Góp thêm ý kiến bàn thảo về TRƯỜNG CHUYÊN !
TRƯỜNG CHUYÊN CẦN THAY ĐỔI !
Đỗ Hữu Thoảng
(Ban Khuyến học Dòng họ Đỗ Hữu – TH)
Chúng tôi đã được đọc bài “Trăn trở TRƯỜNG CHUYÊN !” đăng tải trên
website Họ Đỗ Việt Nam, và đều rất tâm đắc với nhiều nội dung trong bài viết
đó. Như chúng tôi biết, sau khi có nhiều ý kiến đề nghị Bỏ hoặc Tư nhân hóa
(nôm na là bán) Trường Chuyên (TC), thì trên các diễn đàn đã dấy lên một cuộc
bàn thảo khá cuốn hút (tuy diện tham gia còn hẹp), với tinh thần thẳng thắn và
xây dựng. Để “dẹp” đi sự vụ bị coi là rắc rối này, trong một cuộc họp báo Bộ
GD&ĐT đã có ý kiến giải trình để trấn an, mà người đại diện phát ngôn là
PGS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ GD trung học. Ý kiến được chốt lại đại thể
là : Vấn đề TC đã được Luật hóa, thể hiện trong Luật GD, do đó không cần bàn
như nhiều người đề xuất ! Chúng tôi cho rằng ý kiến của Bộ GD&ĐT là không
thuyết phục ! Bởi thực tế là mảng TC đang rất “có vấn đề”, như bài báo đã nêu rất
cụ thể và rõ ràng. Chúng ta hãy soi chiếu với Luật GD và tìm hiểu kỹ xem xã hội
đã kỳ vọng như thế nào về TC thì mới thấy không thể bình tâm mà tiếp tục để TC
cứ tồn tại như cũ được. Hơn nữa, TC vốn có vị thế là mũi nhọn trong quốc sách
GD, liên quan mật thiết đến chiến lược Nhân Tài quốc gia, được cả xã hội quan
tâm và ưu ái, nên càng không thể vô tâm mà bước qua dư luận xã hội, không thể
xem xét vội vàng và hời hợt những ý kiến tâm huyết và hợp lý của người dân,
trong đó có cả ý kiến của các nhà khoa học (nhiều GS, PGS), nhiều thầy cô giáo
đã và đang dạy TC, các nhà giáo lão thành. Ngoài ý kiến khởi đầu của PGS Nguyễn
Đức Thành thì ý kiến của GS Phan Thanh Sơn Nam, một GS trẻ nhất của Việt Nam hiện
nay, được cho là khá thẳng thắn và mạnh mẽ về TC.
Sau khi
cùng nghiên cứu bài báo nói trên, chúng tôi đều có chung một nhận định là : Xét
tổng thể trong suốt hơn 50 năm tồn tại (tính từ năm 1966), thì hệ thống các TC
của 63 tỉnh thành chưa thực hiện được sứ mệnh cao cả là Ươm Mầm Nhân Tài cho đất
nước, như Luật GD đã xác định. Bởi đa phần học trò TC sau khi tốt nghiệp rồi học
tiếp lên cao nữa vẫn chưa đủ bản lĩnh (Đức và Tài) để có thể trở thành Nhân Tài
của đất nước, một bộ phận đáng kể thì ra nước ngoài định cư và lập nghiệp, số
còn lại trong nước thì không đủ Tầm. Nguyên nhân đích thực và sâu xa của thực
trạng đáng buồn này chính là từ sự sai hướng và lệch chuẩn của quá trình đào tạo
tại các TC. Tất cả các TC đều nhiễm rất nặng 4 khuyết tật cơ bản của nền GD vĩ
mô đang thật sự khủng hoảng, như bài báo đã chỉ ra (Từ bỏ yêu cầu GD toàn diện
để chạy theo khuynh hướng thực dụng của nền GD ứng thí; Chấp nhận Thương mại
hóa việc học hành và thi cứ; Vẫn nhức nhối dai dẳng các vấn nạn cố hữu Mất Dân
chủ, Bất bình đẳng và Bất công xã hội trong GD; Bất lực rồi Thỏa hiệp với trọng
bệnh Gian dối nặng nề và phổ biến !). Do đó vấn đề mà bài báo đặt ra là rất hợp
lô gic, tức là chúng ta phải trả lời đúng được câu hỏi đang bỏ ngỏ : Xóa bỏ TC
hay phải Chấn chỉnh và Đổi mới nó ?
