MIẾU HÙNG VƯƠNG
Hôm nay ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10-3, cháu con cả nước lại tấp nập kéo
về khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ. Được về đây dâng hương lễ Tổ, trong
chúng ta sẽ có nhiều người muốn biết khu di tích đền Hùng được xây dựng
từ bao giờ ? Căn cứ vào đâu mà có ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 ? Để giải đáp thắc mắc này tôi xin phép đưa ra mấy tài liệu để chúng ta cùng trao đổi, cùng hướng tâm về Tổ tiên, nguồn cội.
Trong kho tư liệu của dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam có các bản dịch văn
bia ở đền Hùng do cụ cử nhân nho học Đỗ Mộng Khương (thi khoa Ất Mão -
1915 khoa thi nho học cuối cùng), dịch từ chữ Hán – Nôm sang chữ quốc
ngữ vào khoảng những năm 70 của thế kỷ 20.
Xin giới thiệu bản dịch 02 văn bia của cụ cùng các bạn muốn nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử và di tích Hùng Vương .
BIA MIẾU HÙNG VƯƠNG
Miếu lập ở núi Nghĩa Lĩnh xã Cổ Tích là một thắng tích của Bắc Kỳ. Bên
tả miếu có lăng Hùng Vương. Đến nay đã hơn 4000 năm, hằng năm xuân thu
tỉnh thần vâng chỉ kính tế điển lễ rất lớn.
Lập miếu không biết tự
năm nào, khoảng Tự Đức thứ 27.Tam tuyên tổng đốc Nguyễn Bá Nghi vâng sắc
chỉ sửa lại. Chả bao lâu mà miếu cổ ở núi đã như đám mây nổi biến cổ
kim rồi.
Năm 1909 nguyên Bắc Kỳ kinh lược, Diên Mậu Quận công Hà
Tĩnh Thái Xuyên Hoàng Cao Khải bái yết miếu cổ, lo miếu hỏng nát liền
ban trích công ngân tu lý đã được nghị chuẩn.
Năm 1912, Hàn lâm
Hiển Tu Tống Sơn Vũ Đình Khôi từ Hải Dương đến, khi rỗi việc lục thấy
nghị này, lập tức xin Phú Thọ tuần phủ Chế Quang Ân đem việc ấy xin công
sứ Gay-Y-Gia, công sứ này cố gắng làm việc trên, cấp công ngân 2000
đồng và lập hội đồng chủ trương việc ấy. Ngày tháng 5 năm ấy khởi công
đến tháng 7 hoàn thành.
Miếu làm ba nóc, dưới gỗ thiết trên lợp
ngói, vị trí rất xứng. Bảo tôi làm bia; Tôi là Lê Đình Sản, nay nghĩ
Hùng Vương là Tổ mở màn lần thứ nhất nước ta. Con cháu Bách Việt lập đền
đài mà cúng tế là nghĩa vụ cố nhiên vậy. Nay Hoàng tướng công xướng đầu
tiên, quý đại thần lại tán thành. Mới biết việc bỏ làm lại, của mất lại
sửa là cái số tạo vật, mà trách nhiệm người sửa sang lại, là cái số tất
nhiên trong u minh thần hoặc giúp đỡ cũng chưa biết chừng.
Than
ôi! năm châu dâu biển phong trần dồn đến mà miếu này cổ núi này trơ trọi
vẫn còn là nhờ phúc thần vậy, lại là công lao của các đại thần sửa sang
lại vậy.
Từ nay về sau trông cờ đỏ thì nhớ sinh linh cha Rồng mẹ
Tiên, dâng cánh rau trắng thì tưởng công gây dựng của Thánh Tổ Thần
tông.
Đến như ánh sáng, buổi sáng buổi chiều, tưởng vạn ngàn lên núi
này đều có cảm tưởng xưa nhớ đến quan hệ quốc túy để lưu truyền sau.
Phó bảng khoa Tân Sửu, Điển học tỉnh Phú Thọ, nhân mục tỉnh Hà Đông là Lê Đình Sản phụng nghĩ.
