TRĂN TRỞ TRƯỜNG
CHUYÊN !
Hữu Thảo
(CGC)
Đã
có một số ý kiến trái chiều về Trường chuyên (TC), thậm chí đến mức quá mạnh dạn,
bị coi là cực đoan, là đề nghị Bỏ TC (có lẽ khởi đầu là từ ý kiến của PGS Nguyễn Đức
Thành). Số ý kiến này chưa nhiều, nhưng lại đều phát ra từ những người tử tế,
không có động cơ vụ lợi cá nhân hay nhóm, rất tâm huyết, có trình độ học vấn
không thấp, trong đó gồm nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục (GD), cựu giáo
chức. Ý kiến của họ vừa có lý luận lại vừa có thực tiễn qua nghiên cứu và trải
nghiệm nhiều chục năm về TC. Với lý lẽ thuyết phục, bước đầu các ý kiến này đã
và đang được dư luận chú ý và quan tâm theo dõi quá trình tiếp tục tranh luận,
phản biện trên các diễn đàn. Tôi chỉ là một bạn đọc chăm chỉ của các trang mạng
và tạp chí cũng đang có một số suy nghĩ riêng, nhân cơ hội này xin phép được nêu
ý kiến cá nhân của mình để cùng góp vào diễn đàn chung về chủ đề này.
1- Hãy nhìn từ hiệu quả thực tế của
sản phẩm TC qua quá trình nhiều chục năm tồn tại. Cứ như mục đích đặt ra của nhà
nước ta, thể hiện qua Luật Giáo dục (các TC được thành lập là nhằm tạo
nguồn cho việc đào tạo nhân tài, phục vụ sự phát triển của đất nước),
thì đúng là toàn hệ thống các TC, kể từ các TC nổi danh nhất, đều không làm
được gì đáng kể, nếu không muốn nói là chưa làm được gì đối với mục tiêu chiến
lược này. Chúng ta thử hỏi các thế hệ Hiệu
trưởng TC trong cả nước, thử hỏi các đời Bộ trưởng GD&ĐT xem các TC đã làm
như thế nào và học trò TC trong khi học đã phấn đấu như thế nào để hướng tới được
mục tiêu thành Mầm
Nhân Tài
?
Và để trở thành mầm nhân tài thì học trò
TC phải hội đủ được những phẩm chất gì về đạo đức và trí tuệ ? (chứ không phải
cứ học xong TC thì là đương nhiên đâu). Đã có bao nhiêu học trò TC trở thành
các chuyên gia đầu ngành, thành các nhà khoa học giỏi, thành các Giáo sư uy tín
của các trường Đại học của đất nước, thành nhân lực chất lượng cao trong các
lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, … là do công lao từ TC ? Và cứ tạm coi
đó là Nhân tài quốc gia thì tỷ lệ đó là bao nhiêu so với tổng số học trò TC (rất
lớn) đã được đào tạo từ cái nôi này hàng nhiều chục năm qua ? Chúng ta chưa
hề được nghe, được đọc câu trả lời chính thức của các vị có trách nhiệm ! Chúng
ta lại tiếp tục chịu khó dò
tìm vào
các trang mạng (nội bộ và đối ngoại) của chính các TC để xem những thành tích tạo
nguồn này đồ sộ đến mức nào rồi, thì tất lại cũng phải thất vọng ! Trên các
trang mạng đó chỉ thấy chủ yếu là các thông tin về thành tích Giật Giải trong
các kỳ thi, với số lượng khá nhiều, đó là : các giải thi Học sinh giỏi quốc