Chúng tôi nghiêng về giải pháp thứ 2, tức là : Phải Chấn chỉnh và Đổi mới
triệt để và quyết liệt với hệ thống TC !
Sau đây là
một số ý kiến của chúng tôi đóng góp thêm vào việc đánh giá TC và đề xuất các
giải pháp Chấn chỉnh và Đổi mới với TC.
1- Phải xóa bỏ tiêu cực trong tuyển chọn đầu vào TC
: TC là mũi nhọn của GD phổ thông, là nơi ươm Mầm Nhân tài cho đất nước, do đó
việc tuyển chọn đầu vào phải thực sự nghiêm túc, đúng chuẩn, bảo đảm công bằng
xã hội, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng. Thực tế hiện nay việc tuyển đầu
vào TC có hai con đường : bỏ tiền lo lót (nôm na là mua) và bỏ tiền để con em
theo học các lớp luyện thi vào TC rất vất vả và khá tốn kém (có lò luyện thi đã
thu đến 240 000đ/buổi, chỉ hơn 2h học). Cả hai con đường này chỉ có con nhà khá
giả, giầu có mới theo được, còn con em lao động nghèo thì đành chịu, dù thông
minh ! Tra cứu lý lịch học trò TC chúng ta luôn nhìn thấy rất rõ bất công này
(con nhà nghèo rất ít), dư luận xã hội buộc phải có câu hỏi : có thật là nghèo
thì dốt hơn giầu hay không ? Thế mà như mọi người đều biết, tố chất thông minh
(intelligence) là một yếu tố bẩm sinh đối với mỗi cá thể, không giống nhau đồng
loạt và cũng không phân biệt giầu nghèo. Và nếu thực tế ở các TC đang là tình
trạng như trên thì rõ là bất công xã hội đã ngáng trở con đường học hành của
con em nhân dân thuộc bộ phận yếu thế, ngay từ ngưỡng cửa TC rồi đó.
2- Việc cố tình duy trì hai loại hình nhà trường phổ
thông (chuyên và không chuyên, bình thường và chất lượng cao), rồi lớp thường
và lớp chọn, … đang bị coi là không thật sự vì lợi ích cộng đồng, mà bị chi phối
bởi các lợi ích nhóm (quan chức và nhà giầu). Chủ trương này đã tồn tại nhiều
chục năm rồi, ít nhất là từ 1966, và vẫn được lý giải bằng các lý thuyết sư phạm
(dạy học phân hóa, dạy học sát đối tượng, …). Bởi đi kèm theo đó là một sự đầu
tư ưu ái thiên vị về nhiều mặt (cơ sở vật chất, giáo viên, chế độ,…) đã làm
tăng thêm mức độ bất bình đẳng, bất công xã hội trong GD, mà tiêu điểm là ở TC
(*). Chăm lo quá mức cần thiết đối với GD mũi nhọn, trong khi đó lại coi nhẹ đến
mức lơ là, thả nổi đối với cả mảng lớn GD đại trà là một biểu hiện nghiêm trọng
của tệ bất bình đẳng, bất công xã hội trong GD, và là một nghịch lý phản phát
triển rất nguy hại đối với sự phát triển bền vững của toàn hệ thống GD quốc
dân. Chất lượng tuyển đầu vào lớp 10 năm học 2020 – 2021 của số đông các tỉnh
vô cùng tệ hại (rất nhiều nơi chỉ lấy được bình quân 1đ/môn) đang làm cho xã hội
bàng hoàng, lo ngại, là một dấu hiệu đậm nét của nghịch lý phản phát triển nói
trên, nên cần phải được nhanh chóng hóa giải từ gốc ! Theo chúng tôi thì học
trò TC cần được học hành trong những điều kiện gần như bình thường thì mới phát
huy được tối đa ưu thế nổi trội của mình, chứ không nên đưa các em vào môi trường
quá thuận lợi, luôn được cưng chiều, … thì dù có bản lĩnh cũng khó vượt lên và
tóa sáng, mà còn có thể bị biến thành một
thứ “kiêu binh”, không có lợi cho sự trưởng thành sau này.
