|
Ngày 18/9/2012 (nhằm ngày
3/8 âm lịch), gia tộc họ Đỗ tổ chức giỗ hai cụ tổ Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự
tại tháp mộ của hai cụ ở ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau.
Đây là lần giỗ
thứ 137 của hai bậc tiền nhân có công khai mở đất, tập hợp nghĩa binh, lãnh đạo
dựng cờ khởi nghĩa kháng chiến chống Pháp tại Cà Mau vào những năm nửa cuối thế
kỷ 19.
Để tưởng nhớ công đức của hai cụ, năm 2010, Hội khuyến học tỉnh vận động
gia đình sáng lập “Quỹ Khuyến học Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự”.
Tại xã Khánh
Hòa, huyện U Minh, hai ngôi trường tiểu học được vinh dự mang tên hai cụ. Quỹ
Khuyến học của gia tộc họ Đỗ thường xuyên trao tặng học bổng cho những học sinh
nghèo hiếu học tại hai ngôi trường này.
Hội Khoa học lịch sử tỉnh chuẩn bị tổ chức buổi tọa đàm về Đỗ Thừa Luông
và Đỗ Thừa Tự nhằm thống nhất thông tin để tiến tới công nhận chiến tích của
hai ông trên sông Cái Tàu là di tích lịch sử cấp tỉnh./.
|

Con cháu dòng tộc họ Đỗ dâng hương tưởng nhớ hai ông Tổ.
Theo nhiều sách sử ghi lại, hai anh em Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự, quê ở Lai Vung, tỉnh Sa Đéc, đã phát động cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp tại vùng Cái Tàu, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau và vùng An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Năm 1872, ông cùng
em vận động nhân dân nổi lên chống Pháp ở ven rừng U Minh, từ rạch Cái
Tàu (nay thuộc huyện U Minh) đến vùng An Biên (tỉnh Kiên Giang ngày
nay).
Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại, hai ông đã hy sinh, nhưng tấm gương yêu nước và kiên trung của anh em ông vẫn được nhân dân trong vùng tưởng nhớ. Dân vùng U Minh còn lưu truyền mãi câu: "Xóm Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự / Đỗ Thừa Luông, Thừa Tự với chú Lào Bang". Do nguồn tài liệu ghi lại công lao của hai vị này quá ít nên Bảo Tàng tỉnh Cà Mau đang có kế hoạch sưu tầm từ nhiều nguồn, nhằm đánh giá một cách chính xác công lao của hai ông để đề nghị các ngành chức năng của tỉnh sớm công nhận phần mộ yên nghỉ của hai anh hùng khởi nghĩa Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự là di tích lịch sử.
Ông Đỗ Văn Thái hậu duệ đời thứ 6 của cụ Đỗ Thừa Luông và tác giả
BLL họ Đỗ Việt Nam đã kết nối với hậu duệ của hai cụ Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự hiện sống ở Thành phố Cà Mau và xã Hòa Thành (ngoại thành TP Cà Mau).
Ông Đỗ Văn Thái hậu duệ đời thứ 6 của hai cụ cho biết, sau khi hy sinh uy danh của hai cụ còn làm cho thực dân Pháp mất ăn, mất ngủ. Chúng dùng cọc sắt và xích sắt để trấn phần mộ hai cụ, nhưng gò mộ cứ nổi cao, phá tung xiềng xích của chúng. Sau này hậu duệ của các cụ đã tổ chức dời mộ hai cụ về quê ở xã Hòa Thành (hiện có khoảng 700 bà con họ Đỗ sinh sống ở đây) để tiện việc thờ cúng.
Đỗ Quang sưu tầm và biên tập
___________
Cùng chủ đề
Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự
Tóm tắt:
Ông Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự
Quê quán: Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp)
Năm sinh: ?
