TS Nguyễn Việt mới có bài Chủ nhân mộ cổ
Ciputra là người Việt? Bài viết mở ra một cách nhìn mới khi
cho rằng “người chết trong mộ có thể là người thuộc dòng họ Đỗ hay chí ít cũng
liên quan đến dòng họ nổi danh này”. Về dòng họ Đỗ trong lịch sử ông cho
biết:
“Dòng họ Đỗ đến thời nhà Đường đã rõ là một dòng
họ Việt bao trùm cả một vùng hữu ngạn sông Hồng (Đỗ Đoài - sau đây tôi sẽ có một
bài viết riêng về nhánh họ Đỗ vùng xứ Đoài Từ Liêm có thể liên quan đến họ Đỗ
ghi danh trên gạch mộ Ciputra). Vùng lưu vực sông Đáy từng có tên là Đỗ Động
giang, nơi sứ quân Đỗ Cảnh Thạc nổi lên hồi thế kỷ 10, từng được ghi danh một
trong 12 sứ quân. Trước đó, Đỗ Anh Sách vốn là một thổ tù cai quản Trường Châu
được nhà Đường cho làm đến chức Đô úy cai quản quân đội của An Nam đô hộ phủ. Đỗ
Anh Hàn tham gia khởi nghĩa Phùng Hưng cũng làm quan trong Đô hộ phủ. Trên
chuông đồng chùa Thanh Mai đúc năm 798 phát hiện ở gần thành phố Hà Đông có minh
văn ghi tên công đức của gần 300 nhân vật có vị trí xã hội cao đương thời, có
đến 28 người mang họ Đỗ, gồm cả Đỗ Anh (Sách).
Dòng họ Đỗ ở Việt Nam khởi phát có lẽ từ cuối TK
4, bắt đầu được sử sách ghi chép với Thái thú Giao Châu tên là Đỗ Viện. Theo
Toàn thư (Ngoại kỷ, tờ 9a, 9b) thì khi đó Đỗ Viện là người Giao Chỉ
(tức người Việt) tương tự như dòng họ Sĩ Nhiếp, Lý Bí. Dòng họ Đỗ Viện được coi
như là người đất huyện Chu Diên, cùng quê với Thi Sách và cha con Triệu Túc,
Triệu Quang Phục. Đất huyện Chu Diên bao gồm vùng đất phía Nam Hà Đông cũ, đất
Hà Nam, Hưng Yên. Năm 381, Đỗ Viện dẹp yên cuộc nổi dậy của Lý Tốn, thái thú Cửu
Chân, đã được nhà Tấn thăng chức Thứ sử Giao Châu. Năm 399, quân Lâm Ấp đánh
chiếm Nhật Nam, Cửu Chân rồi tiến vào Giao Châu, Đỗ Viện đã dánh tan quân Lâm
Ấp. Nhờ những công lao đó, năm 411, khi Đỗ Viện chết, con là Đỗ Tuệ Độ được đảm
nhiệm thay cha chức Thứ sử Giao Châu. Đây cũng là thời gian diễn ra loạn lạc do
các thái thú và trưởng lại ở nhiều địa phương không theo nhà Tấn, nổi lên cát
cứ. Cuộc nổi dậy của Lư Tuần đã tác động trực tiếp đến Giao Châu. Tuệ Độ đã dẹp
yên và còn nhiều lần đẩy lui quân Lâm Ấp đánh ra Giao Châu. Ngôi mộ ở xã Tân Hoa
huyện Hoài Đức có nhắc đến việc người chết trong mộ là người họ Đỗ (Quý Dân) đã
có công dẹp Lư Tuần.
Tác giả Việt sử lược đời Trần đã nhận xét như sau
về Đỗ Tuệ Độ: “Tuệ Độ thi hành chính sự, dân chúng nể sợ những vẫn mang lòng yêu
mến. Cửa thành ban đêm vẫn mở, trên đường không ai nhặt của rơi”.”
Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc đã được sử sách ghi lại khá
đầy đủ và có trong sách giáo khoa giảng dạy ở trường phổ thông, những ai đi học
đều biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi cụ Đỗ Cảnh Thạc sau khi mất đều được người
dân các vùng Đỗ Động (Thanh Oai), Thượng Cung (Thường Tín) và Liệp Hạ (Quốc Oai)
thờ cúng đến ngày nay. Cụ còn được tôn làm thành hoàng làng Ngô Sài, nay thuộc
thị trấn Quốc Oai. Đầu làng Ngô Sài hiện còn miếu thờ Cụ. Ở đây còn có 03 Cây
trôi này được trồng từ năm 939, do cụ Đỗ Cảnh Thạc và ba anh em cho dân trồng
làm mốc ranh giới giữa làng Bảo Đà và làng Thanh Quả (tức là Bình Đà và Sinh
Liên, Sinh Quả hiện nay), tương truyền là nơi buộc voi, ngựa chiến của ngài, nay
đi trên đại lộ Thăng Long (đường cao tốc Láng - Hoà Lạc) từ nội thành qua đoạn
giao cắt với đường đi Quốc Oai vẫn nhìn rõ, 02 cây ở đầu làng Ngô Sài, gần miếu
thờ Cụ (phía trái đường cao tốc), 01 cây trên đất cụm công nghiệp Phùng Xá ở
(phía bên phải đường cao tốc), mong chính quyền địa phương và những người có
trách nhiệm sẽ có biện pháp bảo tồn 03 cây cổ thụ vô giá này .
Về cụ Đỗ Viện đến nay tuy chưa xác định được con
cháu và nơi thờ tự, nhưng trong tác phẩm “Việt Nam Khai quốc” của Học giả Keith
Taylor hiện là giáo sư Khoa Khảo Cứu Á Châu (Asian Studies) ở đại học Cornell,
New York mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu có một chương viết về nhân vật lịch
sử này như sau:
"Ông nội của Đỗ Viện làm Thái Thú Ninh Phố, một
quận ở ngay bên kia biên giới phía bắc Giao Châu và được thành lập bởi nhà Ngô
bằng cách cắt một phần đất của quận Uất Lâm và Hợp Phố. Có lẽ là để tránh những
rối ren của vụ Vương Chi nổi loạn, nên họ Đỗ dọn xuống Giao Chỉ và định cư ở Chu
Diên. Thái Thú Giao Chỉ, Đỗ Bảo, người bị Ôn Phóng Chi giết chết trước khi có
chiến dịch năm 359 đánh Lâm Ấp, có thể là phụ thân của Đỗ Viện. Bắt đầu sự
nghiệp là một quan chức của chính quyền Giao Châu, Đỗ Viện được thăng lên làm
Thái Thú Nhật Nam, Cửu Đức và sau đó là Thái Thú là Giao Chỉ. Khi Lý Tốn nổi dậy
năm 380, Đỗ Viện tập hợp được một số tùy tùng tấn công giết được Lý Tốn và
nghênh đón Thứ Sử Đặng Độn Chi. Để thưởng công Tấn triều đình phong cho Đỗ Viện
chức Vũ Long Tướng Quân.
Quan hệ giữa Đỗ Viện và Độn Chi rất thân thiết và
kéo dài tới 20 năm cho tới khi Độn Chi trở về Bắc. Độn Chi vừa đi khỏi, Lâm Ấp
lại động binh, phá vỡ cuộc hoà bình 40 năm.
Sau cái chết của Phạm Phật năm 380 là thời kỳ
nhiếp chính vì con Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt, lên nối ngôi lúc còn nhỏ tuổi. Khi
Độn Chi đi khỏi Giao Châu vào đầu năm 399, Hồ Đạt, lúc bấy giờ đã lớn, nhân cơ
hội ấy lại hâm nóng những tham vọng của cha và ông nội. Y tiến quân lên Bắc,
chiếm ngay được hai quận Nhật Nam và Cửu Đức vì cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ
và bao vây được thủ phủ hai quận trước khi quân trú đóng kịp trở tay. Đỗ Viện và
người con thứ ba của ông không thể không có phản ứng. Theo tiểu sử của ông
chép:
“Cẩn thận và kiên trì trong việc đối đầu với quân
Lâm Ấp, hai cha con nhà họ Đỗ đã dùng dùng mưu lược gây cho quân địch rất nhiều
thiệt hại. Hết tổn thất này đến tổn thất khác, cuối cùng Hồ Đạt phải rút quân về
Lâm Ấp.”
