(TBKTSG
Online) - Con số nợ nước ngoài của quốc gia vào cuối năm 2018 như Bộ
Tài chính dự báo (49,9%GDP) gần như đã chạm tới trần giới hạn mà Quốc
hội cho phép (50%GDP). Vì sao nợ nước ngoài của Quốc gia lại tăng nhanh
như vậy trong năm 2017? Vì sao trong khi nợ công đang giảm thì nợ nước
ngoài lại tăng mạnh trong năm 2017?
Xin giới thiệu bạn đọc chuyên đề “Nợ nước ngoài đang tăng nhanh” trên TBKTSG số ra ngày 21-6-2018.
Trong chuyên đề này, bài viết “Nợ nước ngoài của quốc gia ngày càng phình to”
của tác giả Ngọc Khanh dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết để có tiền
mua cổ phần trị giá 5 tỉ đô la Mỹ tại Sabeco trong năm 2017, công ty
Vietnam Beverage, một công ty được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt
Nam (doanh nghiệp Việt Nam) đã đi vay tiền ở nước ngoài (vay các ngân
hàng của Thái Lan và Singapore thông qua sự bảo lãnh của Tập đoàn mẹ là
ThaiBev. Đó là lý do chính khiến nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh.
Nên nhìn nhận, ứng xử với tình huống này như thế nào?
Bài viết “Hệ quả cho tương lai: quả bom nổ chậm - nợ"
của Vũ Quang Việt phân tích về các loại nợ hiện nay: nợ nước ngoài, nợ
công, nợ của khu vực phi tài chính, nợ doanh nghiệp phi tài chính. Theo
tác giả, hệ quả về khả năng trả nợ trong tương lai là khó lường khi lãi
suất trên thị trường thế giới đã tăng trở lại cũng như lạm phát có khả
năng vượt 4% trong năm 2018.
Các bài viết khác trên số báo này, xin giới thiệu bạn đọc:
Lãng phí do trì trệ, thuế phí nào gánh nổi! (Mục Ý
kiến): Giải quyết triệt để các vướng mắc về thủ tục hành chính để không
còn một dự án đầu tư nào, dù của Nhà nước hay tư nhân, phải chịu rủi ro
về chi phí, hiệu quả do sự chậm trễ của các cơ quan hành chính mới là
giải pháp bền vững.
Chủ yếu ở khâu thực thi pháp luật (Thiên Tường): Hiện
tại, phần lớn rủi ro của người mua nhà đã chuyển hóa từ rủi ro chính
sách sang rủi ro thực thi chính sách. Hãy trao cho người dân công cụ
phòng ngừa rủi ro hữu hiệu là thông tin, bên cạnh việc đảm bảo pháp luật
được thực thi ở mức cao nhất.
Lạm bàn vai trò chuyên viên (Gia Minh): Một quốc hội
bán chuyên nghiệp với quy trình làm luật còn khập khiễng, thời gian làm
luật không nhiều, thì đầu tư lớn cho một đội ngũ chuyên viên lại trở nên
hết sức cấp bách để có một hệ thống luật pháp tiến bộ, phù hợp với thực
tế xã hội.
Tín dụng chia tốp ngân hàng (Hải Lý): Các tổ chức tín
dụng cổ phần giờ đây đã tự phân tách thành hai lớp tương đối cách biệt,
mà một trong những minh chứng là thị giá cổ phiếu của chúng trên sàn.
Dự án bauxite Tân Rai có cải thiện nhưng vẫn lỗ
(Nguyễn Hữu Phước): “Bí quyết” làm cho dự án Tân Rai có “lãi” là một dự
án nhưng được phân bổ chi phí và hạch toán theo hai đơn vị khác nhau.
Và, Tập đoàn Công nghiệp than- khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ công bố kết
quả sản xuất kinh doanh của đơn vị được “phân công” hạch toán có lãi là
Công ty nhôm Lâm Đồng - TKV, còn đơn vị được phân công hạch toán lỗ là
Ban quản lý dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng thì không được công bố,
hoặc công bố không đồng thời.
Nhìn nhận về DNNN đã thay đổi nhưng vẫn chưa thể yên tâm
(Phan Minh Ngọc): Nhận thức về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tỏ ra là đã
tiến thêm được một bước quan trọng như được thể hiện qua việc “giáng
cấp” vai trò của chúng trong nền kinh tế, đi kèm với khẳng định không
dùng ngân sách xử lý thua lỗ của chúng. Nhưng chắc chắn rằng việc đưa
chuyển biến nhận thức này thành hành động, thành kết quả sẽ rất khó
khăn.
