Trong bài viết đăng trên chuyên san của Viện nghiên cứu ORF
(Ấn Độ) mới đây, chuyên gia về Ấn Độ - Thái Bình Dương, Niranjan
Chandrashekhar Oak đã cho rằng Cảng quốc tế Cam Ranh đang nổi lên như
một điểm chốt quan trọng trong khuôn khổ chính sách đối ngoại rộng lớn
hơn của Việt Nam giữa các biến động ở Biển Đông. Tác giả này viết:
Ngày
17/9, Kuroshio – chiếc tàu ngầm đầu tiên của Nhật Bản đã cập cảng quốc
tế Cam Ranh của Việt Nam. Có một điều ít người biết, Kuroshio chỉ là tàu
ngầm đầu tiên của Nhật Bản đến Cam Ranh nhưng trên thực tế, trước đây
cảng này đã từng tiếp đón không ít những chiến hạm của nước ngoài như
Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Australia kể từ khi
được khai trương vào năm 2016.
Cảng Cam Ranh nằm giữa các tuyến
đường biển quan trọng hàng đầu thế giới đi qua Biển Đông, cách eo biển
Malacca 950 hải lý, một “tiền đồn” chiến lược. Đây là một trong những
cảng nước sâu tốt nhất ở toàn bộ khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, có khả
năng tiếp đón tàu ngầm cũng như tàu sân bay lớn cùng với các tàu hải
quân khác neo đậu.
Nhờ vị trí địa lý, Cam Ranh trở thành một pháo
đài tự nhiên chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra nhưng cũng cùng
với đó, nó hội đủ mọi điều kiện cần thiết để trở thành một cảng biển lý
tưởng. Trong suốt quá trình lịch sử cận và hiện đại Việt Nam, Cam Ranh,
với tầm quan trọng chiến lược của mình, đã thu hút những kẻ thực dân và
xâm lược, bắt đầu là với người Pháp.
Người Nhật đã khai thác cảng
Cam Ranh trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, còn người Mỹ thì đã sử dụng
nó trong Chiến tranh Việt Nam. Sau khi Việt Nam thống nhất, Việt Nam đã
cho Liên xô thuê cảng này trong vòng 25 năm. Hợp đồng cho thuê đã kết
thúc vào năm 2002.
Vào năm 2010, do lối hành xử mang tính gây bất
ổn của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã công bố kế hoạch hiện đại hóa
và nâng cấp cảng Cam Ranh để khai thác thương mại giá trị của cảng này
bằng cách cho tàu nước ngoài đến sửa chữa, tiếp nhiên liệu và neo đậu.
Hình ảnh cảng Cam Ranh (Ảnh tư liệu)
Giai
đoạn đầu tiên của kế hoạch đã mang lại kết quả vào tháng 3/2016 với
việc các tàu nước ngoài, trong đó có tàu sân bay, bắt đầu ghé Cam Ranh.
Chuyến ghé thăm của tàu ngầm Nhật Bản là sự kiện mới nhất. Bằng cách mở
cửa Cam Ranh cho “toàn bộ” các đối tác nước ngoài, Việt Nam đảm bảo rằng
nước này tuân thủ chính sách đã tuyên bố của mình, theo đó đa dạng hóa
quan hệ đối ngoại và “làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”.
Ngoài ra, cảng Cam Ranh cũng đã cung cấp thêm một đòn bẩy cho kho vũ khí ngoại giao của Việt Nam.
Thứ
nhất, vị trí địa lý của cảng Cam Ranh chỉ cách Quần đảo Hoàng Sa 323
hải lý, cách Quần đảo Trường Sa 431 hải lý và cách đảo Hải Nam 462 hải
lý. Hơn nữa, sự gần gũi của cảng Cam Ranh với Eo biển Malacca và Trung
Quốc khiến nơi đây trở thành một địa điểm lý tưởng để bảo vệ đất nước
cũng như các quần đảo thuộc chủ quyền của mình nếu như chiến tranh xảy
ra.
Vì vậy, bằng cách mở cửa cảng Cam Ranh một cách hạn chế, Việt
Nam đã khéo léo báo hiệu với các thế lực có ý đồ xấu rằng Hà Nội có thể
tiến xa hơn nữa trong việc hợp tác quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
của mình.
Thứ hai, nếu phân tích danh sách các quốc gia có phương
tiện hải quân đã ghé thăm cảng Cam Ranh cho đến nay, rõ ràng là ngoại
trừ Trung Quốc, còn tất cả các nước khác đều nhất trí với nguyên tắc tự
do hàng hải rộng lớn hơn ở các vùng biển mở theo Công ước Liên hợp quốc
về Luật biển (UNCLOS).
