TỰ HÀO VỀ DÒNG HỌ ĐỖ PHÚC
Trong không khí
tưng bừng mừng xã Giao Châu, huyện
Giao Thủy đạt tiêu chí xã nông thôn mới năm 2016. Dòng họ Đỗ Việt Nam
nói chung và chi họ Đỗ Phúc nói riêng rất vinh dự được đón nhận bằng di
tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với từ đường dòng họ Đỗ Phúc, thôn
Tiên Trưởng, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Theo lời
kể của các cụ cao tuổi trong dòng họ và căn cứ vào cuốn gia phả họ Đỗ
Phúc đang lưu giữ tại từ đường, thì Đức tổ mà con cháu đang thờ tại đây
là cụ Đỗ Phúc Dũng - hậu duệ đời thứ 11 của thủy tổ Đỗ Phúc Hưu. Cũng
theo cuốn ngọc phả “Lê triều công thần Đỗ tướng công, sắc phong Nhân Đức
phúc thần ngọc phả” và đối chiếu với “Đại Việt sử ký toàn thư”, thì
thân thế của cụ thủy tổ Đỗ Phúc Hưu được ghi lại như sau: Cụ Đỗ Phúc
Hưu lúc còn nhỏ tên là Bồ Sơn. Do cha mẹ cao tuổi mà chưa có con trai
nên cha mẹ lên miếu thần ở núi Cát Bồ cầu tự và sinh ra cụ Đỗ Phúc
Hưu.. Cụ Đỗ Phúc Hưu sinh ngày mồng 2 tháng 5 năm Giáp Tuất, niên hiệu
Gia Thái thứ 2 (1574) tại xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn, trấn Thanh Hoa,
trong một gia đình đời đời làm quan thanh liêm lấy nghề canh độc (tức là
lấy việc đọc sách thánh hiền, cày ruộng và trồng dâu nuôi tằm ) làm
trọng. Tổ tiên ông luôn tích thiện, tu thân. Thân phụ Đỗ Phúc Hưu là Đỗ
Công Nhậm, nổi tiếng nhân đức, thân mẫu là Chu Thị Loan, quê ở xã Trúc
Sơn, thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay.. Khi lớn lên, Bồ Sơn
được cha cho theo học danh sư Lương đại nhân, người cùng thôn. Chỉ sau 5
năm, cậu học trò họ Đỗ đã tỏ rõ bản lĩnh văn tài, võ lược. Tháng
Giêng năm Quí tị (1593), Đỗ Phúc Hưu có công giúp Trịnh Tùng tiêu diệt
Phiến quân Mạc Kính Chỉ. Tháng 2 năm đó, ông một mình phi thẳng ngựa đến
doanh trại của viên thổ quan nhà Mạc là Vũ Đức Cung dùng lời hơn, lẽ
thiệt khuyên giải Vũ Đức Cung quy để hưởng sự khoan hồng của triều đình.
Kết quả, Cung đã đem 3000 binh mã về đầu hàng nhà Lê. Nhà Lê đánh giá
rất cao việc làm đó của ông. Năm Giáp Ngọ (1594), cụ lĩnh hơn một
vạn binh mã giúp Trịnh Tùng dẹp yên giặc Ai Lao tại Mai Châu, Hòa Bình,
cụ được vua gọi về phong chức Đại tướng quân. Niên hiệu Hoằng Định
thứ 3 (1603), triều đình cử cụ đi kinh lịch tại phủ Xuân Trường. Một
hôm, cụ đi tới vùng đất cao ở Giao Thủy, thấy phong cảnh hữu tình, đất
đai màu mỡ, cụ bèn về đem 16 người thân quyến và một số người chiêu mộ
từ thập phương, chu cấp tiền bạc, lương thực để họ chuyên viẹc đắp đê,
mở đất.
Năm 1623, năm Vĩnh Tộ thứ 5, cụ được phong lên chức Gián
Nghị Đại Phu (Tức là quan văn, qua này có trách nhiệm chuyên can gián
nhà vua). Đến năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), cụ dâng sớ nghỉ hưu, được vua
phong hàm chức Đại học sĩ ở Viện Hàn Lâm.
Ngày 14 tháng 11 năm Nhâm
Thìn – niên hiệu Khánh Đức 4 (1625) thời vua Lê Thần Tông, cụ mất, hưởng
thọ 78 tuổi. Nghe tin cụ qua đời, nhà vua tiếc thương, phong cho tên
thụy là Phúc Hưu và phong cho làm phúc thần của làng cùng thần hiệu Bảo
quốc hộ dân, khai cơ khẩn thổ, nhân đức chi thần.
