Lịch sử Việt
Nam qua ảnh
Thấy bản khắc
gỗ con rồng Lạc Long Quân ở nhà bạn Đài Loan
Cuối Xuân
năm 1992, một thương nhân Đài Loan nhập cảnh vào Việt nam qua cửa khẩu Tân
Sơn Nhất. Trên passport ghi tên Eddy Hsu - 許燦煌 (Hứa Xán Hoàng).
Thất bại
trên thương trường quê nhà, chàng trai 30 tuổi muốn bứt ra, tìm một hướng kinh
doanh mới tại Việt Nam.
Sang Việt
Nam, Eddy Hsu thích các bạn gọi thân mật là Cao. Tôi sẽ gọi anh như thế sau
khi đã xin phép anh.
Việt Nam năm 1992 vẫn chỉ có ánh hào quang không cắt
ra được như một miếng bánh ngọt sau khi kinh qua chiến tranh với Mỹ và các
cuộc xung đột Trung Quốc, Campuchia. Nền kinh tế lụn bại khoác trên một đất
nước tơi tả, chao đảo, lại rách thêm sau những lo sợ, hoảng loạn khi khối XHCN
sụp đổ.
Song niềm lạc
quan của người Việt Nam đã giúp Cao. Kết hợp với chuỗi siêu thị tư nhân đang
lan dần đến các tỉnh, các quầy bán mỹ phẩm của Cao dần phát triển nhanh chóng
cùng với nhu cầu làm đẹp đang lên của người dân.
Cao gặp
một người bạn Việt Nam mà anh luôn nhắc đến với sự ngưỡng mộ trong những câu
chuyện kể cho tôi.
Đó là Huy
Quang, cháu của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951), dòng chính của Hoàng đế Gia
Long (1762-1820). Phía trên bàn làm việc của anh Cao tại Đài Loan vẫn để bức ảnh
hiếm hoi về Kỳ ngoại hầu, phía sau có chữ ký tặng của Huy Quang.
Người bạn
thân thiết ấy đã tặng Cao hai quyển sách, như hai cách cửa mở cho Cao trên mảnh
đất mới. Một là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hai là cuốn 'Việt Nam Sử lược' của
học giả Trần Trọng Kim.
Về sau này,
anh Cao mới ngẫm ra chữ Mệnh vận vào mình ra sao.
Mỗi con đường
như đều bắt nguồn từ một duyên cớ. Có khi từ một chuyện không đâu.
Anh Cao kể:
"Một
buổi chiều ở Sài Gòn năm 1995, tôi đang rất buồn chán chạy xe máy trên đường
Nguyễn Thị Minh Khai giữa quận 5 và quận 3, thì nhìn thấy gần hai chục nhà
sách cũ. Tôi nghĩ, hay mua sách về để xem. Điều thú vị là ở đây tôi nhìn thấy
những cuốn sách cổ có từ thời Thanh. Tôi hỏi bà chủ là bao nhiêu tiền một cuốn.
Bà nói giá mỗi cuốn 20 ngàn đồng (khoảng 1 đôla). Tôi thầm kêu, rẻ quá.
"Tôi nhớ
lại vào thời điểm năm 1979, khi tôi đang học ở Đài Bắc mỗi cuốn như vậy có giá
3000 Đài tệ (khoảng 100 đôla). Lúc đó tôi rất nghèo, tôi chỉ suy nghĩ cách làm
ăn, nên nghĩ mua những cuốn sách này, về Đài Loan bán. Tôi mua gần 200 cuốn và
tiêu hết 5 triệu đồng."
Giống như
câu chuyện về chiếc bình Padora trong thần thoại Hy lạp, Cao đã mở những trang
sách cổ ra đọc. Những mảnh lịch sử vô tình hay hữu ý sắp bị gạt vào bờ vực hủy
diệt đã nắm lấy tay Cao, khao khát sự trở lại.
Cao đã nghe
được tiếng gọi âm thầm, mãnh liệt đó. Chúng ta may mắn có Cao.
Tôi hỏi anh,
sưu tầm theo chủ đề gì và vì sao?