gia, khu vực và quốc tế, các giải vô địch trong các sân chơi trí tuệ ở trong và
ngoài nước, các con số tỷ lệ cao về thi tốt nghiệp và
đỗ đại học, các con số du học sinh được nhận học bổng hàng năm, … … Rồi theo
đó ắt phải là con số các bằng khen đủ các loại, các Huân chương, thậm chí có cả
Danh hiệu nhà nước Anh hùng lao động,… chỉ về
những thành tích Thi
đó. Chứ tuyệt nhiên không có các thông tin trả lời trúng được các câu hỏi cốt
tử (tạo mầm nhân tài) đã nêu ở trên ! Lại thêm nữa, hình như mới có một TC
lập được Hồ sơ học sinh ra trường (họ
gọi là Kỷ yếu cựu học sinh), một thứ hồ sơ có tính đặc thù của các cơ sở
GD&ĐT, mà nhiều nhà trường phổ thông không chuyên đã từng làm được. Thực tiễn
phát triển GD&ĐT nói chung và hoạt động dạy và học ở các TC của Việt Nam
lâu nay chỉ chứng tỏ : các TC chỉ chăm chăm vào 2 mục tiêu được coi là “sống còn” của họ, đó là Tỷ lệ đỗ đại học
cao, con số du học nhiều và con số Giải nhiều trong Thi HS giỏi các loại. Còn
sau đó là gì thì TC không cần biết ! Theo một số điều tra xã hội học (độc lập)
thì đa phần học trò TC đều là con em các gia đình khá giả (quan chức và nhà giầu),
và thực tế số đông học trò TC sau tốt nghiệp đại học và sau du học (có học bổng
hoặc tự túc) đều tìm cách Ly Hương, mà hấp dẫn và phổ biến nhất là làm
việc và định cư ở nước ngoài, ngày càng nhiều, với con số khá ấn tượng.
Số còn lại đều kiếm được những chỗ làm ngon lành
có
lẽ cũng nhờ vào hơi hướng là học trò TC (và Tiền), nhưng không có ai đóng góp được gì nổi trội về mặt trí tuệ cho lợi ích cộng đồng,
so với những học trò trường không chuyên khác cùng trang lứa ! Như vậy là TC chỉ mới mang lại lơi ích rất riêng (tuy mới chỉ ở mức nửa vời) cho một
thiểu số cá nhân và gia đình (nhà giầu và quan chức), mang lại danh thơm (nhưng
hão) cho TC và các địa phương, chứ nhân dân và đất nước thì không được gì cả
! “Nguyên khí quốc gia” cứ thế mà buột khỏi tay Đất Mẹ, chất xám cứ thế mà xuất
cảnh tự do, không hẹn ngày trở về ! Đúng như cảnh “Tò vò nuôi nhện” trong truyện
xưa ! Chả nhẽ lãnh đạo các cấp và cả bản
thân các TC chỉ cần như vậy thôi sao, họ không cần đến lợi ích to lớn tầm chiến lược quốc gia, (tạo nguồn
đào tạo nhân tài cho đất nước) mà các TC buộc phải hướng tới, như Luật GD đã qui
định sao
?
Vậy nên câu hỏi tất yếu phải đặt ra là : Duy trì và ưu đãi TC để làm gì ? Chính sách
về TC có bị thao túng bởi các lợi ích nhóm hay không ?
Mới chỉ xét riêng góc độ thứ nhất, tôi ủng
hộ ý kiến của nhóm thiểu số, tức là : phải
xem xét lại sự tồn tại của TC, phải thay đổi để hướng nó theo đúng mục đích
của TC mà Luật GD đã xác định !