Năm mất: 1872
Ông
Đỗ Thừa Luông (tức Long) quê ở Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng
Tháp), sinh trưởng dưới thời vua Tự Đức. Đến nay chưa rõ ông đã cùng em
là Đỗ Thừa Tự (tức Thừa Ngươn) xuống Cà Mau lúc nào. Năm 1872, ông cùng
em vận động nhân dân nổi lên chống Pháp ở ven rừng U Minh, từ rạch Cái
Tàu (nay thuộc huyện U Minh) đến vùng An Biên (tỉnh Kiên Giang ngày
nay).
Trong
số người địa phương có 3 người hoạt động tích cực, đó là ông Hai Khoa,
ông Hai thầy tu và 1 người Huê kiều Hải Nam, được mọi người quen gọi là
ông Lồng Ban.
Để
chuẩn bị khởi nghĩa, hai ông giao cho ông Lồng Ban qua Xiêm mua vũ khí,
đạn dược v.v.. Nghĩa quân đóng căn cứ tại khu vực Hàn Lớn và Hàn Nhỏ
nằm trong xóm Cái Tàu. Tên gọi Hàn Lớn và Hàn Nhỏ còn đến ngày nay đó
chính là hai cản đất được nghĩa quân dựng lên để ngăn tàu giặc. Do phải
chờ đợi vũ khí từ Xiêm chở về, nên giặc Pháp phát hiện ra căn cứ và tấn
công. Nghĩa quân đánh trà quyết liệt, song vì thiếu vũ khí, nên căn cứ
bị triệt hạ, nhiều nghĩa quân hy sinh. Giặc tung quân lùng sục khắp nơi,
chận bắt được ghe vũ khí từ Xiêm chở về.
Trước
tình hình lực lượng quá chênh lệch, anh em họ Đỗ không muốn các đồng
chí mình tiếp tục hy sinh nữa, nên ra lệnh giải tán nghĩa quân và vào
trong rạch Cái Tàu tự tử.
Hai ông Hai Khoa và ông Hai thầy tu bị chúng bắt, đày sang Cayenne ở tận Nam Mỹ.
Tuy
cuộc khởi nghĩa không thành công, nhưng hai ông luôn được nhân dân
tưởng nhớ. Đến nay ở miệt U Minh vẫn còn vang vọng những câu hát, tiếng
hò:
Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự,
Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự với chú Lào Bang.
Đến
nay, rất tiếc chưa có nhà nghiên cứu nào tìm hiểu cuộc khởi nghĩa này,
để làm sáng tỏ thêm công lao của hai ông. Có thể nói, hai ông Đỗ Thừa
Luông, Đỗ Thừa Tự là những người sớm chọn U Minh làm căn cứ kháng Pháp,
nơi mà sau này trở thành chiến khu trong suốt 9 năm kháng Pháp và 21 năm
chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam.
Theo dongthap.gov.v
Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự – Bài 1: Khí tiết ngất trời
LTS:
Cà Mau - nơi mảnh đất chót cùng ở miền cực Nam tổ quốc, là vùng đất
được khai phá muộn màng nhất ở phương Nam. Đất Cà Mau xưa vốn “nước ngập
quanh năm, chảy ngang qua rừng cấm đầy lá mục như: dừa nước, tràm, gừa,
ráng, lát, sậy, năn, cỏ nước mặn... nên nước màu vàng như nước trà đậm,
nhiều khi đen, hôi và chua, vì có phèn” (theo “Cà Mau Xưa”). Từ một
vùng đất hoang sơ, đến nay, Cà Mau trở thành một trong những địa phương
phát triển trọng điểm của vùng. Quá trình khai khẩn, xây dựng và phát
triển vùng đất Cà Mau luôn gắn với những giai thoại lịch sử về đất, về
người nơi đây. Từ số báo này (số báo 608), ĐMCT trân trọng giới thiệu
đến quý độc giả chuyên trang về Cà Mau - Đất nước - Con người.
ĐỖ THỪA LUÔNG – ĐỖ THỪA TỰ – Bài 1: Khí tiết ngất trời
“Ở Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự / Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự với chú Lồng Bang”.