3- Cần xem lại qui mô và cơ cấu của TC trên hai mặt
tính khoa học và tính hiệu quả. Hiện nay trong các TC có cả các lớp không
chuyên, và con số học trò được tuyển vào TC chỉ được phép khoảng 2% (*) tổng số
học trò THPT. Dựa trên cơ sở nào mà Bộ GD&ĐT lại có qui định như vậy ? Các
TC dạy/học theo mô hình như vậy thì có lợi gì về mặt sư phạm và có hợp lý về mặt
ngân sách hay không ? Bởi theo mô hình
này thì trong mỗi khối lớp ở TC luôn tồn tại đồng thời 3 loại đối tượng
(chuyên, không chuyên và học trò đội tuyển). Bởi các lớp không chuyên về thực
chât chỉ như là lớp phổ thông bình thường, nếu đưa vào đây thì sẽ chiếm mất chỗ
của các em xứng đáng hơn về mặt trí tuệ, do đó sẽ làm mất đi số các Mầm Nhân
Tài đáng nhẽ sẽ có được, và chắc chắn
cũng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách ? Những điều chưa rõ ràng và bất hợp lý
trên cần được lý giải minh bạch và điều chỉnh ngay, không nên kéo dài quá lâu nữa
!
Một khía cạnh
khác của vấn đề quy mô TC, và rộng ra là quy mô của nhiệm vụ Ươm Mầm Nhân tài,
chúng tôi xin thử gợi ra để cùng suy nghĩ và bàn thảo thêm. Cứ suy ra từ khảo
sát của thế giới về trình độ phát triển trí tuệ con người thì ở lứa tuổi học cấp
THPT có diện rất thông minh chiếm 2%, diện thông minh chiếm 14% tổng học trò
THPT. Đó là một con số rất lớn ở Việt Nam : diện rất thông minh là hơn 70 000,
diện thông minh là hơn 500 000. Học trò ở cả hai diện này đều có tố chất thông
minh có thể phát huy lên cao để tạo nên Mầm Nhân tài, nên cũng đều cần được tác
động của GD. Nếu diện 2% đã có TC để dạy/học riêng, thì diện 14% còn lại sẽ được
tổ chức dạy/học như thế nào ? Sẽ mở rộng quy mô TC hiện nay để cùng học chung,
hay cũng lại mở trường riêng, kiểu như TC2, thì nội dung và phương pháp dạy/học
và cơ chế quản lý sẽ như thế nào ? Nếu đưa về các trường lớp phổ thông bình thường
thì việc tổ chức hình thức dạy/học thế nào là hợp lý và hiệu quả nhất ? Chả nhẽ
lại xuất hiện các Lớp Chuyên, Lớp Chọn như người ta vẫn đang làm “chui” ? Còn nếu
bỏ mặc thì rất phí và gây thiệt thòi cho các em diện 14%, rồi lại sẽ lặp lại
tình trạng “vô chính phủ” như lâu nay ? Ngay như hiện tại, khi TC mới chỉ thu
nhận được diện rất thông minh 2% thì cũng đã thấy “quá tải” đối với năng lực quản
lý của ngành rồi. Nên chi đã có nhiều ý kiến đề nghị nên quy hoạch lại hệ thống
TC theo hướng “ít đi mà tinh hơn”, không cần mở TC đến tận cấp tỉnh mà nên mở
TC theo vùng liên tỉnh, và gắn với một trường đại học có đẳng cấp (Vì ở VN có
nhiều tỉnh nhỏ, dân số ít chưa đến 1 triệu, thậm chí chỉ hơn 1/2 triệu).
4- Nên cải tiến cách tuyển đầu vào TC theo phương thức
kết hợp thi và khảo sát tố chất thông minh, như nhiều nước đã từng làm. Việc khảo
sát này thường là dùng test (trắc nghiệm) về các chỉ số thông minh IQ
(intelligence quotient), chỉ số xúc cảm EQ (emotionnal quotient), chỉ số sáng tạo
CQ (creative quotient). Hiện nay ở nước ta cũng đã có một số TC làm thử (dựa
vào IQ) và thấy kết quả tuyển đáng tin cậy hơn cách làm cũ (chỉ qua thi). Ngoài
ra cũng cần xem lại cách ra đề (thường thiên về mẹo mực, lắt léo, đánh đố, …
nên dễ làm lu mờ, thậm chí sai lệch, yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản và đánh
giá tố chất thông minh một cách khoa học).
