Áo dài- từ “biểu tượng văn hóa” đến… “thảm họa văn hóa” (I)
(Dân trí)- Trải qua những biến thiên, thăng trầm, trải qua nhiều
cuộc cách tân, cải tổ gây tranh cãi, cho đến tận bây giờ, áo dài vẫn là
niềm cảm hứng vô tận với các nhà thiết kế. Những cuộc tranh cãi ồn ào
quanh tà áo dài vì thế cũng chưa bao giờ dừng lại.
Hành trình của một “biểu tượng văn hóa”
Chưa có văn bản chính thức nào công nhận áo dài là quốc phục của Việt
Nam nhưng từ lâu, áo dài đã được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ
Việt.
Cùng với những biến cố lịch sử thăng trầm từ thế kỉ 16, áo dài đã
có cả cuộc hành trình riêng bên cạnh đời sống văn hóa biến thiên của
người Việt. Áo dài đi vào thơ ca, nhạc họa. Áo dài đi vào đời sống với
vẻ đẹp riêng. Áo dài đi vào những câu chuyện thời trang của từng thời
đại. Với cả hành trình quá khứ, hiện tại, tương lai chứa đựng trong tà
áo dài suốt nhiều thế kỷ, áo dài đã trở thành một biểu tượng văn hóa của
người Việt.
Các nguyên thủ quốc gia diện áo dài Việt Nam tại hội nghị APEC năm 2006
Cùng với hành trình trở thành biểu tượng văn hóa, áo dài cũng đi qua
những cuộc cách tân ồn ào để trở thành tà áo “vừa truyền thống, vừa hiện
đại” ở nhiều thế kỷ.
Năm 1930, họa sỹ Cát Tường từng thực hiện cuộc cải cách quan trọng
với chiếc áo dài. Thời điểm ấy, vạt trước của chiếc áo được may dài chấm
đất đồng thời thân trên may ôm sát theo đường cong cơ thể người mặc tạo
vẻ yêu kiều, gợi cảm. Tuy nhiên, áo dài của họa sỹ Cát Tường đã bị chỉ
trích là “lai căng” thái quá với phần tay bồng, cổ hở. Chiếc áo dài của
họa sỹ Cát Tường với lối tân thời mới đã không nhận được thiện cảm trong
những tác phẩm như Số đỏ của Vũ Trọng Phụng thời kỳ này.
Năm 1934, họa sỹ Lê Phổ cũng “vào cuộc” trong quá trình cách tân áo
dài. Với Lê Phổ, ông bỏ bớt những nét lai căng trong áo dài của Cát
Tường. Lê Phổ đưa các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào tạo ra
kiểu áo dài cổ kín, ôm sát thân người, với những tà áo bay bổng. Kiểu áo
dài này đã nhận được sự yêu mến đặc biệt thời ấy, và từ đây, chiếc áo
dài của họa sỹ Lê Phổ được xem là kiểu dáng chuẩn mực cho áo dài.
Trải
qua nhiều thế kỷ, áo dài đã đi qua những cuộc "cải cách" ồn ào. Cho đến
tận bây giờ, áo dài vẫn là niềm cảm hứng vô tận của các nhà thiết kế.
Hay cuối những năm 1950, bà Trần Lệ Xuân đã thiết kế
ra kiểu áo dài riêng, ở đó, bà Trần Lệ Xuân bỏ đi phần cổ cao quen thuộc
và thay vào đó là kiểu cổ thuyền, cổ hở. Kiểu áo dài này vẫn được gọi
là áo dài Trần Lệ Xuân. Tuy được những người phương Tây khen đẹp, quyến
rũ, nhưng kiểu áo dài Trần Lệ Xuân lại khiến những người Việt Nam hoài
cổ lên án cho rằng nó lai căng, không hợp với thuần phong mỹ tục của
người Việt.
Trải qua những biến thiên, thăng trầm, trải qua nhiều cuộc cách tân,
cải tổ gây tranh cãi, cho đến tận bây giờ, áo dài vẫn là niềm cảm hứng
vô tận với các nhà thiết kế. Những cuộc tranh cãi ồn ào quanh tà áo dài
vì thế cũng chưa bao giờ dừng lại.
“Áo dài là vật thể có linh hồn”
Đầu thế kỷ 21, nhiều nhà thiết kế đương đại vẫn tiếp tục cuộc “chạy
đua” với cải cách, cách tân áo dài. Ý tưởng ngày càng nhiều hơn. Sự táo
bạo được nhân lên với những đường cắt, xẻ tân tiến. Không chỉ đổi mới
về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, áo dài còn “đột phá” với những cách
kết hợp trang phục như áo dài mặc với quần Jean, thậm chí có nghệ sỹ
từng kết hợp áo dài và… “quần soóc”.
Những cách tân "vô độ" với áo dài ở thế kỷ 21
Những cách tân “vô độ” với áo dài nhiều năm trở lại đây đã biến “biểu
tượng văn hóa” trở thành… “thảm họa văn hóa” khiến công chúng phẫn nộ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí quanh việc cách tân áo dài, giới
hạn cách tân đến đâu với trang phục truyền thống, NTK Minh Hạnh cho
biết, “Áo dài là một vật thể có linh hồn. Ở trên mỗi tà áo chứa đựng
tinh thần dân tộc, truyền thống văn hóa đúc kết hàng trăm năm, bởi thế,
các nhà thiết kế đừng mượn danh “cách tân” để biến biểu tượng văn hóa
trở thành thảm họa văn hóa”.
"Áo dài là vật thể có linh hồn. Không thể mượn danh "cách tân" để biến áo dài thành thảm họa văn hóa"- NTK Minh Hạnh khẳng định.
Theo NTK Minh Hạnh để cách tân áo dài, “nhà thiết kế chỉ có tình
yêu với áo dài thôi cũng chưa đủ” và “Phải cần có nhiều hơn tình yêu để
nhà thiết kế bước vào cuộc cải cách với áo dài. Đó sẽ là bản lĩnh nghề
nghiệp. Đó là sự hiểu biết, là nền tảng văn hóa cần thiết. Và trên tất
cả, nhà thiết kế phải biết đặt tinh thần dân tộc lên cao nhất để chiếc
áo dài luôn là vật thể có linh hồn”.
Cùng với những ý kiến về hình ảnh áo dài, NTK Minh Hạnh còn đưa ra
nhiều phân tích để cho thấy, nguyên nhân sâu xa của những cách tân đã
đẩy áo dài trở thành… “thảm họa”.
(Còn nữa)
H.H
|