"Tôi
mua tất cả những sách Hán Nôm, những sách nào có chữ Hán Nôm đều sưu tầm. Vì
người Việt nam bây giờ không còn biết đọc Hán Nôm, càng người miền quê càng
không hiểu. Không hiểu nên không có tình cảm với nó, nó sẽ mai một đi."
Anh nói lại
với tôi bằng tiếng Việt:
"Khi
mua rồi, tôi có tình cảm với chúng. Tôi đã không bán một cuốn nào và sẽ không
bán bất kỳ một cuốn nào."
"Không
phải vì vấn đề tiền bạc, mà tôi cảm thấy rằng những cuốn sách này có vai trò rất
quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Nếu tôi không sưu tầm những thứ này thì lịch
sử Việt nam sẽ không còn nữa."Câu nói của anh làm tôi bâng khuâng. Phạm
Quỳnh viết 'Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn thì nước
Việt còn'. Nhưng chỉ cần xem những con số năm tháng những việc làm với di cảo
của Đại văn hào sẽ thấy đau lòng.
Theo tôi tìm
hiểu thì hết 80 năm của thế kỷ 19, cộng thêm gần 40 năm sau của thế kỷ 20, 20
năm bước thêm sang thế kỷ 21, Đại thi hào vẫn còn 'Ba tập thơ chữ Hán, chính họ
Nguyễn Tiên Điền cũng không giữ được tập nào'.
Nguyễn Du từng
than 'Ba trăm năm nữa, ai người khóc Tố Như', hẳn vì hiểu việc đời.
Cao mới đến
Việt Nam năm 1992, lúc tiếng súng đã im. Đổ trách nhiệm văn hóa tổ tiên mất
mát, thất lạc, cho đỏng đảnh đất trời, giặc giã, áo rách… có khiên cưỡng bên
những tư liệu đủ loại, quý hiếm anh Cao tìm thấy? Giống tòa lâu đài trên cát
sau ngọn thủy triều?
Anh Cao nói,
lúc đó tôi rất nghèo, tôi chỉ suy nghĩ cách làm ăn. Chữ 'nghèo' đi mua sách, đổi
được chữ 'thêm' ngoắc sau cái nghèo?
May, nhờ ý
thích vẽ mày, tô môi của phái nữ mà anh Cao có đồng ra, đồng vào, đeo mệnh trời
dúi vào tay, giữ hộ đất này cái hồn, cái cốt. Mộng thương gia rẽ ngang thành
một nhà Việt Nam học.
Ngân quỹ
dành cho những đề tài cấp nhà nước của Viện Hàn lâm KHXH, Viện Sử hay Viện
Hán Nôm… hẳn thiếu chất lửa như cái tình Cao yêu sử Việt?
Cao còn đi
tìm xuất xứ, tìm lai lịch của từng thứ. Con đường song song, cô đơn, chẳng ai
biếu không cho chiếc vé tàu. Mà ai cũng có một mái ấm cần chung tay vun đắp.
Phía sau anh năm 1992 là người vợ ở Đài Loan đang mang thai cô bé gái đầu lòng
với cái tên dịu dàng Dâu Tây.
Thế mới biết,
con chữ vận vào Người khiếp thật.
Tôi hỏi
Emily vợ anh, chị nghĩ sao về công việc của chồng mình? Một người tiêu tốn
gia sản, tâm sức cho một dân tộc khác? Chị chỉ cười. Chị còn kể, nhiều khi đi
đường thấy sách báo cũ, không đọc được chị chụp hình gửi cho anh để hỏi có nên
mua không. Không biết thêm chữ gì vào câu ''của chồng, công vợ''. Cao thì sẵn
có chữ 'nghèo thêm' từ lâu rồi.
Mấy ngày làm
việc với anh từ tư gia đến Thư viện Cố Cung, tôi chỉ thấy nụ cười rạng rỡ của
Emily, một công chúa xưa của bộ lạc Tayal, dân tộc lớn thứ hai trong các dân
tộc nguyên trú ở Đài Loan mà Emily mang trong mình một nửa dòng máu.
