GÒ THIỀM THỪ - DI TÍCH KHU MỘ TỔ HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM.
Phường Phú
La, quận Hà Đông Thành Phố Hà Nội, một địa danh bên đất kinh kỳ còn lưu
giữ được nhiều di tích lịch sử quý giá. Một trong những di tích quan
trọng bậc nhất của dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, là gò Thiềm Thừ (còn gọi
là: gò Ba La).
Gò có diện tích 447mét vuông, xung quanh là khu đất
cây xanh bảo tồn với diện tích 490mét vuông, nằm ở phía tây bắc làng Văn
La (nay là tổ dân phố 5,6) phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà
Nội, ngay cạnh ngã ba Ba La. Gò rất cao, xưa kia gò rộng chừng gần 2 sào
bắc bộ, gò có hình giống như một con cóc lớn đang ngồi, đầu trông về
hướng núi Ba Vì. Theo dân làng thường gọi là gò Ba La* xung quanh gò Ba
La còn có 8 gò nhỏ đều châu đầu về gò lớn này, gồm các gò: gò Xanh, Gò
Mái, Gò Lược, gò Con bướm, gò con công, gò chùa, gò đống đất, gò ngõ
đông (các gò nói trên tồn tại đến năm 2007 nhà nước quy hoạch xây dựng
khu đô thị đã bị phá, hiện nay còn giữ lại duy nhất là gò Ba La) gò Ba
La xưa nằm ngay cạnh chùa Đại Bi** gần ngã ba Ba La.Tại chùa này bà Đỗ
Quý Thị, hiệu Đoan Trang sau khi đã tu thành quả, được phong tước hiệu
là "Hương Vân Cái Bồ Tát" đã trụ trì tại đây. Ngôi chùa cũ đã bị phá từ
rất lâu, chỉ còn sót lại một giếng tròn to và nền của ngôi chùa cổ, đến
những năm 1970 một số cơ quan về cắm đất xây dựng nên dấu tích chùa và
giếng chùa đã bị xoá chỉ còn ngôi mộ cụ Hương Vân Cái Bồ Tát nằm dưới
gốc bồ đề (nay thuộc tổ dân phố 8 phường Phú La, quận Hà Đông thành phố
Hà Nội).
Cũng theo các cụ cao niên trong làng, đặc biệt là các cụ họ
Đỗ của địa phương kể lại rằng: các cụ xa xưa trong họ vẫn căn dặn con
cháu: đây là phần mộ cụ Tổ họ Đỗ ngàn đời nhà mình. Hàng năm Làng Văn La
bắt đầu mở hội vào ngày 10 tháng giêng âm lịch, ngày mùng 4 tháng giêng
họ Đỗ đi tảo mộ và ra gò lễ.
Các cụ cũng truyền lại, trước đây gò
có 2 tượng ông cóc nằm trên cột đá ôm bọc càn khôn (vật báu) do đó gò
còn có tên là gò Thiềm Thừ. Từ xưa đến những năm đầu của thế kỷ 21 dân
làng chỉ biết đây là ngôi gò thiêng, con cháu họ Đỗ cũng chỉ theo các cụ
dặn lại đây là mộ tổ lâu đời của họ, cho đến năm 2006 qua một số tàng
thư còn lưu giữ, khi nghiên cứu về dòng họ, nhóm nghiên cứu do PGS Đỗ
Tòng lãnh đạo, đã tiếp cận được nguồn sử liệu Hán Nôm qúi giá được gia
tộc họ Nguyễn Văn, ở Thôn Văn Nội, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai lưu
giữ. Đặc biệt là hai bộ Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư (nội dung nói về thời
Phục Hy đã làm Chủ trưởng ở vùng đất Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ…
đến các thế hệ sau. Ở đây có nói đến nước Xích Quỉ do Kinh Dương Vương
đứng đầu) và Bách Việt Tộc Phả (có ghi rõ đây là phả mật, không truyền
ra ngoài)…Những tài liệu này đã được Nhóm nghiên cứu dịch ra chữ Quốc
ngữ, xin trích một đoạn đoạn:
“Thủy Tổ Tỷ Hương Vân Cái Bồ Tát Đỗ Quí Thị (Quý bà họ Đỗ).