2- Soi xét vào
thực chất quá trình đào tạo của TC , tức là phải xem
các TC đã tác nghiệp như thế nào để học trò của mình sau 3 năm học sẽ hội đủ được
cac phẩm chất cơ bản về đạo đức và trí tuệ theo tiêu chuẩn của các Mầm Nhân
Tài quốc gia ? Tôi đã đọc một bài hồi ký của một cựu giáo viên cấp
III thời bắt đầu triển khai cải cách GD lần thứ hai (từ 1956), thời mà TBT Trọng
bắt đầu học cấp III ở trường Nguyễn
Gia Thiều (Gia Lâm – HN). Bài hồi ký đã điểm lại bộ mặt GD miền Bắc thời đó và
đối sánh với thực trạng GD của cả nước hiện nay, rồi chỉ ra 4 khuyết tật cốt tử của nền GD Việt Nam
hiện nay và thẳng thắn nhận định GD Việt
Nam thực sự đang khủng hoảng ! Điều đáng quan tâm liên quan đến việc đánh
giá TC là tác giả đã khẳng định trong cả
4 khuyêt tật “chết người” đó thì TC lại là những điển hình tiêu biểu, đậm
nét nhất, đầu
têu nêu gương xấu, tạo nên tác động dây chuyền tiêu cực đối với yêu cầu phát
triển lành mạnh của toàn hệ thống GD&ĐT, chứ TC không thuộc tốp đứng ở vị
trí dẫn dắt, tiên phong, ngay chỉ trong khối các trường THPT ! Đó là :
1.2- Mục tiêu GD toàn diện đã thực sự bị bóp méo, thậm chí bị hy sinh,
cho mục tiêu thực dụng “học để thi” của nền GD ứng thí đã xưa cũ. Hầu như ở tất cả các trường THPT, điển hình là ở
các TC, đều coi việc truyền thụ/tiếp thu tri thức là mục tiêu
chính, khác xa với mục tiêu chủ yếu là tạo
dựng Năng lực để lập nghiệp của nền GD thực học ở các nước tiên tiến. Biểu
hiện rõ nhất là về phương pháp dạy/học
luôn nặng về áp đặt, không khuyến khích và tạo điều kiện để học trò phát huy
tính chủ động, sáng tạo. Năng lực tự học, tự giáo dục (chứ chưa nói đến
năng lực sáng tạo) không được quan tâm tạo
dựng cho học trò ngay từ đầu, kể cả với học trò TC. Việc học luôn bị động, phải lệ thuộc vào thầy, vào sách,
học trò luôn phải nghe theo, làm theo các mẫu, nên sa vào xu hướng đối phó “thi gì học nấy”, rồi bằng mọi cách để có điểm thi tốt, kể cả gian
lận !
Hệ quả tất yếu là nhà trường chỉ đào tạo ra được hàng loạt con người mà đa phần
chỉ biết “nghe theo và làm theo”, kể
cả học trò TC vốn có “mác” thông minh hơn người ! Riêng các TC còn luôn bị áp lực
khá nặng nề về Giải Thi nên việc dạy
và học ở đó về thực chất chỉ như là một kiểu
“công nghệ luyện gà chọi”. Nền GD của chúng ta hiện nay do quá coi trọng Dạy
Chữ nên đã coi nhẹ các yêu cầu GD toàn diện, trước hết là việc Dạy Làm Người, biểu
hiện tập trung ở nhiệm vụ GD đạo đức và lối sống. Ở TC cũng vậy, có khi còn tệ hơn các trường
không chuyên. Ở các nhà trường phổ thông của chúng ta, kể cả các TC, chưa được
dạy/học đến nơi đến chốn, cả lý thuyết và thực hành, các môn Đạo đức và Giáo dục
công dân. Những phẩm chất đạo đức cốt lõi nhất mới chỉ được nghe lướt qua cái
tai, chứ chưa thấm sâu được vào “phần hồn” và biến thành hành vi thường trực của
số đông học trò, kể cả học trò TC (như Lòng Nhân ái, tính Trung thực, lòng Tự
trọng, ý thức Trách nhiệm, lòng Yêu nước,…). Nên chi sau khi tốt nghiệp THPT,
các em vẫn chưa có đủ khả năng miễn dịch, chống lại sự tha hóa trong chặng đường
tiếp theo ở môi trường đại học và lập thân, lập nghiệp. Với học trò TC thì sau khi
du học, đa phần các em đều chọn cách “bye bye” Đất Mẹ là điều tất yếu, không có
gì lạ ! … Chỉ xét riêng việc dạy chữ
(các môn văn hóa) thì cũng đã vi phạm khá nặng yêu cầu học toàn diện, nói rõ ra
là đều học lệch, tức là chỉ chú trọng
môn chuyên, hoặc môn sẽ thi đại học, còn các môn khác thì thường chỉ học qua quýt,
có khi còn bị hy sinh, nên mới có tình trạng học khá hoặc học chuyên KHXH thì
kém, thậm chí dôt đặc KHTN, và ngược lại ! (Nhưng cuối năm vẫn có điểm số đẹp, tức
là gian lận “được phép” và “đúng quy trình”).