Giang sơn Rùa
Thần và Quốc tổ Lạc Long Quân
Không phải đợi
đến thời Lê Lợi, Việt Nam mới có sự tích về rùa thần và những chuyện lạ.
Khâm Định
Việt sử Thông giám cương mục viết:
Sách Cương mục
Tiền biên của Kim Lý Tường chép rằng: Năm Mậu Thân thứ năm đời Đường Nghiêu
(2357-2258 TCN.), Việt Thường thị sang chầu, dâng con rùa thần.
Thông chí của
Trịnh Tiều viết:
Về đời Đào
Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con
rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước rưỡi, trên lưng có
văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai
chép lấy, gọi là Quy lịch (lịch Rùa).
Năm
Khai-Nguyên thứ hai (714), đời Đường, tiết đông-chí, Giao-Chỉ dâng một sừng tê,
sắc như vàng, sứ-giả xin một cái mâm bằng vàng, đặt sừng vào, để trong đền, khí
ấm xông lên người. Vua hỏi vì cớ gì? Sứ-giả tâu: "ấy là Tịch-Hàn-Tê. Thời
Văn-Đế nhà Tùy (589-604), có tiến một cái, đến nay mới tiến lại". Vua vui
lòng tặng thưởng rất hậu.
Thơ Đỗ-Phủ
có câu: "Kim bàn tê duy thận", nghĩa là: "Sừng tê để trong mâm
vàng rất cẩn-thận".
Đỗ Phủ (杜甫; 712 -
770) có phải lấy cảm hứng từ 'Kinh Thánh' khắc trên mai Rùa thần mà lưu tâm đến
Giao Chỉ? Ông là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung
Quốc mà tài năng, đức độ được gọi là Thi Sử (诗史) và Thi Thánh (诗圣), ngang với
Khổng Tử, vị thánh về triết học.
Sử Trung Hoa
còn lưu những nhận xét của Đỗ Phủ câu chuyện cướp bóc của Mã Viện sau cuộc
chiến với Hai Bà Trưng và về vóc và tơ lụa Giao Chỉ.
Ông cảm hoài
về ý chí bất khuất của đất phương Nam
"Vũ lai
đồng trụ bắc
Ý tẩy Phục
ba quân"
Nghĩa là
"Mưa
phía bắc đồng trụ
Muốn rửa
quân Phục Ba"
Tô Đông Pha
(蘇東坡 1037-1101) viết:"Nước Nam Việt từ đời Tam đại trở xuống,
không đời nào dẹp yên cả. ".
Song ở đất
Việt còn ai nhớ rùa thần đội chữ ra đi ấy không? Chắc hẳn những con chữ bé nhỏ
hơn 5000 năm tuổi trên lưng Rùa Thần 3,5m ấy sẽ gây hiệu ứng cảm xúc như chúng
ta nhìn thấy hình khắc cánh chim Condo khổng lồ, hay hình nhà du hành vũ trụ
chiếm trọn một sườn đồi như thể từ một hành tinh khác viếng thăm trái đất
trên hoang mạc Nazca (Peru).
Đất mình,
người nhiệt huyết với nước đời nào cũng có. Hẳn chỉ chưa tìm ra thôi áng cổ
văn ghi lại câu chữ trên mai Rùa Thần. Chỉ cần chữa thói lãnh cảm, thờ ơ và cẩu
thả với lịch sử?
Anh Cao đưa
cho tôi xem một bản khắc gỗ và kể:
"Cổ
vật này tôi tìm thấy ở một làng cách Đà Nẵng 30 km. Khi tôi đó tôi nhìn thấy trên
phố một bác già đang chặt đồ ăn trên một miếng gỗ mà bà dùng như một cái thớt.
Tôi thấy cái thớt rất đặc biệt, mầu đen, xung quanh bẩn thỉu thế này mà họ vẫn
dùng. Tôi nói, tôi muốn xem một chút được không. Khi lật tấm gỗ lên thì tôi
vô cùng sửng sốt. Mặc dù vào thời điểm đó tôi không biết ý nghĩa của bức trạm,
nhưng tôi biết cách điêu khắc này ít nhất phải có tuổi đời 400-500 năm và còn
hơn nữa."