Tìm cách chặn hàng rác công nghiệp đổ về Việt Nam
(Minh Tâm): Hàng phế liệu đưa về các cảng Việt Nam đột ngột tăng nhanh
trong thời gian qua do Trung Quốc thay đổi chính sách, khiến câu chuyện
hàng tồn đọng tại cảng vốn dai dẳng nhiều năm qua trở nên nóng bỏng hơn
bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để Việt Nam không trở thành
bãi rác của thế giới khi ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có chính sách cấm
nhập khẩu hoàn toàn các mặt hàng này.
Phế liệu và logistics (Đặng Dương): Trước khi hàng phế
liệu còn chưa kịp đe dọa môi trường hay mang lại các lợi ích kinh tế,
thì việc nhập khẩu mặt hàng này vừa qua đã có tác động tiêu cực đến hoạt
động logistics của Việt Nam.
Nhà ở xã hội: “giải cứu” là không đủ (Phạm Văn Đại):
Đánh giá lại khả năng trang trải của ngân sách từ đó rà soát các mục
tiêu, đối tượng thụ hưởng của chương trình phát triển nhà ở xã hội là
việc làm cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực
của nền kinh tế. Với điều kiện nguồn lực hiện có, các dự án nên tập
trung vào hình thức nhà ở xã hội cho thuê thay vì hình thức nhà ở thuê
mua, và nhà ở để bán.
Tiếp sức khởi nghiệp: gỡ vướng quyền sở hữu trí tuệ
(LS. Trần Quang Vinh): Khi gọi vốn thì các starup và nhà đầu tư thường
gặp khó khăn trong việc góp vốn và định giá đối với các giá trị sở hữu
trí tuệ.
Để bảo hộ nông nghiệp hữu hiệu (Bùi Trinh): Để bảo hộ
hữu hiệu đối với các sản phẩm sản xuất của nền kinh tế Việt Nam, cần
thay đổi từ cấu trúc kinh tế và chính sách tiếp cận thực chất, các chính
sách về thuế dần không còn tác dụng để bảo hộ những ngành có chỉ số lan
tỏa đến giá trị trị sản xuất và giá trị gia tăng cao.
Không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh - được pháp luật thừa nhận
(LS. Trần Văn Trí): Tòa án nhân dân TPHCM đã ra phán quyết thừa nhận
thỏa thuận không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh có hiệu lực thi
hành, được pháp luật bảo đảm thực thi. Đây là một trong những nội dung
có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó làm thay đổi toàn bộ nhận thức của
người lao động khi giao kết các thỏa thuận với người sử dụng lao động.
TTCK: khó miễn nhiễm khi “tiền rẻ” không còn (Linh
Trang): Trên thị trường tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán
(TTCK) Việt Nam chỉ như một cổ phiếu penny trong khi TTCK Mỹ là một
blue-chip. Khi lãi suất tăng lên, thời kỳ “tiền rẻ” sẽ không còn nữa.
Các dòng vốn sẽ có xu hướng chảy về Mỹ, dần nhắm đến các kênh đầu tư an
toàn như trái phiếu để hưởng lãi suất cao hơn.
Ẩn số cầu ngoại tệ (Thụy Lê): Tỷ giá đô la Mỹ so với
tiền đồng tiếp tục có dấu hiệu đi lên trong những phiên giao dịch gần
đây, trong bối cảnh biến số vĩ mô này được xem là một trong những thách
thức quan trọng trong những tháng còn lại của năm nay. Lực cầu ngoại tệ
đang là một ẩn số khó lường.
P2P - hướng đi mới trong lĩnh vực cho vay (Phong
Hiếu): Cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending - viết tắt là P2P) là mô
hình kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền
tảng trực tuyến. Vì thiếu hành lang pháp lý, hoạt động của các công ty
theo mô hình P2P đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro đối với tất cả các
bên tham gia.
Khó tìm đất đầu tư xây khách sạn (Đào Loan):
Nhu cầu khách sạn, đặc biệt là khách sạn từ 3 sao trở lên tại TPHCM tăng
cao khiến nhiều nhà đầu tư muốn tham gia thị trường, xây dựng những
khách sạn mới tại thành phố. Tuy nhiên, việc tìm được khu đất phù hợp để
triển khai dự án đang là vấn đề khó khăn.
Đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch đang bế tắc (Lê
Anh): Rất nhiều hợp tác xã xe buýt tại TPHCM dù muốn chuyển sang xe buýt
chạy bằng khí nén thiên nhiên để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường,
nhưng do cơ chế còn nhiều điểm bất cập cùng với những khó khăn trong quá
trình hoạt động nên việc đầu tư loại xe thân thiện với môi trường này
đang bị bế tắc.
Tìm hướng đi cho thị trường bất động sản Kiên Giang
(Hà Nam): Thị trường bất động sản ở tỉnh Kiên Giang được đánh giá là
có nhiều tiềm năng. Thời gian qua cũng đã có những cơn sốt đất trên địa
bàn với diễn biến phức tạp. Các chuyên gia và nhà quản lý đã có cuộc
trao đổi, phân tích về giải pháp, định hướng cho sự phát triển lành mạnh
thị trường bất động sản của tỉnh này tại hội thảo do UBND tỉnh Kiên
Giang phối hợp TBKTSG tổ chức.
Ứng xử với hàng triệu “thông tấn xã” (Khuất
Quang Hưng): Mạng xã hội đang là phần không thể thiếu trong công cuộc
kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp. Mỗi chủ tài khoản được coi là một
“thông tấn xã”. Cơ hội quảng bá thương hiệu nhanh chóng rất nhiều nhưng
rủi ro cũng không ít.
Chuyển đổi số marketing theo khung 7 C (Vũ Tuấn
Anh): Marketing, bán hàng cùng với dịch vụ khách hàng được coi là mặt
tiền hay người lính xung trận của doanh nghiệp. Chuyển đổi số hay gọi
vắn tắt là “số hóa”, tác động nhanh và sâu sắc tới mặt tiền - trận địa
tạo ra doanh số, lợi nhuận và sự hài lòng của khách hàng.
Trả về lại môi trường sống (Lê Thư): Thực ra, đâu
đợi đến động vật hoang dã vốn được quan tâm bảo vệ vì sự đa dạng sinh
học và cân bằng sinh thái trên hành tinh, mà mọi con vật nói chung có lẽ
nên được đối xử phù hợp với đời sống tự nhiên của chúng.
Nghĩ về chiếc mũ bảo hiểm (Phạm Hải Chung):
Chúng ta cần ý thức hơn khi tham gia giao thông và đồng thời nên có
những biện pháp giảm thiểu chấn thương cho mình. Điều đó có thể bắt đầu
từ một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
Xem phim xong mình đi du lịch (Diễm Trang): Đôi khi, tôi nghĩ, phải chăng cơ duyên thúc giục tôi tìm thăm những vùng đất mới chính là những bộ phim?
Hãy tô màu cho những chú thiên nga (Phi Yến):
Nassim Nicolas Taleb đã nghiên cứu thói quen mặc định sự hiểu biết trong
não bộ chúng ta với “Thiên nga đen”, một tác phẩm giúp người đọc hiểu
hơn về chính mình và thay vì đóng khung sự hiểu biết như bộ lông thiên
nga trắng toát, sao chúng ta không tự mình giúp chúng sặc sỡ hơn trong
trí tưởng tượng của chúng ta?
Bóng đá và kinh doanh (Phạm Kỳ Anh): Qua tiền tỉ,
các đại gia cố xáo trộn ranh giới bóng đá, ngay cả các cúp quốc gia
nhiều nơi có cầu thủ từ hàng chục quốc tịch khác nhau, nhưng khi đến cúp
liên lục địa, môn thể thao vua này lại khép cầu thủ về lại với nước
mình. Đá bóng trước tiên là vì màu cờ sắc áo, là vì danh dự của Tổ quốc.
Triều Tiên, địa chỉ đầu tư mới? (Trúc Diễm):
Sau buổi hội đàm lịch sử Mỹ- Triều vừa qua, Triều Tiên trở thành một
điểm đến đầu tư được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Xu hướng “thuê bao” bệnh viện của công ty Mỹ (Minh
Đức): Trước tình trạng chi phí y tế ngày một tăng cao, nhiều công ty lớn
ở thung lũng Silicon đang tìm cách tụ lo vấn đề chăm sóc sức khỏe cho
các nhân viên của mình.
Mỹ - Trung leo thang chiến tranh thương mại (Huỳnh
Hoa): Sau thời kỳ âm ỉ, xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới
đã bắt đầu bùng phát thành chiến tranh thương mại, với nhiều hệ lụy trầm
trọng cho toàn bộ nền kinh tế thế giới.