Thêm nữa, trong việc dạy/học ở cả
các TC cũng có nhiều cái Thừa về kiến
thức văn hóa, rất vô tích sự đối với yêu cầu học lên đại học và lập nghiệp. Trong
khi đó lại còn rất nhiều cái Thiếu khác
trong nội dung dạy/học cần cho yêu cầu cuộc sống lập thân, lập nghiệp, như các
kỹ năng sống và các nội dung đạo đức và lối sống, … đã nêu trên. Chính nhiều thầy
giáo dạy chuyên và nhiều học trò TC đã thành đạt (như ý kiến của PGS Nguyễn Đức
Thành) từng nêu nhận xét thật lòng như vậy !
2.2- GD Việt Nam bị thương
mại hóa ngày càng nặng nề, đến mức bẩn thỉu, nhơ nhớp. Có thể nói không
ngoa rằng ngày nay ở đâu trong lĩnh vực GD&ĐT cũng đều “ngửi thấy Mùi Tiền”,
từ các nhà trường đến cơ quan quản lý GD các cấp ! Tất cả những gì liên quan đến
chuyện học hành và thi cử thì ở đây đều
có bán, bằng Tiền hoặc bằng rất nhiều Tiền. Không có gì là không mua được, từ
chỗ học, điểm số, danh hiệu thi đua hai tốt,…cho đến bằng cấp các loại, và tột đỉnh
là các sản phẩm cao cấp của GD&ĐT (đề tài nghiên cứu khoa học, các học vị,
học hàm). Quan hệ giữa Nhà trường/GD với xã hội đã biến chất, không còn là những
sự phối kêt hợp song phương, đa phương đẹp đẽ trong các hoạt động GD và quản lý
GD nữa, mà chỉ còn lại trần trụi là
những sự mua bán, trao đổi, có đi có lại, mặc cả, giao kèo, … kiểu thị trường.
Rồi tiếp đến là những công việc chăm lo hậu cần cho GD&ĐT, với nguồn tài
chính không hề nhỏ, chuyện triển khai liên tục cả loạt các dịch vụ học đường,…
cũng đều là chuyện mua bán, ăn chia mang hơi hướng thương trường, chợ búa, thậm
chí rất ma fia. Ngày nay không những người ta triệt để lợi dụng các nhu cầu có
thật về GD&ĐT để làm ăn không minh bạch, mà còn cố tình tạo ra các nhu cầu
giả để kiếm chác bất chính, còn lạm dụng các chính sách về GD&ĐT để vụ lợi,
rõ nhất và nhiều nhất là chính sách Xã hội hóa GD. Cho nên các hoạt động
GD&ĐT và quản lý GD&ĐT đang trở thành điểm nóng về Tham nhũng, GD&ĐT
đang biến thành một trong những môi trường phức tạp và hoen bẩn nhất nhì của xã
hội thời kinh tế thị trường ! Trong đó thì bộ phận các TC lại là những điểm nóng nhất, có thể coi là nơi sôi động
nhất và cũng điển hình nhất của chuyện mua bán trong GD&ĐT. Từ chuyện tuyển
đầu vào, chuyện xin điểm, chuyện làm đẹp học bạ hàng năm… đến chuyện lập đội
tuyển, tập huấn các đội tuyển, chuyện lo lót để giành được giải cao trong các
cuộc thi, đều có vai trò của Tiền, đều cần đến những phi vụ giao kèo, mặc cả,
không thể minh bạch, công khai. Rồi chuyện tuyển giáo viên cho từng năm học,
chuyện đầu tư sửa chữa, mua sắm thiết bị, … , đều phải có thỏa thuận ăn chia, chứ
không vô tư và trong sáng như nhiều người tưởng đâu. Ngay cả chuyện bổ nhiệm hiệu
trưởng TC cũng là những câu chuyện đầy kịch tính, là cả một quá trình thương lượng
thật nhưng ngầm, và cả đối thoại giả, dài dài trên cơ sở thỏa thuận kiểu mua
bán, và Tiền chi vào đấy phải tính theo đơn vị Tỷ VND, chứ không nhỏ ! Chính
khuyết tật thương mại hóa bẩn thỉu này đã làm cho khá nhiều nhà giáo, trong đó
có nhiều hiệu trưởng, kể cả ở TC, và cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp bị dính tội
chạy chọt, tham nhũng, tay đã nhúng chàm, uy tín của cá nhân và của ngành bị
suy giảm nghiêm trọng ! Nên chi “Tôn sư trọng đạo” ngày nay chỉ còn là một thứ
lễ nghi giả tạo và thật sự xa lạ với xã hội ta, vì người dân đã mất lòng tin ở
GD và nhà trường rồi, không còn như ngày xưa nữa !