Tôi nói với
bác già, tôi sẽ mua cho bác một cái thớt mới và bác đổi cho tôi tấm gỗ này.
Bác đồng ý và nói trong nhà còn rất nhiều sách và thớt như thế, tôi muốn mua
không. Tôi nói tất nhiên là quá được, tôi sẽ mua và trả tiền."
Nhà báo thấy
đây, quyển sách này cùng thời điểm lịch sử của cái thớt."
Cao lấy cho
tôi xem một bản Lĩnh nam Chích Quái, nói tiếp:
"Nhắc đến
tổ tiên Việt Nam thì phải nhắc đến Thủy phủ, nhắc đến cuộc kết hôn giữa Lạc
Long Quân và tiên nữ. Đây là con thuyền có tám mái chèo, hãy nhìn con rồng có
ba đầu và chín đuôi này. Anh đã nhìn thấy Lạc Long Quân chưa? Lạc Long Quân đấy.
Nếu không có quyển sách này thì tôi cũng không biết đó là Lạc Long Quân.
"Tôi
mua quyển sách này ở miền Trung, nhưng nó phải có nguồn gốc từ miền Bắc. Vì chỉ
có người miền Bắc mới dùng từ 'anh cả', 'chị cả' chỉ con trưởng.
Tôi nghiên cứu
cách viết chữ của từng thời đại và tôi còn chưa dịch cho anh trong sách còn viết
Đại Việt Quốc, Đại Việt chú không phải là An Nam, không phải là Đại
Nam."
Cách viết chữ
có nét vẩy như thế này chỉ có ở nhà Hậu Lê, nhất định là nhà Hậu Lê
(1428-1527). Nhà báo cầm lên, so trang giấy này với trang này, ngửi xem và soi
dưới ánh sáng."
Giấy này
riêng Việt Nam mới có, nó không sợ nước, không sợ mối mọt, chỉ chỗ này là
chuột cắn."
Anh Cao hỏi
tôi:
"Nhà
báo có biết cây gì quý nhất không, cây trầm hương? Giấy này làm chính từ vỏ cây
trầm hương đấy. Bây giờ chỉ có tôi và một giáo sư ở Đại học Bắc Kinh biết về
điều này. Nhưng anh ấy không có bản sách này, còn tôi thì có."
"Việt
Nam hay bị ngập nước, nhưng loại sách này không sợ nước, đó là một loại sách
viết về đạo giáo, trong đó nói về cách hành lễ."
"...Tôi
nghĩ chắc chắn loại giấy này có tác dụng như một loại thuốc. Sau đó ông già
nói với tôi rằng thực ra cuốn sách có lịch sử 400 năm này làm từ giấy trầm
hương."
Anh Cao cho
hay anh đã 100 cuốn sách như vậy và nói khoảng từ năm 1750 trở về trước mới
còn giấy này. Sau này không còn nữa.
Anh cũng nói
nếu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thì phải bắt đầu từ cổ vật này và cam đoan
rằng bản khắc Rồng ba đầu này là hình ảnh duy nhất nói về tổ tiên người Việt.
Anh hỏi:
"Tôi ngạc
nhiên vì sao người Việt chỉ thờ Vua Hùng mà không thờ Lạc Long Quân?"
Cao đã bỏ ra
hơn 20 năm trong đời để tìm những mảnh ghép lịch sử Việt Nam, qua những tờ sắc
phong, những trang sách cổ, có cái hằn vết lửa của các cuộc chiến xuyên qua. Để
hôm nay tôi xúc động được trực tiếp ngắm nhìn, chạm vào và chụp lại những nhân
chứng có một không hai.
Cám ơn anh
Cao!
*Bài viết thể
hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong, hiện sống và làm việc
tại Paris, Pháp. Ông vừa có chuyến thăm Đài Loan.
https://www.bbc.com/vietnamese
|