Đây là một thí dụ điển hình về chiến tranh du
kích mà có lẽ sau này đã trở thành bản năng tự vệ của các người Việt Nam. Họ Đỗ
được kể như là có “gốc gác” Việt Nam nhất trong số những nhóm cai trị ở Giao
Châu. Sinh ra và lớn lên trong lòng dân Việt, nhưng Đỗ Viện nổi bật lên là một
lãnh tụ trung thành và có tài trong con mắt triều đình nhà Tấn. Sau khi đánh bại
được Phạm Hồ Đạt, ông được bổ nhiệm làm Thứ Sử Giao Châu.
Năm 405, Hồ Đạt lại lần nữa đánh phá các vùng
biên giới Nhật Nam khiến Đỗ Viện phải phái đội chiến thuyền đến tấn công bờ biển
Lâm Ấp để trả đũa vào năm 407. Sau trận này, vùng biên giới Nhật Nam với Lâm Ấp
lại được yên ổn vài năm, và các lãnh tụ Giao Châu lại quay sang củng cố thế lực
nhưng không quên theo dõi tình hình chính trị rối ren ở phương Bắc, nơi mà những
cuộc nổi loạn đang làm rung chuyển giang sơn Trung Quốc.
Năm 410, Thứ Sử Quảng Châu là Lư Tuần làm phản.
Ông gửi sứ giả đến tìm Đỗ Viện để bàn việc hợp tác giành độc lập cho Quảng Châu
và Giao Châu từ tay Tấn triều. Năm ấy Viện ngoài 84 tuổi. đã tạo dựng được một
sự nghiệp vững chắc và chứng tỏ là bầy tôi trung thành của Tấn triều nên ông
không thể thông đồng với một ý định phiêu lưu như thế. Vì thế Đỗ Viện sai chém
đầu sứ giả của Lư Tuần. Năm sau, ông qua đời và các bộ tướng của ông nhất lòng
đưa người con thứ năm của ông là Đỗ Tuệ Độ lên kế vị.
Đỗ Tuệ Độ trước đó là người giữ chức vụ về sổ
sách dân số ở Giao Châu. Về sau, ông được bổ làm Thái Thú Cửu Chân. Ngay trước
khi phụ thân qua đời, Tuệ Độ đã thiết lập được các quan hệ chặt chẽ với các viên
chức ở Giao Châu. Việc ông được bầu lên kế vị cha còn được củng cố hơn nữa với
việc Tấn triều chính thức phong ông làm “Đặc Cách Mục Bá” với quyền hành bao
trùm tất cả việc quân sự ở Giao Châu và kiêm luôn chức Quảng Châu Thượng Tướng.
Chức vị sau chót này hàm ý thúc dục Tuệ Độ ra tay dẹp trừ Lư Tuần đang làm loạn.
Nhưng Tuệ Độ chưa kịp xoay trở, vì ngay trước khi chiếu chỉ bổ nhiệm ông tới
được Giao Châu, Lư Tuần bị Lưu Du đuổi đánh nên phải chạy xuống phía nam qua ngả
Hợp Phố rồi thẳng đường kéo xuống Giao Chỉ. Tuệ Độ đem 6.000 quân chận đánh Lư
Tuần ở Thạch Kỳ, một địa điểm nằm trong Giao Chỉ. Lư Tuần bị thua, và quân sư
của ông bị bắt nhưng Lư Tuần chạy thoát. Biết được rằng họ Lý vốn thù ghét họ
Đỗ, Lư Tuần sai sứ đến gặp các con trai Lý Tốn là Lý Nhiếp và Lý Thoát đề nghị
hợp tác. Hai anh em nhà họ Lý bèn kéo khoảng 5-6 ngàn quân bộ lạc Li xuống núi
hợp sức với 3.000 lính tinh nhuệ còn sót lại dưới quyền lãnh đạo của Lư Tuần để
tiếp tục cuộc phiêu lưu chống lại Tuệ Độ chứ chưa chịu bó tay.
Để đối chọi với liên minh đáng sợ này, Tuệ Độ bèn
vội vã phân phát gia tài của ông cho các quan chức trong châu để khuyến khích họ
trung thành với mình. Ông lại cử em trai làm Thái Thú Cửu Chân, nơi trung tâm
quyền lực của họ Lý đồng thời hiệu triệu dân chúng và chuẩn bị quân đội. Khi Lư
Tuần kéo đến Long Biên vào một sáng mùa hè năm 411, Tuệ Độ đã sẵn sàng nghênh
chiến. Lư Tuần và quân chủ lực dùng chiến thuyền tiến ngược dòng sông. Tuệ Độ
đứng trên mũi thuyền lớn và xua quân lâm trận tong khi bộ binh của ông cung tên
sẵn sàng ở hai bên bờ sông. Tất cả các thuyền của Lư Tuấn bị tên lửa của Tuệ Độ
bắn bốc cháy khiến quân sĩ bỏ chạy tán loạn. Lư Tuần sau khi bị trúng tên và
thấy thế trận của mình đã vỡ bèn nhảy xuống sông tự vẫn.