Như đã nói ở
trên, Đức tổ Đỗ Phúc Dũng là hậu duệ đời thứ 11 của thủy tổ Đại Vương Đỗ
Phúc Hưu. Tổ Đỗ Phúc Dũng sinh ra và lớn lên tại phủ Xuân Trường (nay
là huyện Xuân Trường). Khi trưởng thành, cụ đi làm ăn xa rồi lấy vợ
làng Chưởng, tỉnh Hà Đông rồi ở luôn đó. Tại đây, đất chật, người đông,
sinh sống khó khăn, vất vả, nghe thấy ở vùng duyên hải bãi bồi rộng màu
mỡ, đến đó sẽ dễ bề sinh sống. Sau khi đi thự địa thăm dò thấy vùng đất
hải huyệt (còn gọi là rốn biển) thuộc phủ thiên trường phù sa màu mỡ nên
gia đình cụ tổ Đỗ Phúc đã đưa con cháu về đây sinh sống như tìm về với
cội nguồn tiên tổ. . Cũng thời gian này, có ba dòng họ. Đó là họ Cao, họ
TRần, họ Nguyễn đến định cư tại đây. Đến năm 1692, cụ cùng với các
vị của ba họ: họ Cao, họ Trần, họ Nguyễn viết tấu xin vua lập làng Tiên
Chưởng. Chính vì thế, ngọc phả đình làng tôn là “tứ tính tiên công”
(nghĩa là: bốn họ về trước có công lập làng).
Cũng từ đó, các cụ
tổ lãnh đạo hướng dẫn dân làng quai đê, lấn biển, khai khẩn bãi bồi
thành đồng ruộng thẳng cánh cò bay nên người đời có câu ca tặng khen lưu
truyền công đức đến bây giờ:
Biển Đông mà biển thành làng,
Bãi bồi mà biển bạt ngàn lúa xanh”.
Cũng từ đó, dân làng mỗi lúc một đông. Làng Tiên Chưởng lại có thêm 4
họ nữa về lập ấp. Đó là họ Đào, họ Mai, họ Lê, họ Phạm – một minh chứng
cho tên “BÁT TỘC TIÊN HIỀN”. Các dòng họ chung tay xây làng, giữ đất.
Tổ Đỗ Phúc Dũng sinh được 3 người con trai, nhưng chỉ có người con trai trưởng là ở lại đây phát triển dòng họ.
Theo quy luật tự nhiên, các bậc tiền nhân tuổi già quy y cùng tiên tổ,
con cháu ở lại trung hiếu vẹn tròn, bảo nhau xây nơi thờ phụng. Năm Bính
Tuất (1802), ngôi từ đường bằng gỗ của họ Đỗ Phúc ra đời trên chính nền
đất này. Để tri ân tiên tổ, con cháu họ Đỗ ở Tiên Chưởng đã rước chân
nhang thủy tổ Đỗ Phúc Hưu về phụng thờ tại từ đường. Hàng năm, đến ngày
giỗ thủy tổ Đỗ Phúc Hưu, con cháu họ Đỗ Phúc làng Tiên Trưởng vẫn về từ
đường họ Đỗ tại Xuân Trường để dâng hương và viếng mộ tổ, tỏ lòng thành
kính, tri ân của con cháu đối với vị Phúc thần đã có công dựng làng, giữ
nước
Hơn 100 năm sau, mùa đông năm Bính Tý (1936), ngôi từ đường
kiên cố bằng gạch, vôi được xây dựng lại thay cho ngôi từ đường bằng gỗ
đã xuống cấp. Gần nửa thế kỷ sau, do biến cố thăng trầm của thời gian,
do sự tàn phá của chiến tranh – hai quả bom Thực dân Pháp ném xuống năm
1953 làm ngôi từ đường của dòng họ Đỗ Phúc nứt mẻ, dột nát tứ tung không
thể để vậy sửa chữa được nữa, toàn gia tộc đã hạ quyết tâm xây lại theo
đúng kiểu dáng cổ xưa nhưng to rộng hơn và chắc chắn hơn.
Con cháu
dòng họ Đỗ phúc tự hào vì ngôi từ đường này, có uy danh của thần tổ Đỗ
Anh Vũ được người đời sau tôn vinh là Đức Thánh Lác – văn võ song toàn
được triều Lý phong hàm “Đại đô thống” “Thượng tướng quân”, có công giúp
triều Lý ổn định đất nước suốt 20 năm trận mạc lẫy lừng.
Ngôi từ
đường này, cũng có anh linh danh tướng Đại Vương Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu có
công giúp nhà Lê giữ yên triều chính, dạy dỗ cháu con dân làng vùng Giao
Thủy quai đê, lấn biển, mở mang bờ cõi. Khi Ngài thác được các vua nhà
Nguyễn phong sắc 10 lần, lưu truyền muôn thuở.
