Gương sáng tộc họ
Nguyễn Đỗ là tộc họ đi đầu về
truyền thống cách mạng và hiếu học trên mảnh đất Quế Lộc, huyện Nông
Sơn. Con cháu tộc Nguyễn Đỗ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều
huân huy chương, bằng khen vì những hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp
cách mạng và xây dựng tộc họ văn hóa.
 |
Tộc Nguyễn Đỗ luôn chăm lo việc học hành và giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống tộc họ cho thế hệ con cháu. |
Truyền thống yêu nước
Tiếp chúng tôi tại nhà thờ tộc Nguyễn Đỗ
mới được xây dựng khang trang, bề thế là trưởng tộc Nguyễn Đỗ Diêm (SN
1953, thôn Lộc Tây 2, Quế Lộc). Đôi mắt đăm chiêu, ông Diêm nói: “Tổ
tiên dòng họ Nguyễn Đỗ có công khai phá đất hoang và góp công cùng các
tộc họ khác xây dựng những làng xã đông đúc trên vùng Tây Viên - Trung
Lộc xưa kia. Suốt quá trình phát triển của tộc họ, nhiều bậc tiền nhân
tộc Nguyễn Đỗ đã hy sinh vì đất nước. Từ phong trào Cần vương cho đến 2
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi Tổ quốc cần là trai tráng
tộc Nguyễn Đỗ hưởng ứng và ra đi không tiếc máu xương”. Ông Diêm kể, có
lúc dòng họ ông mất đi gần như cả một thế hệ khi giặc Pháp đàn áp phong
trào Cần vương, vây đánh Trung Lộc và tàn sát hơn 1.000 nghĩa quân của
Nguyễn Duy Hiệu. Dòng tộc Nguyễn Đỗ hy sinh hơn vài chục trai đinh của
các đời thứ 8, 9 và 10.
Tộc Nguyễn Đỗ hiện có 60 hộ với 240 nhân khẩu sinh sống tại xã Quế
Lộc và có nhiều gia đình đang sinh sống khắp nơi trên cả nước. Bà Nguyễn
Thị Minh Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Lộc nói: “Tộc
Nguyễn Đỗ là một trong các tộc họ văn hóa có nhiều đóng góp cho quê
hương, đi đầu trong các phong trào của xã. Thời gian qua, tộc Nguyễn Đỗ
không ngừng chung tay tạo nên nếp sống văn hóa tại địa phương, đặc biệt
là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”. |
Ông Nguyễn Đỗ Diêm cho hay, cha ông là
liệt sĩ Nguyễn Đỗ Úc tham gia cách mạng từ năm 1948. Năm ông Diêm tròn
15 tuổi đã được cha dắt theo con đường cách mạng làm giao liên, du kích
địa phương. Tháng 10.1968, trong một lần đi vận động nhân dân quyên góp
ủng hộ lúa gạo cho cách mạng, cha ông bị máy bay địch phát hiện, bắn
chết. Thù nước thù nhà chồng chất khiến ngọn lửa căm hờn trong ông bùng
cháy. Chỉ vào vết thương trên người, vị trưởng tộc Nguyễn Đỗ đời thứ 12
kể: “Gần một năm sau ngày cha mất, trong một lần đi bám đánh địch càn
vào quê hương, tôi trúng pháo kích từ chốt Bàn Thùng nên bị trọng
thương. Nhưng điều đó không thể làm lung lay ý chí, lành vết thương tôi
tiếp tục trụ lại địa phương cho đến lúc cấp trên điều chuyển công tác
lên Ban Tổ chức Huyện ủy Quế Sơn vào năm 1971”. Chiến tranh đi qua, tộc
Nguyễn Đỗ có 9 liệt sĩ và 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, mẹ Nguyễn
Thị Hiển có chồng và 4 người con là liệt sĩ. Còn mẹ Đặng Thị Ta và
Nguyễn Thị Trì đều có con trai duy nhất hy sinh.
Xây dựng đời sống văn hóa
Trong các phong trào xây dựng “Tộc họ
văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…,
tộc Nguyễn Đỗ đều đi đầu, góp phần xây dựng quê hương. “Hội đồng gia tộc
đã xây dựng Quy ước tộc họ văn hóa gồm 6 chương, 14 điều. Bản Quy ước
có thể xem là căn cứ chung để tộc Nguyễn Đỗ giáo dục con cháu về truyền
thống gia tộc, về phẩm chất đạo đức, đạo làm người và nếp sống văn hóa ở
khu dân cư do chính quyền phát động” - ông Nguyễn Đỗ Diêm nói.
 |
Trưởng tộc Nguyễn Đỗ Diêm kể về quá trình phát triển của dòng tộc mình. |
Để xây dựng làng xóm, quê hương, con
cháu tộc Nguyễn Đỗ đã tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường giao
thông nông thôn, ngoài ra, hiến cây cối, vật kiến trúc, ngày công làm
đường, kênh mương; các gia đình thành viên trong dòng tộc đều hoàn thành
nghĩa vụ công dân, đóng góp vào Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp
nghĩa… Chính vậy, niềm vui lớn nhất tộc Nguyễn Đỗ là được UBND xã Quế
Lộc công nhận “tộc họ văn hóa” 3 năm liền (2010 - 2012), được UBND tỉnh
tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng “Tộc họ văn hóa” tộc Nguyễn Đỗ
luôn động viên con cháu cố gắng lao động, với những trường hợp khó khăn
bà con trong tộc sẽ chung tay giúp đỡ vốn liếng, góp công sức hỗ trợ cải
thiện nhà ở… Nhờ sự đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, đến nay có gần
80% số gia đình thành viên tộc Nguyễn Đỗ có đời sống khá giả. Một điều
đáng nói nữa đối với tộc Nguyễn Đỗ là con cháu đã kế thừa được truyền
thống, phát huy tính hiếu học. Tâm sự với chúng tôi, ông Diêm cho biết:
“Con cháu trong tộc không có ai bỏ học. Dòng họ đã có hơn 70 người có
trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và
40 người có trình độ đại học. Nhiều con cháu của tộc Nguyễn Đỗ đang công
tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, trong số đó có 20 người là
đảng viên”. Để đẩy mạnh phong trào học tập cho con cháu, tộc Nguyễn Đỗ
lập quỹ khuyến học, khuyến khích con cháu học hành đỗ đạt. Năm 2012, tộc
Nguyễn Đỗ được Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam tặng giấy khen về “Dòng họ
hiếu học”.
ĐOÀN ĐẠO - MINH KHẢ
|