3.2- GD&ĐT Việt Nam
vẫn chưa tự giải thoát được khỏi những hạn chế cố hữu, vốn là sản phẩm của các
nền GD phong kiến, thực dân xưa cũ để lại, mà ngày nay người ta vẫn cố níu giữ lấy để vụ lợi cá nhân và các
lợi ích nhóm. Đó là tình trạng mất dân chủ, bất bình đẳng và không có công
bằng ngày càng nặng nề.
- Mất Dân chủ trong GD&ĐT trước hết thể hiện
ra ngay trong cơ chế của hoạt động Dạy và Học quá lạc hậu của nền GD ứng thí
xưa cũ, cố tình duy trì quá lâu mà không chịu thay đổi tận gốc. Ở đó người học
vẫn không được làm chủ ngay trong chính việc
học hành của mình (như đã đề cập ở mục
1.2). Ở đó người dạy cũng không thực sự
được tự do tư tưởng và tự do học thuật để sáng tạo trong giảng dạy và
nghiên cứu khoa học, nên đã hạn chế những đóng góp có thể của giới trí thức
trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (mà chưa ai chỉ ra hết và đong đếm được) !
- Đương nhiên, mất dân
chủ còn thể hiện trong các hoạt động lãnh đạo và quản lý đối với lĩnh vực
GD&ĐT. Tương tự như với các lĩnh vực hoạt động khác trong đời sống xã hội,
thực trạng mất dân chủ ở đây cũng khá nặng nề và nghiêm trọng, dù ở đây là môi
trường chủ yếu của trí thức. Thể hiện tập trung ở 2 khâu : phản biện chính sách
về GD&ĐT, và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ở khâu thứ 2 thì nổi cộm
lên vẫn là mối quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, vẫn là các tệ lạm quyền, lộng
quyền, các thói độc đoán gia trưởng, vẫn là Nhân cách (Đạo đức và Năng lực) của
người đứng đầu, và hậu quả tất yếu là tham nhũng tùm lum, là hạn chế hiệu quả
thực thi nhiệm vụ chính trị ! Với các TC thì tình hình cũng không hề sáng sủa
hơn ở các đơn vị khác trong ngành, thậm chí còn có những điểm nóng tai tiếng, u
ám nặng nề và chồng chất !
- Khoảng cách phát triển GD&ĐT giữa các vùng miền, giữa nông thôn
và đô thị vẫn chậm được rút ngắn. Lệ
phí học đường ngày càng phát sinh (nạn lạm thu, ngoài học phí) và tăng cao đang
trở thành gánh nặng đóng góp đối với
số đông người dân, nhất là với bộ phận yếu thế. Việc cố tình duy trì hai loại hình nhà trường phổ thông (chuyên và không
chuyên), trong đó nổi lên là sự ưu đãi
quá mức cần thiết đối với TC, đang bị coi là một chính sách thiên vị và vụ lợi không trong sáng, gây thêm tính căng
thẳng của tệ nạn bất bình đẳng, bất công xã hội trong GD&ĐT.
