Chuyện Táo Quân
Táo quân 2021 nhạt. Các Táo chẳng còn dáng vẻ của những vị thần thiêng trong tín ngưỡng dân tộc.
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phúc đức cho gia đình, căn cứ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân lên chầu trời còn gọi là "Tết ông Công". Ngày này các ngài cưỡi cá chép về Trời, thưa với Ngọc Hoàng Thượng đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Táo Quân còn được khấn nguyện vào mỗi mồng một ngày rằm hàng tháng. Một vị thần quan trọng như vậy hẳn phải có xuất xứ thiêng liêng.
Những ghi chép, truyền khẩu thường xoay quanh câu chuyện một đôi vợ chồng hay cãi cọ. Sau một lần va chạm người vợ bỏ nhà ra đi, rồi lấy một người chồng khác. Người chồng cũ hết giận vợ đi tìm. Người vợ cũng ân hận vì đã chót lấy người khác. Cuối cùng cả 3 người đều theo nhau chết trong lửa. Linh hồn của họ được đưa lên Thượng đế. Ngài thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân. Nội dung câu chuyện gợi nhớ đến truyện cổ tích Trầu Cau cũng kể về mối tình chồng vợ, lý giải tục ăn trầu và cưới hỏi của người Việt, có từ thời vua Hùng, được ghi lại trong sử thi "Lĩnh Nam Chích Quái".
Còn có ý kiến Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Nhưng xem ra giả thiết 3 trong 1 này không có tính thuyết phục.
Thật ra tục thờ táo Quân có từ rất lâu, trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt thời Hùng Vương. Trong các bộ sử thi như “Lĩnh Nam Chích Quái”, hay sử phả như “Ngọc Phả Truyền Thư” còn ghi chép nhiều điển tích, phong tục có từ thời dựng nước, mà tục thờ Táo Quân là một trong số đó.
Gần đây các nhà nghiên cứu không chỉ tìm thấy những mảnh ghép “minh triết Việt” còn lưu dấu trong phong tục thờ cúng, sử phả, tranh dân gian…mà còn: “bố cục lại hệ thống tín ngưỡng của người Việt thời Hùng Vương với nền tảng bàn thờ gia tiên ở trung tâm, đây là một đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống tín ngưỡng nhưng trong nó cũng hàm chứa triết lý của sự to lớn đến vô cùng tức một vũ trụ thống nhất, các Đạo giáo thời Hùng Vương được xây dựng cấu trúc dựa trên công thức Hậu thiên Bát quái - Hà đồ. Năm Đạo giáo chính thống thời Hùng Vương đáp ứng cho sự vận động và phát triển xã hội, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tâm linh của nhân sinh vạn loài”. Trong đó:
- Trung cung - Đạo Ông Bà (Đạo Tổ Tiên, Tổ Tông): thờ gia tiên dòng họ, Thành Hoàng, Quốc Tổ cho đến Xuyên sơn, Địa trạch …từ gia đình, dòng họ cho đến các miếu điện hoàng gia.
- Bắc - Đạo Nho (Đạo Thánh, Đạo Nhân): Thờ anh linh của các anh hùng, liệt sỹ, tổ nghề… trong các đình, đền, miếu.
- Tây - Đạo Giáo (Đạo Tiên): Thờ các chân nhân đắc đạo trong các Đạo quán, cung quán.
- Đông - Thần Đạo (Đạo Thần, Đạo Phật): Thờ các vị hóa Thần của núi, sông, biển, đất..như Táo Quân, Thổ Công, Long Vương, Hà Bá…Thờ Phật, các vị Bồ Tát ở đền, miếu, chùa, am.
- Nam - Đạo Mẫu (Đạo Chúa, Đạo Mẹ): Thờ các Thánh Mẫu, Bà Chúa ở các phủ mẫu, điện mẫu.