|
Ảnh minh họa.
|
Rằm tháng bảy, nhân gian Việt Nam vẫn thường gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày Rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa:
Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ:
Ngày Rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất
chúng đệ tử của Phật, chúng tỷ-kheo là chúng đệ tử gần gũi nhất, thừa
đương phật pháp để truyền bá giáo hóa chúng sanh, mang hình dáng của
Phật làm gương mẫu ở thế gian; ba tháng an cư kiết hạ của chư tăng kết
thúc vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch. Thông thường, khi chư tăng thọ giới
pháp xong là tu niệm, nhưng vì phật sự đa đoan nên sự tu niệm ấy không
được chuyên cần bằng ba tháng an cư.
Theo luật Phật chế, trong ba tháng an cư, chúng tỷ-kheo phải cấm
túc ở yên, hạn chế tối đa sự đi lại. Một là vì phong thổ Ấn Độ lúc bấy
giờ mùa hạ là mùa mưa, , có các loài côn trùng sinh sản ra rất nhiều, mà
chúng tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp lên nhiều loại côn trùng, làm tổn
thương đến lòng từ bi tế vật.
Thứ hai là, chúng tăng đi khất thực thì y, áo, bình bát bị thấm ướt, mất trang nghiêm, thế gian có phần chê trách.
Thứ ba, đức Phật dạy chúng Tỷ-kheo trong ba tháng mùa mưa, phải cấm
túc an cư hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm, củng cố
sự sống chung, thanh tịnh, hòa hợp, cảnh tỉnh thân tâm để tinh tấn trên
con đường đạo hạnh. Cho nên, một khi đệ tử của Phật tu hành trong ba
tháng viên mãn, thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư, đức Phật vui mừng
lắm, cho nên ngày kết thúc này được gọi là ngày Phật vui mừng.
Thứ hai, ngày Tăng tự tứ:
Ngày Tự tứ là ngày chúng tăng sau ba tháng an cư tu tập, nghĩ rằng:
“Tuy mình đã gắng tu như thế, nhưng không chắc đã tránh hết lỗi lầm,
nên khi tròn ba tháng (Rằm tháng Bảy), cùng nhau tập trung lại, cầu mong
những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho. Nếu mình tự
thấy mắc phải lỗi lầm đó phải phát lộ sám hối”. Đó là một việc hết sức
đặc biệt trong ngày tự tứ.
Thông thường, mỗi khi một người có lỗi lầm là tìm cách né tránh,
tìm cách che dấu kẻo sợ người khác biết thì xấu hổ, hoặc sợ nếu họ biết
lỗi của mình thì lần sau mình không làm lại được nữa, cho nên thường
thường là che dấu, không được bộc lộ; trừ khi có ai hỏi đến, kẹt lắm mới
nói tới có phạm, có vấp lỗi nọ lỗi kia; hoặc giả, có phát lộ sám hối
chăng thì cũng phát lộ âm thầm trước ngôi Tam Bảo, chớ ít khi công khai
nhờ người khác chỉ lỗi cho mình ra giữa đại chúng.
Nhưng theo đạo Phật, ba tháng hạ an cư xong, đức Phật dạy hàng Tỷ
kheo phải cầu người khác chỉ lỗi cho mình, nghĩa là không phải để người
khác chỉ mà phải tự mình phải cầu người khác tự do chỉ cho, mình phải
đối trước họ mà thưa: “Thưa Đại đức, ngày nay chúng Tăng tự tứ, tôi cũng
tự tứ.
Tôi có điều gì sai phạm mà Đại đức thấy, nghe, hoặc nghi,xin Đại
đức thương xót chỉ cho, nếu tôi thấy có phạm thì xin như pháp sám hối.
Tôi không phàn nàn, không thắc mắc, và tôi không có oán trách chi Đại
đức hết!”.
Đó chính là ý nghĩa mà mình phát tâm cầu mong được thanh tịnh, chứ
không chút nào che dấu, thành tâm cầu xin người khác tự do nói lỗi cho
mình, không e dè chi hết, nếu thấy có lỗi thì cứ chỉ cho. Đó là một thái
độ rất cao thượng, cởi mở để làm cho mình sạch tội lỗi. Vì vậy, ngày đó
gọi là ngày Tăng tự tứ. Tự tứ nghĩa là cầu người khác chỉ lỗi của mình
ra, để cho mình biết mà sám hối.
Thứ ba, ngày Tăng thọ tuế:
Thọ tuế nghĩa là nhận được tuổi. Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh con ra đủ một năm (mười hai tháng) thì gọi là tròn một tuổi.