4.2- GD&ĐT Việt Nam
đang bị coi là một nền GD không trung thực điển hình, đang dung dưỡng cho sự
gian dối, tệ gian lận trên diện rộng ! Gian
dối đã trở thành trọng bệnh của GD&ĐT, biểu hiện chủ yếu ở khâu đánh
giá chất lượng và hiệu quả GD&ĐT. Thành tích GD&ĐT đang bị coi là Ngụy
và Ảo, vì không trên cớ sở dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá thật, báo cáo
thật. Thầy, trò và cả các cấp quản lý đều phạm tội gian dối, đều đã tìm học cách
gian dối. Học hành, thi cử đều đầy rẫy chuyện gian lận, ở đâu cũng có, mà vụ
gian lận thi THPT năm 2018 chỉ là một mảng cỏn con bị lộ diện, chỉ là một “giọt
nước tràn ly” ! Chính thương mại hóa đã thúc đẩy gian lận phát triển mạnh lên,
mức độ thương mại hóa càng cao thì gian lận càng đậm. Các TC cũng là những điểm
nóng điển hình của tệ nạn gian dối. Chẳng lạ gì khi vẫn có nhiều học trò TC dốt
hơn học trò trường không chuyên, vẫn có học trò TC không đỗ đại học, vẫn có nhiều
giải Thi mà TC phải mua mới có được ! … Khi nào và ở đâu có thi cử, có đánh
giá, có hội nghị báo cáo thành tích GD&ĐT, … là lập tức ở đó có các “màn kịch”,
có chuyện làm “xiếc” để tạo ra kết quả đẹp nhưng là giả, để biểu diễn cho cấp
trên và khách xem nhằm minh họa hoặc thẩm định. Có những việc thâm nghiêm tưởng
như không thể gian lận thì người ta vẫn
xoay xở bằng được để thành có thể một
cách rất ngon lành. Chẳng hạn chuyện chạy chọt lo lót để thi đỗ vào TC, để giành
được giải cao và nhiều trong thi học sinh giỏi cấp quốc gia, chuyện thi giáo
viên giỏi, chuyện bảo vệ các học vị cao (ThS, TS), chuyện xét phong học hàm cao
(PGS, GS), …Nên chi trong lĩnh vực GD&ĐT đã từng làm xuất hiện khá nhiều sản phẩm giả, đủ các cấp độ, mà hiện nay
vẫn đang trưng đầy nhan nhản khắp đất nước
! … … Găn liền với tệ nạn gian dối phổ
biến này là bệnh thành tích và thói háo
danh của mọi cấp, kể từ các cấp lãnh đạo. Và không thể không kể đến tác
nhân gây bệnh quan trọng là sự biến tướng
của phong trào thi đua hai tốt, ở nhiều nơi, nhiều cấp rất không lành mạnh,
kể cả ở TC !
Các TC lớn lên từ nền GD của cả nước nên
đương nhiên vừa được hưởng cả cái tốt chung, lại vừa phải chịu bị lây nhiễm cả
cái xấu chung như vừa điểm lại ở trên. Được đào tạo trong môi trường không hề
an toàn đó thì làm sao mà học trò các TC lại có thể trưởng thành và thăng hoa
ngoạn mục được, làm sao các em có thể hội đủ các phẩm chất đạo đức và trí tuệ để
thành các Mầm Nhân Tài như mong mỏi của xã hội được ?! Và đáng nhẽ ra, với những
điều kiện ưu tiên mà cả nước đã dành cho, thì TC có thể và phải có trách nhiệm
vươn lên trở thành các “hạt giống đỏ”, thành những “đứa con nòi” hỗ trợ trở lại
cho GD cả nước thì mới “phải đạo” và hợp với quy luật phát triển chứ ? Thế mà rất
tiếc là các TC đã không làm được như vậy, và họ đã làm ngược lại, vì lợi ích
riêng ! Có lẽ lịch sử phát triển của GD
Việt Nam không thể nói khác về TC, mà cần phải sòng phẳng “công và tội” !
