ông cho rằng, các thông tin nói trên về các vị vua
Hùng nên có chú thích rõ ràng là dã sử của 18 đời vua. Ông Vũ cho biết
sẽ tiếp tục nhắc nhở doanh nghiệp này để có sự thay đổi!
Tiến sỹ sử học Lê Đình
Phụng – Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã có những nhận xét rất xác đáng
về sự việc: “Tôi nghĩ đây là một công trình của tư nhân mà tài sản là
do tư nhân sở hữu. Họ hiểu văn hóa như vậy nên mới có những sản phẩm như
thế. Còn về lịch sử văn hóa dân tộc phải có sự thống nhất và phải được
thẩm định. Những thông tin chưa có bằng chứng khoa học xác đáng thì chưa
nên đưa ra để tuyên truyền như vậy”.
Theo Hoàng Phương
Gia đình & Xã hội
|