Nhưng theo luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật,
không tính tuổi theo năm, tháng kiểu thế gian trên, mà tính tuổi theo hạ
lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiêt hạ được trọn vẹn thì được tính một
tuổi.
Thí dụ: Vị nào an cư kiết hạ từ 15.4 đến 15.7 Âm lịch là mãn hạ,
như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ. Ai đã thọ cụ túc giới
nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai kiết hạ an cư liên tục
thì được tính nhiều tuổi hạ. Như chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc
tiểu sử của một vị tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ
lạp.
Thí dụ vị đó 80 tuổi đời và 60 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi cha
mẹ sinh là 80 năm, còn tuổi đạo là 60 hạ lạp. Hạ lạp được tính vào ngày
Rằm tự tứ sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ.
Thứ tư, ngày Xá tội vong nhân:
Vu-lan là ngày cầu siêu độ cho tiền nhân quá cố của người con Phật.
Tích Vu-lan bắt nguồn từ việc báo hiếu của tôn giả Mục-kiền-liên. Tích
này được chép trong kinh Vu-lan-bồn. Chữ Vu-lan phiên âm từ chữ Sanskrit
(Phạn) là Ullambana. Người Trung Hoa dịch là Vu-lan-bồn và có nghĩa là
giải đảo huyền, giải cái tội bị treo ngược. Câu trên ý nói rằng, những
người nào tạo tội ác thì sẽ bị đọa vào nơi cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc
sanh, chịu sự thống khổ cùng cực giống như người bị treo ngược. Nghĩ đến
công ơn cha mẹ, khi ngày Vu-lan đến, phật tử thường đem tâm chí thành,
chí hiếu sắm sửa vật dụng cúng dường Tam bảo để cầu nguyện cùng với chư
tăng sau ba tháng an cư chú nguyện cho tiền nhân, tiên vong của mình
thoát khỏi cảnh khổ đau cùng cực y như giải tội bị treo ngược.
Như vậy, ngày Vu-lan là ngày mà phật tử chúng ta đền ơn đáp nghĩa
bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư tăng sau ba tháng an cư thanh tịnh, chú
nguyện cho vong nhân của mình đang đọa đày trong cảnh tối tăm như cõi
địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh được giải thoát khỏi đau khổ, đồng thời
cầu nguyện cho tất cả tiền nhân của người khác cũng thoát khỏi tội khổ
đau cùng cực như tôn giả Mục-kiền-liên đã làm khi cứu mẹ.
Như vậy, ở đây chúng ta báo hiếu cha mẹ bằng cách biết công ơn cha
mẹ sâu dày như non cao bể cả, mà tiền nhân của chúng ta đã nhắc tới:
“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông,
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”.
Tiền nhân chúng ta nói thiết tha lắm; “Cù lao chín chữ ghi lòng con
ơi”, cốt ghi chín chữ cù lao là chúng ta có hiếu rồi. Nhưng báo hiếu
cha mẹ bằng hình thức chưa đủ, mà còn phải báo hiếu bằng tinh thần.
Trong kinh, đức Phật dạy rằng: Cha mẹ chưa an trú trong chánh pháp
thì làm sao giúp đỡ, dắt dẫn cha mẹ an trú trong Chánh pháp; cha mẹ chưa
an trú trong điều Lành thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều Lành;
cha mẹ chưa quy y Tam Bảo, thì nên đưa cha mẹ an trú trong quy y Tam
Bảo.
Như vậy, cha mẹ không những hưởng được những phúc lạc vật chất bên
ngoài mà còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền
trược, xa lánh được thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sanh tử mà
đức Phật đã nhắc nhở. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của
người con mới thành tựu. Nên cổ đức có câu: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu
đạo phương thành tựu”. (Cha mẹ được giải thoát, lìa khỏi trần ai thì
người con mới tròn hiếu đạo).
Là người phật tử, hãy ghi nhớ lời Phật dạy như vậy để hàng ngày tu
niệm, hàng ngày hồi hướng công đức về cho tiên nhân của mình; nhất là
trong ngày lễ Vu-lan, thành tâm chí kính, niệm Phật, tụng kinh, lạy
Phât, cúng dường Tam bảo, cúng dường chư Tăng tự tứ, để cầu mong sự chú
nguyện của chư Tăng cho tiên vong của mình thoát khỏi u đồ mà siêu sanh
lạc quốc. Đó mới tạm gọi là con hiếu, là người phật tử thuần thành trong
mùa báo hiếu vây.
Hòa thượng Thích Thiện Siêu