Trận này Tuệ Độ đại thắng. Thân phụ của Lư Tuần,
hai người con, và hai bộ tướng cùng với hai anh em họ Lý và một số lãnh tụ ly
khai đều bị bắt và bị xử chém. Để tưởng thưởng công lao, Tấn triều phong cho Tuệ
Độ làm “Long Biên Hầu” và ông được hưởng bổng lộc 1.000 hộ. Hai năm sau vào năm
413, Tuệ Độ lại thắng Lâm Ấp một trận quan trọng nữa khi Phạm Hồ Đạt đem quân
xâm lăng Giao Châu. Sau nhiều trận đánh giằng dai ở Cửu Chân, hai người con của
Hồ Đạt, một bộ tướng, hàng trăm sĩ quan khác, đều bị quân của Tuệ Độ bắt hay
giết. Còn Hồ Đạt, cũng mất tích từ đó.
Tuy Hồ Đạt mất tích gây gặp nhiều rối ren trong
việc truyền ngôi ở Lâm Ấp trong nhiều năm trời, nhưng việc tấn công cướp phá
Nhật Nam vẫn còn tiếp diễn nên năm 415 Tuệ Độ lại phái một bộ tướng đi đánh dẹp.
Năm 420 Tuệ Độ thân chinh đem 10.000 quân chinh phạt Lâm Ấp và thắng lợi rất
lớn. Hơn một nửa quân của Lâm Ấp bị tiêu diệt và tất cả các đồ đạc tài sản bị
Lâm Ấp cướp bóc trước đây đều được thu hồi. Khi Lâm Ấp xin hàng Tuệ Độ đã rộng
lượng ra lệnh cho quân sĩ ngưng tấn công ngay và thả tất cả mọi tù binh Lâm Ấp
trước khi lui về Nhật Nam. Cũng năm ấy, Đỗ Tuệ Độ sai con út là Hoằng Văn dẫn
một đạo quân 3.000 người lên giúp đỡ ngai vàng nhà Tấn đang bị lung lay nhưng
Hoằng Văn chỉ vừa kịp đến Quảng Châu thì được tình hình đã ngã ngũ là nhà Tấn đã
vào tay nhà Tống, nên quay trở về. Về sau, một trong những chức vụ quan trọng mà
nhà Tống phong cho Hoằng Văn là ” Lưỡng Biên Tướng Quân,” có nghĩa là họ Đỗ phải
tuần tra hai miền biên giới bắc nam để phòng giặc hoặc những nhóm tìm cách ly
khai khác. Gương phản loạn của Lư Tuần khiến họ Đỗ để ý nhiều hơn nữa đến những
bất ổn khác nhau và tìm cách ngăn chặn ngay trước khi quá muộn.
Xét về những thành tích quân sự chống phản loạn ở
phía Bắc và Lâm Ấp ở phiá Nam chứng tỏ Đỗ Tuệ Độ là một lãnh tụ có tài. Ông còn
là một nhân vật đáng chú ý qua một trích đoạn tiểu sử của ông dưới đây:
“Tuệ Độ mặc quần áo vải thô như một thường dân.
Ông chỉ ăn rau, sống thanh đạm và giản dị. Ông còn chơi đàn kìm rất hay và luôn
cư xử đứng đắn lịch thiệp. Ông nghiêm cấm những hủ tục phóng túng bừa bãi, và
chú tâm vào việc xây dựng trường học. Trong những năm đói kém, khi dân bị đói
khổ, ông trích lương bổng của mình ra giúp đỡ họ. Ông cai trị rất khôn khéo và
thân mật giống như điều khiển một gia đình. Nhã nhặn nhưng nghiêm nghị khiến
những người phóng túng hư hỏng và những quân trộm cướp không dám hó hé và cổng
thành không hề phải đóng về đêm. Vật gì ai đánh rơi ngoài đường không có người
nhặt.”