Có tên là Ngoan, bị chồng bỏ thì đem con vào Động Tiên Phi (nay là Động
Tiên - Đầm Đa, tỉnh Hoà Bình) tu hành, dạy dân làm điều thiện, bỏ điều
ác và nuôi con là Nguyễn Lộc Tục trưởng thành. Trong nước có giặc Ma Mạc
quấy phá ở núi Tử Di Sơn, Bà cho con đem bánh chưng, bánh dày dâng lên
Đức Ông Nguyễn Minh Khiết (hiệu Thái Khương công) và xin cho Lộc Tục
được đi đánh giặc. Được Đức Ông khen và giao cho binh quyền dẹp giặc.
Nguyễn Long Cảnh là chú thấy cháu là con trưởng còn ít tuổi, xin anh cho
đi cùng với cháu. Dẹp được giặc Ma Mạc, Lộc Tục lúc trở về đi qua hồ
Động Đình, được Động Đình quân gả con gái cho, đó là Mẫu Thượng Ngàn.
Hương Vân cái bồ tát còn có 8 người em trai (có nghề rèn đúc đồng, làm
vũ khí) là: Bát Bộ Kim Cương và mang Phật hiệu, là:. Đỗ Xương- Thanh Trừ
Tai Kim Cương. Đỗ Tiêu- Tịch Độc Thần Kim Cương. Đỗ Hiệu- Hoàng Tùy Tai
Kim Cương. Đỗ Cường- Bạch Tịnh Thủy Kim Cương. Đỗ Chương- Xích Thanh
Hỏa Kim Cương. Đỗ Dũng- Tịnh Trừ Tai Kim Cương. Đỗ Bích- Từ Hiền Thần
Kim Cương. Đỗ Trọng- Đại Lực Thần Kim Cương. Đời sau, tôn hiệu Bà là
Hương Vân Cái Bồ Tát (Tây Vương Mẫu). Người dân tộc Mường- Hoà Bình gọi
Bà là Sơn trại Chúa Mường.
Cũng qua các thư tịch cổ và gia phả của
họ Nguyễn Văn làng Văn Nội còn lưu lại, họ Đỗ Việt Nam mới biết gò Thiềm
Thừ chính là mộ của các cụ Tổ họ Đỗ Việt Nam, trong đó có Bát Bộ Kim
Cương (Tượng bát bộ kim cương đang được thờ trong một số ngọn chùa cổ
trong đó có chùa Tây Phương - Thạch Thất,chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, chùa
Mía ở Sơn Tây…) cũng qua tàng thư lưu lại, người ta đã phát hiện 2
tượng ông cóc ở gò Thiềm Thừ hiện nay đang nằm ở bờ sông Nhuệ, tại xóm
Ba Gang làng Cự Đà xã cự Khê huyện Thanh Oai.
TƯỢNG HAI ÔNG CÓC
Theo các cụ cao niên của địa phương kể lại, Ngày nhỏ các cụ vẫn theo
các bậc trưởng thượng lên gò thắp hương, thì gò còn cao lắm, phải níu
gốc cây mà lên. Trên gò còn có 02 bia con cóc. Bia con cóc trên gò Thiềm
Thừ (gò cóc Thần) nay vẫn còn trên bờ sông Nhuệ, ở làng Cự Đà, xã Cự
Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Hai bia đều bằng đá, hình trụ chữ nhật,
trên đỉnh trụ bia có con cóc ôm quả địa cầu, tượng trưng là "Cậu Ông
Trời" (Ngọc Hoàng Thượng Đế). Cóc đá có chiều cao 27 cm, dài 42 cm, nằm
trên bệ đá hình vuông 48 cm x 48 cm. Trên lưng cóc tạo hốc sâu, để chứa
dầu và bấc. Khi đốt lên là hai cây đèn thờ. Bốn mặt bia đề bốn câu chữ
Hán.
