Thực
tế, sự sáng tạo luôn luôn đòi hỏi tính mới. Muốn sáng tạo một điều gì
mới lại cần có một nền tảng hiểu biết chắc chắn về những điều cũ. Những
người làm khoa học nghiêm túc hẳn sẽ rất dị ứng với những cụm từ “đi tắt
đón đầu”, “đứng trên vai những người khổng lồ” rất được một số lãnh đạo
hay một số “nhà khoa học VN” ưa dùng khi vạch chiến lược phát triển
khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Những
chiến lược mơ hồ theo định hướng lạc quan này khiến cho những người
nghe hồ hởi, nhưng thực tế chẳng hề đem lại hiệu quả cụ thể nào đáng kể.
GS Hoàng Tụy cho rằng: “Chúng ta đứng ở thứ hạng rất thấp trong
bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu, báo động đỏ là đúng, không oan. Thực ra
chẳng cần phải nghiên cứu kỹ, ai cũng thấy rõ điều này ít nhất từ 20 năm
nay rồi”.
GS
Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia) từng thống kê,
trong thời gian 1998-2008, VN chỉ công bố được 5070 bài báo khoa học
trên các tập san KH quốc tế, bằng 2% của Úc (238,076), 10% so với
Singapore (51762), 22% so với Thái lan, và 34% so với Malaysia (14731).
Ông
cho biết “Trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng
kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 02 bằng sáng chế.
Có năm chẳng có bằng nào.
Trong cùng thời gian, Thái Lan đăng kí được 310 bằng sáng chế, Singapore 3644, cao hơn Việt Nam đến 192 lần!
Những
con số này thực sự chỉ ra sự hạn chế của sáng tạo Việt. Rất nhiều các
nghiên cứu hiện tại trong nước, kể cả cấp độ Nhà nước, chỉ là các công
trình nghiên cứu theo kiểu tổng kết, hay lặp lại (me too), chứ không có
đóng góp cho khoa học.
Không
thể cãi một cách rất thiếu nghiêm túc rằng chúng ta có nhiều sáng tạo,
nhưng chẳng qua chưa phổ biến cho thế giới biết đấy thôi. Cách đây vài
năm, khi GS Nguyễn Thiện Nhân còn là Bộ trưởng GD và ĐT đã kể câu chuyện
như đùa về một giảng viên ĐH vui mừng khi bài báo của mình được đăng
tạp chí quốc tế thì hiệu trưởng trường đó lại nói “Trình độ cậu đó đâu có ra gì. Không đăng được tạp chí trong nước mới phải đăng ở nước ngoài đấy chứ”.
Giới hạn của sáng tạo
Cuối cùng, tôi muốn bàn về giới hạn của sáng tạo.
Chuyện
bắt đầu ở Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế Hà Nội, diễn
ra năm ngoái tại Bệnh viện 103. Tại đây, phần được theo dõi nhiều nhất
trong hội thao luôn là màn thao diễn những đề tài, kỹ thuật mới, và hầu
hết là thao tác, phẫu thuật trên người bệnh thực sự.
Hầu
như tất cả các màn trình diễn đều được thực hiện trên các phương tiện
máy móc mới và hiện đại. Những máy móc kỹ thuật này không phải được phát
minh bởi ngành y tế Việt Nam, mà đơn thuần chỉ là sự ứng dụng lại các
phương pháp mà những người trình diễn đã được học ở trong nước, hay
ngoài nước, trước những người đồng nghiệp khác, với một máy móc hiện đại
hơn mà thôi (cũng là một cách làm kiểu me too).
Thường là những đơn vị lớn, có các máy móc hiện đại thì có lợi thế để giành giải.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn lại là việc thi trên hiện trường cụ thể, người thật, việc thật.
Theo
quy định chung, không thể và không cho phép việc lấy bệnh nhân thật sự,
với các kỹ thuật, phẫu thuật thật sự để tham gia thi thố. Việc làm này
trái với các quy định y đức quốc tế. Hội đồng y học thế giới ra tuyên bố
Helsinki năm 1964 về đạo đức nghiên cứu liên quan đến con người. Nếu
quyền được thông tin và chấp thuận của bệnh nhân thực sự được tôn trọng,
sẽ không có bệnh nhân nào sẵn sàng chấp nhận làm vật thí nghiệm.
Người
thực hiện kỹ thuật, phẫu thuật trong một môi trường đầy sức ép, dưới
con mắt của giám khảo, quay phim chụp ảnh, cũng như các đồng nghiệp sẽ
không có gì đảm bảo rằng họ không phạm sai lầm. Thực tế cũng đã có nhiều
kỹ thuật không thành công, hoặc những sai sót phải sửa chữa lại, và chỉ
có bệnh nhân là người lãnh chịu những hậu quả này.
Sẽ
có rất nhiều điều đáng bàn về tính sáng tạo, và giới hạn của cái gọi là
sáng tạo trong các cuộc thi tương tự. Tôi cũng đã từng tham gia với tư
cách thí sinh, cũng như người hướng dẫn thí sinh trong hội thao này diễn
ra đã lâu, cũng đoạt giải, và sau này cũng đã lấy làm tiếc.
Ở
các nước, những nghiên cứu của họ vẫn luôn tiến triển, các thử nghiệm
vẫn luôn luôn được tiến hành, nhưng dưới một sự giám sát ngặt nghèo của
Hội đồng đạo đức. Sau thử nghiệm thành công hay thất bại, kết quả được
đem đi báo cáo tại các hội nghị khoa học, chứ không có thao tác biểu
diễn trên người bệnh thật.
Đáng
tiếc là không có một hội đồng nào như thế trong hội thi này. Người viết
bài cũng đã từng lên tiếng xem xét về vấn đề y đức trong một cuộc họp
chuẩn bị cho hội thao cách đây chừng 10 năm, nhưng không được quan tâm.
Đã đến lúc, ta cũng cần nghiêm túc bàn lại về giới hạn của "sáng tạo" theo đúng nghĩa.
- Nguyễn Công Nghĩa (TS, BS Bệnh viện Phụ sản Hà Nội- Trung tâm nghiên cứu y học Propel, Đại học Waterloo, Canada)