Điều này có nghĩa là những “vị khách” đã và
đang đến Cam Ranh đều có lập trường khác biệt với Trung Quốc trong vấn
đề tự do hàng hải.
Do đó, mặc dù về mặt chính thức, Hà Nội vẫn
đang tuân thủ “chính sách đối ngoại ba không của mình” (không liên minh,
không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài, và không sử dụng một quốc gia
này để chống lại một quốc gia khác), nhưng Hà Nội đang áp dụng chiến
lược cân bằng mềm để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông thông qua cảng
Cam Ranh.
Thứ ba, việc mở cửa trở lại cảng Cam Ranh cho thấy
khuynh hướng của Hà Nội muốn trở thành đối tác của các cường quốc khu
vực quan trọng. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã làm sâu sắc mối quan
hệ an ninh và quốc phòng với Mỹ và các đối tác của nước này.
Mặc dù vậy, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với các cường quốc khác như Pháp và Nga.
Mặc
dù Việt Nam tuyên bố cảng Cam Ranh sẽ không trở thành một căn cứ hải
quân nước ngoài, nhưng Ấn Độ hiện có một vị trí đặc biệt trong sự tính
toán chiến lược của Việt Nam.
Hà Nội đã cấp quyền tiếp cận độc
quyền cho tàu hải quân Ấn Độ trong việc sử dụng Cảng Nha Trang, vốn chỉ
cách cảng Cam Ranh một quãng ngắn. Chưa có lực lượng hải quân nào khác
có thể tiếp cận Cảng Nha Trang ngoại trừ tàu bệnh viện USNS Mercy của
Hải quân Mỹ được phép neo đậu tại đó hồi tháng 5/2018.
Điều này
thể hiện chính sách ngoại giao cẩn trọng của Hà Nội nhằm đạt được kết
quả mong muốn mà không ảnh hưởng đến chính sách đã tuyên bố. Nó cũng thể
hiện chiều sâu của mối quan hệ chiến lược Ấn-Việt, vốn đã được mở rộng
hơn nữa khi hải quân hai nước tiến hành các cuộc diễn tập hải quân chung
vào tháng 5/2018.
Ngoài việc có quan hệ song phương mạnh mẽ, mối
quan hệ thân thiện đồng thời của Ấn Độ với Mỹ và Nga là hoàn toàn phù
hợp với khuôn khổ chính sách đối ngoại đa chiều của Hà Nội. Ấn Độ hiện
đang giúp huấn luyện thủy thủ Việt Nam để phục vụ trên các tàu ngầm lớp
Kilo cũng như phi công lái các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 của Nga.
Tương
tự như vậy, Ấn Độ có mối quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ với Mỹ, vốn
đang liên kết với Việt Nam trong chiến lược rộng lớn của Washington đối
với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Như vậy, sự hội tụ chiến
lược rộng lớn giữa Ấn Độ và Việt Nam cùng với hình ảnh của Ấn Độ là một
cường quốc "hiền lành" đã cho phép Hà Nội trao đặc quyền cho New Dehli
tiếp cận Cảng Nha Trang. Ngoài ra, sự hiện diện của Ấn Độ ở khu vực này
không gây nên sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh giống như có thể xảy
ra với Mỹ hoặc Nga.
Những chuyến ghé thăm cảng Cam Ranh của tàu chiến nước ngoài. (Thống kê của tác giả Niranjan Chandrashekhar Oak).
Việt
Nam không muốn bị coi là đang có vị thế bất lợi trong việc duy trì toàn
vẹn lãnh thổ của mình. Cảng Cam Ranh đang giúp Việt Nam nuôi dưỡng và
tăng cường nhiều mối quan hệ an ninh.
Nó
cũng đảm bảo sự hiện diện liên tục của hải quân nước ngoài ở khu vực
này – điều không hề mong muốn đối với Trung Quốc do mục tiêu của Bắc
Kinh là muốn trở thành quốc gia duy nhất kiểm soát Biển Đông.
Về
lý thuyết, một sự hiện diện rõ ràng về hải quân là một hình thức ngoại
giao hải quân mà sẽ đạt được nhiều mục tiêu, chẳng hạn như thể hiện ý
định, trấn an các đối tác và răn đe kẻ thù. Cảng Cam Ranh đang tạo điều
kiện thuận lợi tương tự cho Việt Nam.