Và xét từ góc độ thứ 2 này, tôi lại càng đồng
tình với ý kiến của nhóm thiểu số. Tôi cho rằng phải xét lại cả nội dung và phương pháp dạy/học ở TC. Các TC phải đi
tiên phong trong việc tinh giản nôi dung và đổi mới phương pháp theo hướng tạo dựng năng lực (chứ không
phải chỉ nhồi nhét kiến thức sách vở). Phải định hướng lại việc dạy và học ở TC
là phục vụ cho việc tạo ra các Mầm Nhân Tài,
chứ không phải cho việc giật giải như lâu nay (Giải chỉ là hệ quả tất yếu chứ
không là phải mục đích). Phải đổi mới thật
sự việc quản lý ở đây, hiệu trưởng cần tập trung cho yêu cầu quản lý dạy tốt
và học tốt, chứ không phải chỉ chăm chăm lo việc giật giải thi (mà thường là lo
theo hướng tiêu cực) ! Lãnh đạo các cấp cũng phải thay đổi cách nhìn nhận và
đánh giá TC, đừng quá si mê với thành tích thực dụng như lâu nay TC vẫn mang về
(đỗ đại học, du học, giải thi) mà quên đi nhiệm vụ chiến lược của TC, do Luật
GD quy định !
3- Một số đề xuất bổ sung khác
: Ngoài những đề xuất đã nêu rải rác ở
các phân trên, trong phần cuối này tôi xin được nêu thêm mấy ý sau :
1.3- Cấp lãnh đạo vĩ mô nên tham khảo thêm thực tiễn
các nền GD tiên tiến trên thế giới trong việc ươm mầm nhân tài từ cái nôi bậc học
phổ thông để cân nhắc lại về chính sách với TC của Việt Nam. Trên thế giới đã từng
có nhiều nền GD tiên tiến không có TC, nhưng lại cũng có nhiều nền GD tiên tiến
vẫn duy trì TC, song họ không dạy/học và quản lý giống như Việt Nam mình. Vậy
thì nước ta nên có mô hình nào cho việc ươm mầm nhân tài ? Mở TC riêng như lâu
nay hay đưa việc bồi dưỡng học trò giỏi trở về ngay tại các trường lớp bình thường
? Tạo ra sự liên thông giữa TC (phổ thông) với bộ phận
chất lượng cao ở đại học như thế nào là hợp lý và hiệu quả ? Và đâu là chìa khóa thành công ?
2.3- Đi liền theo đó
nên tổ chức khảo sát và điều tra cơ bản về trình
độ phát triển trí tuệ của học trò Việt Nam. Như số liệu nghiên cứu của thế
giớì (mới chỉ dựa vào chỉ số thông minh trí tuệ IQ – Intelligence quotient) thì
tỷ lệ người thông minh (ứng với IQ từ 115 – 130) là 14%, tỷ lệ người rất
thông minh (IQ từ 131 – 145) là 2%, còn thiên tài (IQ từ trên 145)
chỉ có 0,1%. Nếu người Việt ta cũng giống như thế giới (có lẽ có sai khác đấy) thì
số lượng này trong học trò THPT là khá lớn.
Hiện nay số học trò TC chưa đạt đến 2% * là chỉ mới có diện rất thông minh thôi,
chứ chưa nói đến 14% là diện thông minh đang còn ở ngoài TC ? Vậy thì giữ qui mô TC như hiện nay để chỉ thu
hút được 2% là diện rất thông minh, hay mở rộng ra cho cả diện 14% ? Và nếu
không mở rộng được thì xử lý như thế nào với diện 14% đang học ở các trường
không chuyên, chứ đừng bỏ mặc, rất phí ?
3.3- Xóa bỏ ngay những
hiện tượng trái với Luật GD trong các hoạt động dạy và học cũng như trong công
tác quản lý nhà nước đối với TC, chẳng hạn :
- Trong chỉ đạo quá nhấn
mạnh một chiều về tính đặc thù của TC mà quên đi tính phổ thông toàn diện, nên
đã tạo ra cơ hội tiêu cực cho TC dễ sa vào chệch hướng, xa rời mục tiêu đào tạo.