Nơi đây cũng là nơi thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Người trọn đời với làng, với xã, với con cháu yêu thương.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược,
từ đường họ Đỗ Phúc là nơi ghi dấu nhiều lịch sử và sự kiện quan trọng
của địa phương.
Trong thời gian từ ăm 1949 đến 1954, từ đường họ Đỗ
Phúc là nơi cất dấu Vũ khí và tài liệu mật, cũng là nơi nuôi dưỡng cán
bộ của huyện Giao Thủy. Hiện tại, từ đường vẫn còn hầm bí mật đặt ngay
dưới bệ thờ tổ tòa hậu đường.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế
Quốc Mỹ, (1965 – 1975), từ đường họ Đỗ Phúc được bưu điện huyện Giao
Thủy đặt làm tổng đài cho cơ quan do đồng chí Bùi Xuân Cử phụ trách tổng
đài điện thoại.
Hiện nay, ngoài những câu đối mà cha ông để lại,
con cháu dòng họ Đỗ Phúc tiến thêm 4 câu đối nữa bằng chữ quốc ngữ để
lưu truyền cho hậu thế:
Câu đối 1:
Mừng Đảng, mừng xuân, mừng di tích
Kính cha, kính mẹ, kính tổ tiên
Câu đối 2:
Công đức sinh thành cao muôn trượng
Hiếu nghĩa tri ân vọng ngàn thu.
Câu đối 3:
Tiền nhân khai sáng thờ tiên tổ
Hậu thế tôn hưng vẹn hiếu trung
Câu đối 4:
Từ đường hương hỏa di tích cổ
Phúc lộc để dành hậu duệ tôn
Những khí tự, hoành phi, câu đối dù là cổ hay kim trong từ đường và
những chứng tích còn lại là minh chứng cho giá trị của một ngôi từ đường
có bề dày lịch sử.
Phát huy truyền thống của ông cha, con cháu dòng
họ Đỗ Phúc qua các đời đã dốc toàn tâm, toàn lực để bảo vệ đất nước,
quê hương. Qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, con cháu
dòng họ Đỗ Phúc thôn Tiên Chưởng, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh
Nam Định có nhiều người lên đường nhập ngũ. Trong đó, 9 người đã anh
dũng hy sinh, hàng chục người là thương binh, bệnh binh.
Đến nay,
dòng họ có tới 400 xuất đinh, con cháu ngày càng thành đạt . Dòng họ Đỗ
Phúc thôn Tiên Chưởng, xã Giao Châu là một trong những dòng họ gương
mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Giao Châu.
Phong trào hiếu học của dòng họ cũng được đề cao. Năm học 2007 – 2008,
họ Đỗ Phúc thôn Tiên Chưởng là một trong những dòng họ được trao bằng
khen khuyến học, khuyến tài của huyện Giao Thủy. Từ đường của dòng họ
được con cháu tôn tạo. Gần đây, dòng họ Đỗ Phúc đã xây xong nhà giải vũ
với trị giá trên một tỉ đồng.
Với giá trị lịch sử như đã nói ở
trên, tháng Giêng năm 2013, dòng họ ta đã có tờ trình trình lên các cấp
có thẩm quyền. Nguyện vọng của dòng họ được Ủy ban nhân dân xã Giao Châu
xác nhận, đề nghị phòng văn hóa huyện Giao Thủy, phòng di sản danh
thắng – Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Nam Định lập hồ sơ khoa học thẩm
định di sản. Ngày 27 tháng 12 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua
và ra quyết định cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cho từ đường dòng họ
Đỗ Phúc làng Tiên Chưởng, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Thật là niềm tự hào to lớn của
nhân dân huyện Giao Thủy, một đại hồng phúc cho địa phương, cho dòng họ
Đỗ Phúc mà không có giá trị vật chất nào sánh được. Di tích lịch sử
không chỉ là di sản văn hóa của tỉnh Nam Định, của huyện Giao Thủy, của
xã Giao Châu nói chung mà còn là niềm tự hào của dòng họ Đỗ Việt Nam và
chi họ Đỗ Phúc nói riêng. Mỗi chúng ta dù trai hay gái, dâu hay rể, xa
hay gần đều có quyền tự hào về di sản văn hóa của quê hương, của dòng
họ. Chúng ta tự hào giá trị của ngôi từ đường mà giữ trọn hiếu nghĩa
phụng thờ tổ tiên ông bà, cha mẹ.
Con cháu họ Đỗ chúng ta quyết tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử thiên thu, trường cửu!
Nguồn Tộc Đỗ Mỹ Duyên
|