Câu ca được tương truyên trong dân gian qua nhiều thế hệ nhằm tuyên
dương công đức của hai vị lãnh quân tài đức ở vùng Cà Mau những năm đầu
chống Pháp. Năm 1872, khi hai ông lãnh đạo nghĩa binh quyết chiến trong
trận đấu không cân sức với kẻ thù, khí tiết ngất trời của ngày lịch sử
vẫn còn vang vọng đến mãi về sau.

Gia phả dòng họ Đỗ được lưu giữ tại gia đình ông Đỗ
Văn Trình, cháu đời thứ 5 của ông Đỗ Thừa Luông ở ấp Bùng Binh, xã Hòa
Thành, TP. Cà Mau
Theo sử liệu ghi lại, trong thời thuộc Pháp,
trước khi phong trào Cần Vương ra đời, nơi xứ U Minh xa xôi hẻo lánh, đã
có người đứng lên chống Pháp. Đó là anh em Đỗ Thừa Luông (còn gọi là
Long), Đỗ Thừa Tự (còn gọi là Ngươn). Hai anh em họ Đỗ là con của ông Đỗ
Văn Nhân, cử nhân võ triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức. Khi thực dân
Pháp xâm chiếm Việt Nam, gia đình ông ly tán tới miệt Lai Vung, Đồng
Tháp. Theo chân các nghĩa quân yêu nước, hai anh em xuôi miệt Hà Tiên,
nay là Cà Mau sinh sống. Nơi đây đất rộng, rừng cao, hoang sơ hẻo lánh,
sản vật phong phú, con người trọng nghĩa khinh tài, kiên trung bất
khuất.
Không chịu nổi cảnh áp bức dân lành của bọn thực
dân Pháp và tay sai, hai ông đã tụ họp bạn bè, người thân và những nông
dân quanh vùng Cái Tàu, cắt máu ăn thề đồng tâm khởi nghĩa. Họ thành lập
Nghĩa Đoàn và Đỗ Thừa Luông được bầu làm Trưởng Đoàn, Đỗ Thừa Tự làm
phó trưởng Đoàn, nhiều người khác phụ trách các chi nhánh ở các nơi.
Trong đoàn quân của hai ông còn phải kể đến khí phách các ông: Hai
Khoai, ông Hai Thầy Tu và người gốc Hoa, mọi người quen gọi là ông Lồng
Bang.

Hội Khoa học lịch sử tỉnh Cà Mau đang chuẩn bị Hội thảo tọa đàm về
chiến công của hai ông Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự để tiến tới công nhận
chiến tích của hai ông trên sông Cái Tàu năm xưa là di tích lịch sử cấp
tỉnh.
Chưa đầy một tháng, đội quân đã lên đến khoảng
200 người. Lúc đầu nghĩa quân được vũ trang bằng dao, mác, mã tấu... hết
sức thô sơ. Hai ông sử dụng chiến thuật du kích khéo léo và lợi dụng
địa thế hiểm trở của rừng U Minh nên đã tạo được nhiều kết quả to lớn,
có lần lấy được cả đại bác và tiêu diệt được nhiều tàu địch. Đến năm
Nhâm Thân (1872) Nghĩa Đoàn đã chiếm cứ một vùng đất rộng lớn, từ rạch
Cái Tàu đến An Biên (Rạch Giá), gần như cả vùng U Minh ở đâu cũng có
bóng dáng của Nghĩa Quân. Nghĩa quân xây dựng căn cứ trên sông Cái Tàu.