Phiên âm chữ Hán:
- Phương phần bảo vật
- Vạn cổ nghiễm nhiên
- Chi hạng lưu hương
- Thiên thu thường tại.
Lời dịch của La Sơn Phù Tử Nguyễn Thiếp năm 1789:
- Lối cũ dấu thơm
- Nghìn xưa vẫn đó
- Cây to báu vật
- Muôn thuở còn đây.
Ngọc phả còn cho biết, Lộc Tục được cha truyền ngôi có hiệu là Kinh
Dương Vương đứng đầu nước Xích Quỉ, trước khi ra đời nước Văn Lang. Đời
sau tôn xưng ngài là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tám ông cậu của ngài có công
giúp cháu từ trứng nước đến khi trưởng thành, được tôn hiệu là Bát Bộ
Kim Cương Bồ Tát và được tạc tượng thờ ở các chùa trên khắp đất nước.
Qua các tàng thư để lại cho biết, gò Ba La (gò Thiềm Thừ) đã có cách đây
trên 5 ngàn năm, gò được các thế hệ trong họ ở địa phương trân trọng
gìn giữ. Ngày 28/3/2016 Di tích gò Thiềm Thừ (khu Mộ Tổ họ Đỗ (Đậu) Việt
Nam) đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng theo Quyết Định số: 1482/QĐ
- UBND. Hàng năm có rất nhiều đoàn hành hương là con cháu trong họ, các
quý phật tử cùng khách thập phương về tham quan, tiến lễ và chiêm bái
khu di tích. Di tích khu Mộ Tổ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam là niềm tự hào của
hơn 9 triệu người con cháu hậu duệ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đang được tôn
tạo, ngày càng khang trang, bề thế, xứng tầm với Di tích của một dòng họ
lớn trong bách gia trăm họ của dân tộc Việt Nam.
KHU ĐẤT DỰ KIẾN XÂY DỰNG NHÀ THỜ TỔ HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM.
Thể theo nguyện vọng của bà con họ Đỗ (Đậu) trong cả nước, thực hiện
Nghị Quyết ngày 14/7/2017 của HĐ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đã đề ra. Năm 2017
HĐHĐ(Đậu) VN đã mua được 261 mét vuông đất để xây dựng Nhà thờ Tổ. Mảnh
đất này nằm liền kề với Di tích Chùa Văn La nơi xưa kia cụ Đỗ Quý Thị
đã tu hành và nơi đã lưu giữ một số tượng về Hương Vân Cái Bồ Tát. Khu
đất này chỉ cách Mộ Tổ gần 200 mét. Xung quanh khu đất này được nhà nước
quy hoạch là khu công viên cây xanh rộng hơn 1000m2. Dự kiến Khi huy
động đủ tiền mua đất Họ sẽ xây dựng nhà thờ Tổ thật khang trang làm nơi
nhang đăng phụng thờ Tiên Tổ. Với số tiền đất mua phải trả là hơn 7 tỷ
đồng. Hiện tại bà con họ Đỗ (Đậu) cả nước đã hướng về Tiên Tổ, nguồn cội
đã phát tâm ủng hộ được 4 tỉ đồng vào quỹ mua đất xây dựng nhà thờ Tổ.
hiện nay còn thiếu 3 tỉ nữa HĐHĐ(Đ)VN đang mở cuộc vận động đợt II kêu
gọi mọi người trong họ hướng về Tổ Tiên, góp sức, chung lòng ủng hộ quỹ
mua đất xây dựng nhà Thờ Tổ được thành công viên mãn.
Ảnh 1 di tích
Mộ Tổ họ Đỗ (Đậu) VN, ảnh 2: bia đá hình hai mẹ con cụ Hương Vân Cái Bồ
Tát tại chùa Văn La, ảnh 3: tượng 2 ông cóc.
ST: Đỗ Khánh Bính
|