Điều này thoảng nghe giống như những lời tuyên
truyền cho một nhà cầm quyền lý tưởng. Nhưng thật thế, Đỗ Tuệ Độ biết dung hoà
Khổng Giáo và Phật Giáo vì có lẽ trong cái mộc mạc khắc khổ của miền biên cương
xa xôi này, chân lý dễ được người ta nghe theo hơn là ở các trung tâm quyền lực
chốn “triều đình”. Dù sao, Đỗ Tuệ Độ phải có một tư chất đặc biệt nào đó để dân
chúng sau này tôn sùng ông như của một thánh nhân huy hoàng như thế. Các đức
tính và cách hành xử của Đỗ Tuệ Độ được truyền tụng cho ta thấy rõ các tinh chất
của văn minh Trung Quốc đã hội nhập vào văn hoá Việt Nam sau này. Mặc dù được
coi là một bầy tôi trung thành của triều đình phương Bắc, ông vẫn là người sinh
ra và lớn lên ở Giao Châu. Trong khi lòng trung thành của ông đối với triều đình
phần nhiều chỉ là vấn đề nghi lễ, hình thức, qua ông chúng ta vẫn có thể thấy
một hình ảnh thu nhỏ của những quan hệ ngoại giao phiền phức giữa Giao Châu và
Trung Quốc. Điều đáng nói là sau này họ Đỗ đã không coi Giao Châu là quê hương
vĩnh viễn của mình. Con của Tuệ Độ, Hoằng Văn là người kế vị ông, tìm cách tiến
cao hơn trong Tống triều khi vội vã rời bỏ đời sống gò bó quê nhà ở Giao Châu
lên kinh đô để phải một giá quá đắt là chính mạng sống của mình và không còn ai
kế thừa dòng họ Đỗ trong việc cai trị Giao Châu từ đó về sau. Chi tiết việc này
là vào năm 427, Hoằng Văn được sắc chỉ Tống triều gọi về kinh để giữ chức Đình
Úy và cử Vương Huy Chi làm tân thứ sử Giao Châu thay thế ông. Thế là ước vọng
lớn nhất của Hoằng Văn được thoả mãn và ông lập tức lên đường mặc dầu bị lâm
bệnh đột ngột. Khi được đề nghị là hãy nán lại, đợi khi bình phục hãy đi thì ông
nói: “Nhà ta đã ba đời hưởng lộc vua; ta vẫn luôn luôn muốn được về triều để tâu
trình mọi việc về trách nhiệm của ta. Giờ đây ta được đích thân triệu về, tại
sao lại trì hoãn ?”
Hoằng Văn mong mỏi được Tấn triều ghi nhận công
lao xứng đáng của gia đình ông sau bao năm trấn thủ ở phương trời quê mùa này
đến nỗi bất kể bạo bệnh, cùng thân mẫu tháp tùng chăm sóc, ông vẫn lên đường.
Đến Quảng Châu thì ông không cưỡng lại bệnh tật nên qua đời. Thế là sau gần nửa
thế kỷ, quyền thế của họ Đỗ ở Giao Châu không còn nữa.
Trong suốt thời gian cầm quyền ở Giao Châu, họ Đỗ
đã tạo được sự yên ổn cho các quan chức địa phương vì nhà Tấn bị nhiễu nhương và
rối loạn không có thời giờ nom dòm đến miền nam. Việc ông lựa chọn không ngả
theo việc dành độc lập do Lý Tốn khởi xướng có hai lý do. Trước là vì thế lực
quân sự của nhà Tấn sau cuộc chiến tranh với Lâm Ấp vẫn còn. Sau là, mặc dù chỉ
là hình thức, đám quan quân sau chiến tranh vẫn còn thanh thế để tiếp tục duy
trì ảnh hưởng Tấn triều. Lại xét việc nổi dậy của Lư Tuần, Lý Du cũng chẳng làm
gì được trong tình trạng đó và họ Lư cũng chỉ biết trông cậy vào một nhóm đồng
minh của họ ở trên núi hầu hậu thuẫn cho phong trào độc lập. Họ Đỗ rõ ràng đã
đạt được một sự đồng tâm nhất trí với giới cầm quyền ở địa phương”
Chúng tôi mong nhận được những thông tin mới về
các nhân vật lịch sử này.
Đỗ Quang sưu tầm và biên soạn
|