Rạch Hàn lớn, Rạch Hàn nhỏ là hai cảng có quy mô lớn, anh em họ Đỗ huy
động nhân dân hàn sông để ngăn tàu giặc. Cũng trong năm đó, quân Pháp mở
cuộc hành quân lớn và đã bao vây tiêu diệt nghĩa quân.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, sĩ khí của
hai ông đã làm cho quân thù khiếp sợ: Một tiếng súng nổ xé tan bầu
không khí im lìm, mở màn một cuộc chiến không cân sức, Đỗ Thừa Luông
thét lớn một tiếng thảm khốc, tên lính Pháp đang đứng gác ngã xuống vì
bị dao găm phóng ra từ tay ông... Nghĩa quân liều mình chiến đấu, hai
thanh mã tấu của Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự như hai con giao long đang vũ
lộng thần oai giữa quân thù, dao đến đâu đầu rơi đến đó. Hai ông bị
thương khắp mình, máu tuôn xối xả nhưng vẫn cố gắng vung dao chọc thủng
vòng vây để đưa nghĩa quân ra ngoài. Nhưng sức người có hạn, mã tấu, dao
găm không thể chống lại súng thép đạn đồng. Năm 1875, thực dân Pháp đưa
anh em họ Đỗ ra xử tử hình tại huyện Châu Thành, Hà Tiên (nay là TP.Cà
Mau, tỉnh Cà Mau). Năm 1925, con cháu hai ông đã di táng phần mộ về xã
An Trạch, huyện Giá Rai, nay thuộc ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP. Cà
Mau.
Đến nay, phần mộ của hai ông vẫn đặt tại phần đất
gia đình ở ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành. Theo gia phả họ Đỗ thì ông Đỗ
Thừa Luông có vợ là bà Huỳnh Thị Năm, sinh hai người con là Đỗ Văn Kiêu,
có 9 người con và Đỗ Thị Đễ có 7 người con. Hàng năm, vào ngày giỗ tổ
họ Đỗ, ngoài con cháu trong họ tộc, nhiều người ngưỡng vọng khí tiết của
hai ông cũng đến phúng điếu. Phần mộ của hai ông hiện trên phần đất của
gia đình ông Đỗ Văn Trình, cháu đời thứ 5 của ông Đỗ Thừa Luông. Mong
ước lớn nhất của họ tộc là công đức của hai ông tổ được vinh danh. Ngày
nay, ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau có hai ngôi trường tiểu học mang tên Đỗ
Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự. Kính trọng sĩ khí của hai ông, năm 2011, nghệ
sĩ sân khấu Huỳnh Hảnh đã hoàn thành ca kịch cải lương “Một tấc non
sông, một dòng máu đỏ!...”. Kịch bản này đã được đài PTTH Cà Mau dàn
dựng và phát sóng nhiều lần.
Để tưởng nhớ công đức của hai ông, năm 2010, Hội
khuyến học tỉnh đã vận động gia đình sáng lập “Quỹ Khuyến học Đỗ Thừa
Luông, Đỗ Thừa Tự”. Ông Đỗ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh
Cà Mau cho biết: “Ngày nay, nhiều người tìm hiểu lịch sử rất ngưỡng vọng
khí tiết của anh em họ Đỗ. Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự là hai vị hào kiệt
có công rất lớn thời kháng Pháp, liều mình hy sinh vì nước. Xây dựng
quỹ khuyến học là hành động cụ thể nhớ ơn tổ tiên. Trước tiên là giúp
con cháu trong họ không bị thất học và thực hiện công tác khuyến tài,
giúp đỡ những học sinh khó khăn”. Theo anh Dương Minh Vĩnh, Phó Giám đốc
Bảo tàng tỉnh: Hội Khoa học lịch sử tỉnh đang phối hợp các ban ngành,
địa phương có liên quan chuẩn bị tổ chức buổi tọa đàm về Đỗ Thừa Luông,
Đỗ Thừa Tự. Bởi hiện nay, những sử liệu về hai ông vẫn còn tảng mác, rời
rạc, buổi tọa đàm nhằm thống nhất thông tin để tiến tới công nhận chiến
tích của hai ông trên sông Cái Tàu là di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo kế
hoạch, Hội thảo sẽ hoàn thành trong quý III năm nay và hoàn thành hồ sơ
công nhận di tích trước ngày giỗ tổ của dòng họ Đỗ.
BÔNG TRÀM- datmui.vn
|