Công sứ tỉnh Phú Thọ đặt hội đồng sửa Đền Hùng – Họ quan viên Hội đồng kê sau đây:
Hội chủ: Tuần phủ Chế Quang Ân, người xã Mỹ Xuyên;
Hội viên: Lâm Thao tri phủ Lâm Văn Tuấn, người Hà Tĩnh;
Sứ tòa lục sự Vũ Đình Khôi, người Thanh Hóa;
Đốc công Lâm Thao, giáo thụ Nguyễn Duy Tân, người Hà Đông;
Hưng công nông thương hội viên Hà Văn Thành, người Hải Dương;
Vẽ bản đồ lục lộ thông sứ Nguyễn Hữu Phúc, người Thừa Thiên;
Tùy biện Lâm thao hội viên Đào Ngọc Thạch;
Hy Cương Tiên chỉ Triệu Văn Ty;
Duy Tân năm thứ 8, tháng 7, ngày tốt
Phú Thọ, thư lại Hà Đông quan nhân Nguyễn Đình Túc viết.
Hà Thành, Thiên Tân phố, Nam Sơn Vũ Hữu Do khắc bia.
BIA SỐ 2
Phụng sao Bộ Văn định ngày quốc tế Đền Hùng
Bộ Lễ phúc tư, vừa rồi tiếp tư nói, thuộc quý hạt Đền Hùng xã Hy Cương
phủ Lâm Thao phụng thờ Lăng miếu Hùng Vương, hằng năm Nhà nước kính tế,
thường đến mùa thu chọn ngày tốt kính lễ, không có ngày nhất định mà dân
tục xã ấy lấy ngày 11 tháng 3 là ngày giỗ Tổ kính tế.
Nay tiếp, quý Công sứ ý nghĩ.
Tự điển miếu Tổ nước ta là sĩ nữ nơi ấy, kính nhớ tổ tiên bất kỳ mà
không có ngày nhất định thật là thiếu sót. Nay quý tính bàn với qúy
Công sứ định từ nay về sau lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch, lĩnh chi công
ngân phụng mệnh kính tế. Trước một ngày, hạt ấy mở hội cho nhân sĩ
phừơng ấy đến triều bái có ngày nhất định, để cho nhân dân xã ấy khỏi
phiền hà ứng dịch, lại hợp nghĩa trời xuân thới hòa, vì thế phúc tự để
được tuân hành.
Tờ tự này tư cho Tuần phủ tỉnh Phú Thọ
Khải Định năm thứ 2 tháng 7 ngày 25 (1917), Tư vụ lễ triều kính sao lục
Lễ nghi ngày hội kỷ niệm hằng năm
Nay đã phụng Bộ Lễ chuẩn định ngày quốc tế Miếu tổ Hùng Vương là ngày
10 tháng 3. Hằng năm chiểu ngày mồng chín các quan tỉnh hiến, và các
quan phủ huyện mang phẩm phục đến công quán túc trực, sáng hôm sau đến
Miếu kính tế. Về lễ phẩm như tam sinh, xôi. Quan hội trưởng đã thông
đạt, các viên hội đồng thỏa nghị. Trình quan tuần phủ thẩm chiếu, trích
tiền hoa lợi tự điền bao nhiêu, và tiền Nhà nước cấp cho mỗi năm 100
đồng giao viên Phủ Lâm Thao nhận mua lễ phẩm và chi các khoản. Năm nào
đến kỳ ngày kỷ niệm nên mở Đại hội lâm thời do Hội đồng thỏa định. Trình
phủ đường tư quý tòa chuẩn cho thi hành.
=========
Căn cứ vào
nội dung hai tấm bia trên ta được biết trên núi Nghĩa Lĩnh từ xa xưa đã
có một ngôi miếu cổ được nhân dân địa phương thờ phụng. Khu di tích bắt
đầu được triều đình phong kiến Việt Nam tôn tạo có hệ thống từ hơn một
trăm năm trước.