- Mở rộng đối tượng của
TC xuống cả cấp THCS, trong khi Luật GD chỉ cho phép mở TC ở cấp THPT. Như ở TC
Amsterdam tuyển vào chuyên từ lớp 6, rồi như ở hầu hết tất cả các huyện trong cả
nước đều có TC cấp THCS, rồi ở đâu cũng có Lớp chọn (thực chất là một kiểu
chuyên trá hình thu nhỏ). Tình trạng tùy tiện vô chính phủ này đã kéo dài nhiều
chục năm nay rồi mà vẫn không thấy có biện pháp chấn chỉnh, cứ như là lãnh đạo
đã ngầm “bật đèn xanh” cho cấp dưới công khai “xé rào” để vụ lợi ?!
- Một số địa phương đặt
ra những “Lệ” riêng cho TC rất trái khoáy. Như cho phép TC không chịu sự quản
lý trực tiếp của Sở GD&ĐT theo cùng cơ chế chung với mọi trường THPT khác. Như
xử rất nhẹ tay với những sai phạm nghiêm trọng của TC, …(điển hình là trường hợp
TC Lam Sơn mà báo Giáo dục điện tử đã viết khá nhiều bài, nên Thanh Hóa từ chỗ
lờ đi không xử thì nay mới xử rất nhẹ, cứ như là không xử ! ) . … Thái độ hữu
khuynh này đã vô tình biến TC thành một thứ “kiêu binh” trong GD&ĐT, làm
suy giảm kỷ cương, phép nước, làm cho TC tiếp tục chủ quan chệch hướng trong thực
thi nhiệm vụ !
Nền GD nước ta thực sự là đang tồn tại nhiều
bất cập rất cơ bản, đang ở trình độ yếu kém và lạc hậu về chất lượng, mà thực
chất là đang khủng hoảng nghiêm trọng, kể
từ nhiều chục năm nay. Nguyên nhân sâu xa là thiếu một định hướng vĩ mô đúng đắn, là chưa có một triết lý GD chuẩn
xác. Trên cái nền tổng thể khủng hoảng đó, thì đương nhiên bộ phận các TC
không thể phát triển lành mạnh được, nghĩa là TC cũng đang khủng hoảng. Chính những khuyết tật được nêu ra trong
bài viết này là biểu hiện của thực trạng khủng hoảng đó. Và đương nhiên là số đông học trò TC không thể
trở thành Mầm Nhân Tài thực chất được ! Vì lợi ích chung của đất nước, toàn xã
hội chúng ta hãy chung tay cùng góp sức với các TC tháo gỡ những bất cập ở đó,
để hệ thống TC nhanh chóng trở lại đúng quỹ đạo mà Luật GD đã xác định. Chính sự
trưởng thành đúng hướng của các TC lại sẽ có tác động tích cực đối với sự phát
triển lành mạnh của toàn hệ thống GD&ĐT, theo tinh thần NQ 29 về đổi mới
căn bản và toàn diện GD&ĐT. Và xa hơn, cơ bản hơn, nên xem xét lại toàn bộ
chính sách ươm mầm nhân tài và đào tạo nhân tài ở tầm vĩ mô, chứ không
thể chỉ dừng lại ở mô hình TC như hiện nay !
Trên
đây là một số ý kiến cá nhân của tôi về TC, rất mong được bạn đọc trao đỏi thẳng
thắn trên diễn đàn chung, kể cả những khía cạnh sai sót nếu có !
Tháng 8
năm 2020
Hữu
Thảo
(ĐT
: 038 443 0121)
--------------------------------------------------------------------------------------------------
*Tham khảo số liệu sau đây
về TC Lam Sơn (Thanh Hóa) tại thời điểm 7/2020 :
Số học sinh THPT toàn tỉnh
TH (không kể hệ Bổ túc THPT) là 102 490. Tính ra thì số em diện thông minh
(14%) sẽ là 14 420, số em diện rất thông minh (2%) sẽ là 2060. Trong khi
đó thì số học sinh TC Lam Sơn (năm học mới 2020 – 2021) chỉ mới có 1155 em. Như
thế là còn khá đông các em rất thông minh (900) vẫn không học ở TC Lam Sơn,
chưa kể số em diện thông minh (14 420) ? Không hiểu tình hình ở các TC khác trong cả nước
có tương tự như thế này không ?
|