5- Xin được nói thêm về việc đổi mới nội dung và
phương pháp dạy/học ở TC. Lãnh đạo ngành
và bản thân các TC phải thực sự giác ngộ về một sự thật là : Dù là học trò TC,
có sẵn tố chất thông minh hơn người, thì các em đó cũng chỉ có thể bứt vượt lên
và thăng hoa về mặt trí tuệ và đạo đức, bằng và bắt đầu từ Nội Lực của chính bản
thân mỗi em. Các ngoại lực dù lớn và hay đến mấy cũng không thể thay thế được Nội
Lực (như sự hỗ trợ của phương tiện hiện đại, bài mẫu, tiền nhiều, phần thưởng,
danh vọng, …). Thành tố cốt lõi nhất của Nội Lực ở người học là Năng Lực Tự Học,
Tự GD, là Năng Lực Sáng Tạo. Do đó trong dạy/học ở TC phải thật sự coi trọng việc
tạo dựng và rèn luyện, thực hành các Năng Lực trên, ngay từ đầu và thường
xuyên. Liên quan đến yêu cầu này, là các TC phải mạnh dạn cho học trò của mình
được thực sự tham gia các hoạt động Tập dượt Nghiên cứu khoa học, giúp các em tự
làm ra các sản phẩm sáng tạo khoa học, dù nhỏ và dù trong sách vở đã có rồi. Về
mặt nôi dung dạy/học (các môn chuyên) cần mạnh dạn tinh giản, bỏ những nội dung
bị coi là thừa so với nhu cầu học lên đại học và lâp nghiệp, đồng thời cân nhắc
để bổ sung những kiến thức và kỹ năng còn thiếu nhưng cần cho việc học lên, lập
nghiệp và biết sống tốt.
Tóm lại,
ý kiến chúng tôi là Trường chuyên cần phải thay đổi, chứ không thể cứ hoạt động
như cũ được nữa. Phải thay đổi cả Nội dung và Phương pháp dạy/học, cả cung cách
quản lý ở TC. Và đi liền theo đó là phải rà soát lại toàn bộ chính sách Ươm Mầm
Nhân tài và Đào tạo Nhân tài ở tầm vĩ mô, trong đó có việc điều chỉnh, qui hoạch
lại hệ thống các TC hiện nay như đã nêu ở trên. Phải Chấn chỉnh và Đổi mới thật
sự, chứ không chỉ tuyên bố, rồi lại vẫn như cũ ! Chúng tôi hy vọng TC sẽ đổi
khác và sẽ tốt hơn, đúng với mục tiêu cao cả mà Luật GD đã xác định cho
nó.
Tháng 9 năm
2020
(ĐT liên lạc : 038 443 0121)
----------------------------------------------------------------------------------------------------
* Hiện nay trong cả nước đã có gần 80 TC, trong đó
thì tỉnh nào cũng có ít nhất 1 TC, một số tỉnh có đến 2 – 3 TC, và có thêm 5 TC
ở 5 trường đại học lớn (tại Hà Nội và Vinh). Tổng số học trò TC khoảng 73 000
em, chiếm 2,1% tổng số học trò THPT toàn quốc.
Mức đầu tư
tài chính tính theo đầu học sinh, với TC là cao gấp 2 – 3 lần mức đầu tư với
các trường THPT bình thường.
Về đội ngũ
giáo viên ở TC đã có 60% có trình độ Thạc sỹ, 2% có trình độ Tiến sỹ.
Về cơ sở vật
chất nhìn chung tốt hơn các trường THPT bình thường, khá nhiều TC đã đạt chuẩn quốc gia, trừ một vài trường còn
khó khăn.
(Nguồn
trích là từ các bài báo về chủ đề TC đăng tải trên các báo, tạp chí, và được GS
Trần Hưu Dũng giới thiệu lại trên trang mạng viet-studies).
|