Vào khoảng năm Tự Đức thứ 27 (1874) Tam tuyên tổng
đốc Nguyễn Bá Nghi vâng sắc chỉ tu sửa lại miếu. Hằng năm xuân thu nhị
kỳ quan hàng tỉnh được triều đình giao nhiệm vụ cúng tế.
Năm 1909
nguyên Bắc Kỳ kinh lược, Hoàng Cao Khải khởi xướng xin chính phủ cấp
công quĩ tu tạo. Năm 1912, Hàn lâm Hiển Tu Tống Sơn Vũ Đình Khôi cùng
tuần phủ Chế Quang Ân đem việc ấy xin công sứ Gay-Y-Gia, cấp công ngân
2000 đồng và lập hội đồng chủ trương việc ấy. Miếu làm ba nóc bằng gỗ
lim, mái lợp ngói, khánh thành năm Duy Tân thứ 8 (1914).
Từ ngôi
miếu này, các đời sau tiếp tục tu bổ. Năm Duy Tân thứ 9 (1915) đến Khải
Định thứ 2 (1917) tu tạo thượng miếu, tiền đường, sửa thêm tự khí, xây
cổng dưới núi, dựng thượng đình .. cho đến ngày nay có một quần thể đền
Hùng to rộng nhất nhì trong nước.
Về ngày giỗ Tổ 10-3, bia số 2 cho
biết, hằng năm nhà nước giao quan chủ tỉnh kính lễ, thường vào mùa thu,
không có ngày cố định. Tục dân xa địa phương thì chọn ngày 11-3 âm
lịch. Đến năm 1917 (năm thứ 2 triều Khải Định), Bộ Lễ của Triều đình
quyết định lấy ngày 10-3 làm ngày Quốc tế Miếu Tổ Hùng Vương.
Hằng
năm đến ngày đó các quan tỉnh hiến, và các quan phủ huyện mang phẩm phục
đến đến Miếu kính tế. Về lễ phẩm, ngoài chi phí trích tiền hoa lợi tự
điền, nhà nước cấp cho mỗi năm 100 đồng giao viên Phủ Lâm Thao nhận mua
lễ phẩm và chi các khoản.
Đồng tiền thời kỳ này có giá trị cao. Một
đồng tiền Đông Dương lúc này có 10 hào, 1 hào có 10 xu, 1 xu có 2
chinh, 1 chinh có 3 kẽm. Lương giáo viên toàn cấp I (tiểu học 6 năm)
khoảng từ 20– 30 đồng, đủ chi tiêu nuôi cả gia đình.
Với số tiền 2000 đồng làm được ngôi miếu ba nóc, 100 đồng chi cho tế lế ở Miếu Tổ Hùng Vương hàng năm là một số tiền khá lớn.
Cụ Đỗ Mộng Khương là nhân vật lịch sử Họ Đỗ Việt Nam, người họ Đỗ Đình-
Xóm Gạo- Thư Lâu- Trưng Vương- Việt Trì- Phú Thọ mà chúng tôi đã có dịp
giới thiệu trên Website hodovietnam.vn.
Nhờ di cảo của cụ mà chúng
tôi có cơ hội cung cấp tài liệu quý này giúp cho bạn đọc tham khảo
nghiên cứu tìm hiểu thêm về lịch sử và di tích Hùng Vương .
Cũng cần
nói thêm, khu vực lưu giữ nhiều di tích về Tổ tiên Việt tộc nhất hiện
nay nằm ở tỉnh Hà Tây cũ. Một trong số đó là miếu mộ của Hương Vân Cái
Bồ Tát Đỗ Quĩ Thị và Bát Bộ Kim Cương.
Ngày huý kỵ của hàng trăm vị
Tổ cao nhất được ghi chép cẩn thận trong ngọc phả. Khu miếu mộ của vua
Hùng thứ nhất được nhân dân địa phương gọi là khu mả Đế ở Văn nội, Phú
Lương, Hà Đông, Hà Nội. Kỵ nhật ngày 28/5 âm lịch.
Đây là điểm hành hương mà nhiều người đã biết tìm về trong những ngày này.
Bài Đỗ Quang